Việc đăng kiểm xe ở nhiều tỉnh thành đang rơi vào khủng hoảng khi 33 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động, tuy nhiên Bộ GTVT chưa có giải pháp nào ngoài việc chờ đợi.

Hàng loạt trung tâm kiểm định đóng cửa, Bộ GTVT nói chưa có giải pháp - 1

Sáng 11/1, ô tô xếp hàng dài trước Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03V (đường Cầu Giấy, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). (Ảnh: Đắc Huy).

Không có trạm để tổ chức đăng kiểm

Trả lời VTC News về tình trạng hàng chục trung tâm đăng kiểm ở khu vực miền Bắc và miền Nam đang tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, một cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hiện nay vấn đề đăng kiểm đang rất khó khăn, muốn đăng kiểm nhanh cho các phương tiện cũng không có trạm để làm.

Những trung tâm đăng kiểm còn hoạt động cũng huy động hết lực lượng để phục vụ nhưng vẫn quá tải. 

"Bây giờ chỉ còn cách cố gắng tăng giờ, tăng ca, huy động cán bộ từ chỗ này, chỗ kia đến để làm. Tuy nhiên, vấn đề là phải có trạm để làm, để đăng kiểm. Do vậy chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện, những trạm nào bị đình chỉ phục vụ điều tra thì tạm dừng, những trạm không bị đình chỉ hoặc điều tra xong rồi thì cho phép tạm thời mở lại. Còn về dài hơi thì cần phải ổn định tổ chức, ổn định nhân sự để phục vụ trở lại", vị cán bộ Bộ GTVT cho biết.

Theo vị này, Bộ GTVT đã trao đổi về việc ách tắc tại các trạm đăng kiểm nhưng lãnh đạo đơn vị cũng chỉ biết nói là nỗ lực phấn đấu, cố gắng tăng ca để phục vụ nhu cầu của người dân.

"Nhưng quan trọng nhất hiện nay là số lượng trạm đăng kiểm hoạt động rất hạn chế vì nhiều trạm đã và đang bị đình chỉ, trong khi nhu cầu của người dân là quá lớn. Hiện nay chưa thể có giải pháp nào khác là chờ", vị này nói. 

30 trung tâm đăng kiểm đóng cửa phục vụ điều tra

Ngày 11/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện có 33 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan điều tra hoặc thiếu nhân sự và vì một số lý do khác. 

Việc nhiều lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, các đăng kiểm viên, nhân viên đăng kiểm bị khởi tố, bắt giam vào dịp cuối năm và đầu năm mới ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm định xe cơ giới của người dân, doanh nghiệp.

Nhiều nhất trong danh sách được Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố là TP Hà Nội với 11 trung tâm tạm dừng hoạt động, gồm 10 trung tâm phải tạm dừng để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an và 1 trung tâm bị tạm dừng hoạt động do chưa đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy.

Ngoài Hà Nội, các tỉnh miền Bắc có các trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra là Hòa Bình, Bắc Giang và Bắc Ninh.

Trả lời PV VTC News sáng 11/1, đại diện Sở GTVT Hòa Bình cho biết, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S (địa chỉ tại xóm Khoang Xanh, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) đang phải tạm dừng hoạt động do thiếu nhân lực và thiết bị.

"Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S đã dừng làm việc từ sáng 9/1 do 10 cán bộ thuộc đơn vị được cơ quan cảnh sát điều tra mời lên làm việc. Bên cạnh đó, một số thiết bị của trung tâm cũng được cơ quan chức năng mang đi để phục vụ công tác điều tra", vị này nói.

Đại diện Sở GTVT Hòa Bình đánh giá mức độ của sự việc rất nghiêm trọng bởi Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S là đơn vị kiểm định ô tô duy nhất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo vị này, sau khi có kết luật chính thức của cơ quan cảnh sát điều tra về mức độ vi phạm của các cá nhân, Sở GTVT Hòa Bình sẽ tham mưu để UBND tỉnh gửi văn bản theo thẩm quyền tới Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam xin hỗ trợ về nhân sự.

"Chúng tôi chưa thể đưa ra thời điểm cụ thể về việc hoạt động trở lại của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S. Sau khi có kết luận của công an, nếu nhiều cán bộ vi phạm thì tỉnh sẽ xin hỗ trợ nhân sự từ Bộ GTVT bởi hiện tại nguồn nhân lực tại chỗ của Sở không có", đại diện Sở GTVT Hòa Bình nói thêm.

Tại TP.HCM có 9 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra và 1 trung tâm dừng hoạt động do thu hồi đất. Các tỉnh khác ở phía Nam có trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ để phục vụ điều tra gồm Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng.

Hàng loạt trung tâm kiểm định đóng cửa, Bộ GTVT nói chưa có giải pháp - 2
 

Phát hiện tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Công an TP.HCM cùng một số cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Công an TP.HCM đã ra lệnh khám xét 12 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án, khởi tố 43 bị can với các tội danh "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ" và "Giả mạo trong công tác".

Thủ đoạn của các đối tượng là nhận "lót tay" để bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật...

Cụ thể, thông tin tại buổi họp báo ngày 20/12/2022, Công an TP.HCM cho biết, Giám đốc các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre đã nhận "lót tay" rồi chỉ đạo Phó Giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng... bỏ qua các vi phạm của xe tới đăng kiểm, như lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải... của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cơ quan điều tra xác định, tất cả các phương tiện được bỏ qua lỗi vi phạm đều do "cò mồi" đưa đến kiểm định, hối lộ tiền, từ đó các trung tâm thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng. Các trung tâm này đã cấp 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô đến đăng kiểm trái với quy định.

Hàng loạt trung tâm kiểm định đóng cửa, Bộ GTVT nói chưa có giải pháp - 3

Công an phong toả để khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-14D tại huyện Hóc Môn, TP.HCM ngày 29/10. 

Mở rộng điều tra, ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Công an thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra.

Ngày 29/12/2022, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D và khởi tố 14 bị can. Theo điều tra, từ năm 2018, Dương Trung Lâm là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D, Dương Đình Phú là Phó giám đốc Trung tâm cùng các đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 99.03D đã thống nhất với nhau về việc thu tiền phí "bôi trơn" ngoài phí đăng kiểm và phí đường bộ theo quy định, với số tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/1 xe ô tô đến đăng kiểm, tùy theo mức độ lỗi của mỗi xe.

Khi đi đăng kiểm xe, chủ xe phải chi số tiền "bôi trơn" kể trên để được tạo điều kiện bỏ qua một số lỗi kĩ thuật của xe ô tô, như khí thải không đạt thì chỉnh lại, đèn phanh không sáng thì bỏ qua.

Theo Công an tỉnh Bắc Ninh, đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 99-03D nhận số tiền phí "bôi trơn" ước tính khoảng 1,3 tỷ đồng (năm 2020), khoảng 1,6 tỷ đồng (2021), khoảng 3,6 tỷ đồng (từ tháng 1-12/2022).

Mới đây, ngày 4/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Thân Văn Hòa, Trần Văn Quyền, Trần Văn Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến (đều là Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D) và Trương Ngọc Tân (nhân viên) để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra thông tin, từ tháng 3/2021 đến nay, lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên của trung tâm có hành vi vòi vĩnh, nhận tiền của chủ phương tiện xe cơ giới đến kiểm định để bỏ qua một số lỗi và cấp giấy đăng kiểm.

Các bị can thừa nhận đã thống nhất thu tiền hối lộ của chủ các phương tiện có lỗi để bỏ qua và cấp giấy đăng kiểm đạt với mức thu từ 100.000 - 500.000 đồng, cá biệt có trường hợp lên đến tiền triệu. Số tiền trên sau đó được chia nhau theo tỷ lệ đã thống nhất từ trước. Số tiền các bị can hưởng lợi bất chính lên tới hàng tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các bị can, thu giữ hơn 500 triệu đồng cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án như máy tính, sổ sách, tài liệu ghi chép có liên quan. Hai người trong vụ án đã nộp 1 tỷ 450 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Tối 11/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn để thực hiện.

https://vtc.vn/hang-loat-trung-tam-kiem-dinh-dong-cua-bo-gtvt-noi-chua-co-giai-phap-ar726083.html

ANH VĂN - PHẠM DUY / VTC News