Tuy chưa phải cao điểm mùa mưa lũ của năm, song khắp các vùng miền Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra lũ lụt, sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng Tây Nguyên, dù chưa là “điểm nóng” thiệt hại thiên tai, nhưng hiện đang đỉnh điểm mùa mưa nên nỗi lo thiên tai đang phập phồng trong dân. Đặc biệt, việc hàng trăm công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng khiến người dân tại nhiều địa phương nơm nớp lo sợ “bom nước” có thể đổ xuống đầu bất cứ lúc nào...
Những “quả bom nước” chờ “nổ”
Hồ chứa nước Phù Mỹ, xã Cư Mốt (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) được huyện Ea H’Leo bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý các công trình thủy lợi quản lý. Công trình được xây dựng năm 1997 với dung tích toàn bộ 174.000 mét khối, có nhiệm vụ đảm bảo nước tưới cho hơn 100ha cà phê của người dân trên địa bàn huyện. Theo tài liệu PV có được, sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, phần đập đất dài 240m, cao 11,5m; mái thượng lưu bằng đất chưa được gia cố, mái hạ lưu bị thấm mạnh, gây biến dạng. Phần tràn xả lũ cũng bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề; đối với phần kênh dẫn thượng lưu, hiện nay lòng kênh dẫn bị bồi lấp nặng…
Riêng đối với hạng mục cống lấy nước từ khi tiếp nhận công trình (năm 2015) đến nay, Cty TNHH MTV Quản lý các công trình thủy lợi nhiều lần chỉ đạo Chi nhánh thủy lợi huyện Ea H’Leo theo dõi, kiểm tra công trình. Đặc biệt phải thông báo cho nhân dân trong khu vực hạ du về tình hình hư hỏng và khả năng mất an toàn của công trình…
Tình trạng hồ chứa nước Phù Mỹ, xã Cư Mốt (huyện Ea H’Leo) xuống cấp chỉ là một trong tổng số hơn 90 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao. Người dân sinh sống gần khu vực các hồ chứa nước này có cơ sở để lo lắng bởi, gần 780 công trình thủy lợi, với hơn 600 hồ chứa có tổng dung tích 650 triệu mét khối tại Đắk Lắk nhưng toàn bộ các công trình ở đây chưa kiểm định an toàn và có dấu hiệu hư hỏng.
Tại tỉnh Kon Tum hiện cũng đang có 492 công trình thủy lợi, trong đó có 80 hồ chứa, 414 đập và 8 trạm bơm. Đối với 24 hồ chứa lớn có khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở vùng hạ du hiện chỉ có 3 hồ chứa: Đăk Uy, huyện Đăk Hà; Đăk Yên, Ia Bang Thượng, TP.Kon Tum đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt. 21 hồ chứa còn lại mới đang trong giai đoạn lập hồ sơ.
Trong chuyến kiểm tra công tác vận hành để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi của địa phương trong mùa mưa lũ tại Kon Tum, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Trưởng đoàn - nhìn nhận, hiện nay, trong điều kiện mưa lũ cực đoan đề nghị tiếp tục rà soát tổng thể vấn đề về khả năng xả lũ. Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị, tỉnh Kon Tum cần khẩn trương xây dựng phương án chống lũ cho vùng hạ du đối với các hồ đập thủy lợi còn lại…
An toàn nhưng chỉ… tạm thời
Liên quan đến tình trạng xuống cấp của hồ chứa nước Phù Mỹ, ông Nguyễn Công Hạnh - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk - cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở, đơn vị đã nhanh chóng xử lý sự cố an toàn đập.
“Trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với UBND xã Cư Mốt và huyện Ea H’Leo xử lý khắc phục sự cố hư hỏng cơ bản. Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ tạm thời an toàn trong mùa mưa năm 2018!?”.
Về nguyên nhân xuống cấp của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho rằng, trước khi được bàn giao về cho đơn vị, các công trình thủy lợi do các địa phương quản lý. Bản thân những công trình này được xây dựng từ rất lâu, là những năm 80, 90.
“Sau khi tiếp nhận những công trình thủy lợi, chúng tôi đã rà soát, báo cáo tình trạng cụ thể của từng công trình tại các địa phương trình UBND tỉnh Đắk Lắk xin ý kiến. Hằng năm, Cty cũng trích một phần kinh phí để duy tu, bảo trì các công trình. Riêng đối với những công trình xuống cấp nghiêm trọng thì Cty phải làm văn bản gửi tỉnh hoặc tự tìm nguồn kinh phí sửa chữa” - đại diện Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk nói.
Cũng trong chuyến công tác khảo sát an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - khẳng định, trách nhiệm về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước là của UBND cấp tỉnh.
“Hồ chứa loại lớn thì chúng tôi cảm thấy an tâm hơn, còn loại nhỏ, đặc biệt là ở Đắk Lắk là không yên tâm. Loại hồ nhỏ chủ yếu giao cho cấp huyện cấp xã, thứ hai là Tổng công ty Cà phê, thứ ba là giao cho cơ quan công an, quân đội. Chúng tôi rất lo lắng việc giao quản lý cho các đối tượng này, mà chúng tôi đánh giá cơ bản là không đáp ứng đủ năng lực theo quy định…” - ông Tỉnh nói.
Nghệ An: Rừng tái sinh bị "xẻ thịt" tan hoang Trong lúc chờ kiểm đếm, đền bù dự án xây dựng mới hồ chứa nước Khe Lại hay còn gọi là hồ Vực Mấu 2, ... |
Cà phê chết khô bên hồ thủy lợi Người dân phản ánh việc thi công sửa chữa 2 hồ thủy lợi Tây và Đông Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) khiến hàng trăm hecta ... |
Gần 50 hồ chứa đang đe dọa vùng hạ du Hồ thủy lợi ở Quảng Trị đứng trước nguy cơ mất an toàn. 4,3 triệu m3 nước của hồ chứa đang đe dọa trực tiếp ... |