Những hạt cát sông, cát biển, nếu cất nên lời, sẽ nói điều gì trước tiên?
Làng tôi nằm bên biển. Hơn 50 năm trước, từ nhà tôi ra bờ biển, phải qua ba dong đất dài gần 200m. Thời chiến tranh, bộ đội bố trí trận địa pháo mặt đất phục bắn tàu Mỹ ngay trên cồn cát trước nhà. Cồn cát rộng, thành nơi phơi lưới gõ lưới rùng. Mùa tháng 5, dân làng mang khoai lang ra phơi. Bọn trẻ chúng tôi quanh năm chơi cướp cờ, đánh khăng, và đêm hè trải chiếu đón gió nồm, đếm sao.
Giờ thì ba dong đất bị biển cuốn mắt tăm. Mảnh đất nhà tôi từ thời ông bà để lại chỉ còn non nửa. Qua mấy mùa bão lớn, sóng biển ập vào, đào xoáy chân cồn cát, lôi tuột mọi thứ ra biển.
Không biết từ thời nào, cái thứ như là quy luật “bãi biển nương dâu” ăn sâu vào tiềm thức, khiến dân làng cứ hoài vọng rồi một ngày biển lùi xa, nương dâu trở lại. Nhưng mấy chục năm qua, biển cứ lừng lững lấn làng, làng lùi sâu mãi...
Tôi cứ thắc mắc, sao biển quê tôi không bồi lắng mà cứ bị xâm thực?
Đầu năm 2017, nhiều tờ báo trong nước, bằng những loạt bài điều tra công phu, gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng như một chiến dịch rầm rộ hút cát biển đem bán cho quốc đảo Singapore lấn biển. Chỉ chưa đầy 2 tháng, từ 01/01 đến 23/02/2017, có tổng cộng 40 tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore, với khối lượng hơn 905.000m3 (TTO, 01/03/2017).
Đó là một sự thật. Là quốc đảo, nằm giữa biển, nhưng Singapore không hút cát trong vùng biển của họ để tôn diện tích quốc thổ, mà bỏ cả tỷ đô la mua cát từ các nước xung quanh, trong đó có cát từ vùng biển Việt Nam.
Chắc hẳn người Singapore không dại?
Tại hội nghị giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hôm 18/6 tại Hà Nội, nhiều số liệu được công bố. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định 562 điểm sạt lở trên tổng số 786 km bờ sông, bờ biển. Trong số đó có 55 điểm với 173 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 507 điểm sạt lở nguy hiểm và ở mức bình thường, tổng chiều dài 613 km. Mỗi năm, các tỉnh ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất... Rất nhiều khu dân cư, ruộng vườn, nhà cửa, đường sá phút chốc mất hút sau một con nước, một đêm mưa...
Có hay không, mối liên hệ nhân quả giữa việc hút cát biển mang bán cho Singapore hay nơi nào khác lấn biển, với tình trạng sạt lở, lún sụt, mất đất mặt biển, bờ sông không chỉ vùng ĐBSCL? Có mối liên hệ nào giữa thực trạng những con tàu hút cát ngoài khơi với giấc mơ “thương hải tang điền” - bãi biển nương dâu trong người dân quê tôi mãi mãi không thành?
Hình ảnh cát tặc ngang nhiên hoạt động ở xã Trung Hà (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Ảnh: Đoàn Bổng |
Hôm 5/6, trong buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14, trả lời đại biểu Quốc hội về nguyên nhân sụt lở bờ sông vùng Nam bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhắc tới hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên được ông nêu ra, là do các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều hồ đập thủy điện, ngăn hầu hết nguồn phù sa về hạ lưu. Nguyên nhân thứ hai, theo ông Bộ trưởng, là tình trạng khai thác cát bừa bãi...
Tôi thì nghĩ khác. Nguyên nhân đầu tiên phải là do nạn khai thác cát bừa bãi. Quy luật tự nhiên, thiên nhiên luôn tự cân bằng, lấy nơi lồi bù nơi lõm, lấy nơi thừa bù nơi thiếu. Một khi các loại “cát tặc” như một siêu thế lực ngang nhiên hút cạn kiệt nguồn cát giữa dòng, thì tất yếu, đất cát hai bên bờ phải sụp xuống để bù vào. Nơi này hút cát sông cát biển tôn nền, lấp hồ, lấn biển, nơi khác sẽ mất nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc. Những hồ đập thủy điện phía thượng nguồn đúng là ngăn lượng lớn phù sa, tới 70% về hạ lưu, như ước tính hiện nay của các nhà khoa học, dù vậy nó chỉ khiến tốc độ bồi lắng vùng châu thổ chậm lại, chứ không hề là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở, mất đất. Điều hiển nhiên, nhãn tiền, không khó để nhận ra này, sao lại thành “khó” dưới con mắt các nhà quản lý đến thế? Ngay cả việc phát hiện, ngăn chặn “cát tặc” sao mà khó khăn, gian nan đến vậy? Phải chăng, cát, nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày một quý hiếm, đang đem lại nguồn thu nhập khủng cho nhóm người có thế lực trong xã hội?
Không khó để ước tính, trong một đêm, chỉ với vài con tàu hút cát, người ta có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng. Khắp nơi, người ta chạy những dự án nạo cát nơi này, vét cát nơi kia; tranh giành những đoạn sông, cửa biển để nạo, vét, hút, múc. Như thế, những ông chủ dự án cát hay các “cát tặc” không thể là một cá nhân hay nhóm người bình thường! Có phải vì thế mà người dân mất làng mất đất trên khắp đất nước này luôn trong tình thế đơn thương độc mã chống chọi với “cát tặc”? Mới đây, báo chí đưa tin, nhà đầu tư từ Malaysia cùng một doanh nghiệp Đà Nẵng đang có ý tưởng lập dự án lấp vịnh Đà Nẵng xây đảo nhân tạo, rộng tới 1.400 ha, với số vốn đến 8 tỷ đô la Mỹ. Họ không che giấu ý định hút cát từ vùng biển Quận Thanh Khê và Quận Liên Chiểu để đắp đảo.
Thật phúc cho người dân vùng biển Đà Nẵng, dự án này còn đang lấp ló dạng ý tưởng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới khoa học và người dân Đà Nẵng. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Đà Nẵng nêu bài học sai lầm khi trước đây, từng lấy cát Cửa Đại lấp vịnh Đà Nẵng, gây nên biết bao hậu quả về môi trường và về con người. Ông cũng lưu ý, “vịnh Đà Nẵng được đánh giá là vịnh đẹp nhất Việt Nam, không nên tác động quá mạnh đến nó”. Tôi bày tỏ sự cảm mến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, khi ông nói, hãy thận trọng với dự án kiểu này, vì khi hút cát nơi này, nơi kia sẽ bị xói lở.
Khi hút cát nơi này, nơi kia sẽ xói lở! Quy luật hiển nhiên, sao nhiều quan chức, nhà quản lý không nhìn ra, hoặc cố tình nói khác đi, hoặc dùng phép nói giảm, nói tránh? Phải vì quan chức không muốn nhận chân quy luật hiển nhiên này mà “cát tặc” cứ ngang nhiên tung hoành khắp nơi chăng? Khi ở Hạ Long, Rạch Giá, Phú Quốc, Đà Nẵng hay nơi nào đó dọc bờ biển dài hơn 3.200 km người ta hút cát biển để lấn biển hoặc bán cho nước ngoài, thì cũng liền đó, những khu dân cư, làng mạc dọc bờ biển nước ta lần lượt mất hút vào lòng biển.
Có lần, tôi nói với những người lãnh đạo cao nhất ở tỉnh tôi về tình trạng bao năm nay biển lấn làng, nguy cơ mất làng nếu không có con đê kè chắn sóng. Các vị lãnh đạo tỏ ra ngạc nhiên, không tin có chuyện lạ đó! Tôi muốn nói với họ, trong câu chuyện bãi biển nương dâu này, người dân quê tôi cùng một phần ngôi làng đã nằm sâu dưới lòng biển, là chứng nhân chứng vật, không gì thuyết phục hơn.
Những hạt cát sông, cát biển nếu cất nên lời sẽ nói điều gì trước tiên? Chắc cát sẽ nói về đường đi của cát, về nguyên nhân đích thực khiến làng mạc, ruộng vườn bị nuốt chừng vào lòng sông, lòng biển, về bộ mặt thật của những “cát tặc”, về... Vậy thì hạt cát, hãy cất lời!
Dân phản đối khai thác cát vì sợ sông “nuốt” nhà Nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi, người dân liên tục phản đối nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại khu vực ... |
Giá tăng vọt, \'cát tặc\' đua nhau đục khoét lòng sông Thị trường cát tự nhiên khan hiếm do cơ quan chức năng “siết” việc quản lý khai thác, đã đẩy giá tăng vọt, khiến “cát ... |
Rầm rộ móc lòng sông lấy cát Doanh nghiệp thản nhiên đào móc lòng sông lấy cát ở Quảng Ngãi, Quảng Trị nhưng các cơ quan chức năng địa phương không có ... |