Thấy học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã nhận đỡ đầu để chăm lo cho các em từ bữa ăn đến chuyện học hành
Từ năm học 2016-2017 đến nay, hơn 900 thầy cô giáo của 45 điểm trường tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã nhận đỡ đầu cho 935 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khi cô giáo là mẹ
Trên con đường gập ghềnh dẫn vào nhà em Đinh Thị Khuya (học sinh lớp 8A Trường THCS Sơn Ba), cô giáo Đinh Thị Năm cầm một túi ni-lông chứa ít măng rừng, vài con cá khô mua từ một người bán dạo ven đường. Toàn bộ số thức ăn này cô đem đến cho hai chị em Khuya.
Con đường này cô đã quá quen thuộc suốt 2 năm qua sau khi nhận đỡ đầu cho Khuya vì thấy em mồ côi cha từ nhỏ, còn mẹ đi làm ăn xa, mấy tháng mới về một lần. Một mình ở nhà, Khuya còn phải chăm sóc cho đứa em mới tròn 4 tuổi. Buổi sáng, Khuya đưa em tới trường mầm non, rồi đi học; chiều về em đi chăn trâu. Nỗi vất vả khiến cô bé đen nhẻm, già trước tuổi so với nhiều bạn bè cùng lứa.
Vì nhà nghèo nên Khuya thường xuyên nghỉ học. Có hôm em nhỏ bị ốm, Khuya phải ở nhà chăm sóc, thuốc men cho em. Xúc động trước hoàn cảnh của Khuya, cô Năm thường đến nhà giúp đỡ, trích tiền lương ít ỏi của mình mua gạo, mắm cho 2 chị em. "Nhờ cô Năm, em có động lực phấn đấu hơn, hai chị em mới có cơ hội đến trường. Giờ em coi cô như người mẹ thứ hai của mình" - Khuya tâm sự.
Nhiều giáo viên Trường THCS Sơn Ba đến nhà động viên em Đinh Thị Khuya đến trường
Thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy mưa gió rả rích, con đường vào thôn càng lầy lội, khó đi. Cô Trần Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thủy, lội mưa gió mang áo ấm vào cho em Đinh Thị Cha (lớp 6 Trường THCS Sơn Thủy). Đỡ đầu cho Cha trong mấy năm học cấp 1, khi em đã lên cấp 2, cô Trang vẫn thường xuyên lui tới giúp đỡ.
Cha ở với ông bà ngoại đều đã già yếu, bám rừng giữ rẫy cũng khó nên cơm ăn bữa đói, bữa no. Bởi vậy, chuyện Cha nghỉ học xảy ra như cơm bữa. Có lần Cha bị ông bà ngoại cho đi giữ trẻ ở xã khác. Nhiều ngày không thấy Cha lên lớp, cô Trang lặn lội lên rẫy tìm nhưng không gặp. Ông bà ngoại của Cha vừa gặp cô đã xua đuổi, la mắng: "Đi học làm chi, để nó đi làm mới có cơm ăn no bụng được. Chúng mày về đi, tao không cho nó đi học nữa".
Mãi sau nhiều lần nhờ hàng xóm dò hỏi, cô Trang mới biết Cha bị ông bà ngoại cho đi làm thuê nên tìm đón em về, mua gạo, mắm, động viên em đi học trở lại.
"Tôi luôn cố gắng làm sao để em đến trường học hành, có kiến thức mới thoát được cái nghèo. Mình có khổ tí cũng không sao!" - cô Trang tâm sự.
Ở huyện Sơn Hà, chuyện như Khuya hay Cha không phải hiếm. Có đến 935 trường hợp là những học sinh nghèo mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được thầy cô giáo đỡ đầu từ mầm non, tiểu học đến THCS. Nhiều trường hợp vì nghèo khó quá, không có cơm ăn nên không đến trường. Thế là những người thầy, cô giáo đỡ đầu phải vào làng, tiếp tế lương thực, đưa các em đến với con chữ.
Cô Nguyễn Thị Thạch, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Kỳ, lo bữa ăn cho 3 anh em của học trò Đinh Văn Diêu
Viết tiếp ước mơ
Rời xã Sơn Thủy, chúng tôi đến Trường Tiểu học xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà. Thực hiện phong trào đỡ đầu cho học sinh khó khăn, toàn trường có 33 học sinh được thầy cô giáo nhận đỡ đầu, chăm sóc. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng bi đát nhất là trường hợp em Đinh Văn Diêu đang được cô giáo Nguyễn Thị Thạch đỡ đầu.
Vì cha mẹ Diêu đi làm ăn xa, hằng ngày, ngoài việc dạy cho Diêu, cô giáo Nguyễn Thị Thạch và Mai Thị Hải còn thay nhau đến nhà dọn dẹp, giặt quần áo, lo bữa ăn cho 3 anh em Diêu.
"Nhìn các em khổ cực, thiếu thốn đủ thứ, mình không cầm lòng được. Mình lo cho các em được bao nhiêu thì lo, giúp được gì thì giúp. Ở đây, chúng tôi làm không phải vì trách nhiệm được giao phó mà vì tình thương, sự cảm mến dành cho các em, coi các em như người thân của mình" - cô giáo Thạch tâm sự.
Cô giáo Phạm Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Kỳ, cho biết còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cần được đỡ đầu nhưng do số lượng giáo viên có hạn nên chỉ nhận được 33 học sinh. Nhiều em không có dép mang, không có áo ấm, cũng được thầy cô nhận về. Các thầy cô còn chăm sóc mua cho các em từng gói mì, chỉ dạy các em tận tình… Tuy nguồn vật chất không nhiều nhưng với tình yêu thương, sự tận tâm đã giúp ích rất nhiều cho các em, động viên tinh thần các em.
Nhân rộng mô hình
Năm học 2016-2017, chứng kiến quá nhiều học sinh bỏ học, các thầy cô mới nảy ra ý định nhận đỡ đầu cho các em. Lúc đầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng mong thông qua phong trào, các thầy cô giáo giữ được học trò, không để các em nghỉ học. Nhưng khi phong trào triển khai, ngoài việc ngăn học trò bỏ học, rất nhiều thầy cô giáo còn dành tâm huyết chăm sóc học sinh, giúp các em tiến bộ. Họ như người cha, người mẹ thứ hai, nuôi nấng các em khôn lớn từng ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, sau 3 năm phát động phong trào đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến nay toàn huyện có 935 trường hợp được thầy cô giáo đỡ đầu.
Ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá cao mô hình các giáo viên nhận đỡ đầu cho học sinh ở huyện Sơn Hà. "Đây là việc làm thiết thực, giúp ích rất nhiều cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, giúp các em có cơ hội đến trường. Tùy theo hoàn cảnh mỗi giáo viên khác nhau, trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc giáo viên, mô hình cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh" - ông Phu nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-11Kỳ tới: Những lớp học đặc biệt
Bài và ảnh: Tử Trực
Được nghỉ học, học sinh lớp 7 tắm biển rồi mất tích Được nhà trường cho nghỉ học để tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, một học sinh lớp 7 cùng nhóm bạn ... |
Mỹ trục xuất du học sinh Đài Loan vì đe dọa xả súng Giới chức Mỹ đang chuẩn bị trục xuất một du học sinh Đài Loan vì tội đe dọa xả súng tại ngôi trường mà anh ... |
2 học sinh phải chỉ định mổ trong vụ sập giàn giáo ở sân trường Trong số 25 học sinh nhập viện vì giàn giáo sập xuống sân trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM), 2 em ... |