Tuyến metro số 6 Nội Bài- Ngọc Hồi bao gồm 29 nhà ga và 2 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ, đi qua các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì và 5 quận: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông.
- 51 toa tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã đến Việt Nam
- Làm gì để khai thác tuyến Metro đạt hiệu quả?
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) triển khai nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đó, MRB là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tài trợ thông qua WB để nghiên cứu dự án này.
Đại diện MRB Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 6 có tổng chiều dài khoảng 43km. Điểm đầu tại sân bay Nội Bài, điểm cuối tại Ngọc Hồi.
Tuyến bao gồm 29 nhà ga và 2 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ, đi qua các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì và 5 quận: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông.
|
Tuyến metro số 6 Nội Bài- Ngọc Hồi dài 29km |
Theo MRB Hà Nội, việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết hướng tuyến, nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi có vai trò quan trọng đối với dự án và hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu sẽ giúp thành phố quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng tại những khu vực có tuyến đường sắt đô thị đi qua.
Thứ hai, nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả trong việc khai thác hệ thống đường sắt và giao thông công cộng, tác động trực tiếp đến phát triển không gian đô thị và hiệu quả sử dụng đất đô thị trong tương lai.
Thứ ba, nghiên cứu sẽ xác định được vị trí cụ thể của depot, vị trí các nhà ga, nhu cầu sử dụng đất, quy mô hạ tầng kỹ thuật của tuyến, hành lang bảo vệ tuyến đường sắt đô thị, định hướng được nhu cầu sử dụng năng lượng điện làm cơ sở cho quy hoạch ngành điện”, đại diện MRB cho hay.
Các nghiên cứu về TOD (phát triển định hướng giao thông) đảm bảo việc bố trí các nhà ga đường sắt đô thị kết nối với nhau và mạng lưới đường sắt đô thị kết nối với hệ thống xe buýt, các loại hình trung chuyển, với các bến xe, bãi đỗ xe, không gian ngầm đô thị để phát huy hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông công cộng.
“Ngoài ra, việc thực hiện nghiên cứu cũng góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản phù hợp với chủ trương và định hướng của thành phố về việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất để quản lý Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng - Phát triển đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”, đại diện MRB Hà Nội thông tin.
Bên cạnh dự án nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6 đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, hiện tại, MRB Hà Nội đã hoàn thành Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội- Hoàng Mai (tuyến 3.2) và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU.
Văn kiện đã được các nhà tài trợ thống nhất, MRB Hà Nội đang tiến hành trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai dự án.
“Mới đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) cũng đã có thư đề xuất hợp tác trong việc chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc.
Trong đó, KEXIM bank đề xuất cung cấp ODA không hoàn lại với nguyên tắc “Viện trợ không ràng buộc” dưới hình thức dự án hỗ trợ kỹ thuật để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Trôi - Nhổn (tuyến 3.3)", đại diện MRB Hà Nội chia sẻ thêm.