Sau hàng chục năm bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, khối hồ sơ, kỷ vật đồ sộ của cán bộ đi B thuộc khối dân sự được công bố rộng rãi, trong đó nhiều hồ sơ, kỷ vật đã tìm lại được chủ nhân của mình. Hoạt động này không chỉ phát huy giá trị khối tư liệu đồ sộ, cung cấp những tư liệu sống động, chân thực về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn góp phần giải mã rất nhiều cuộc đời, số phận người, trong đó có không ít người đã ngã xuống khi chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
- Được công nhận liệt sĩ sau 91 năm dũng cảm hi sinh
- Chị gái liệt sĩ Gạc Ma: Trước khi ra đảo em viết thư, nào ngờ là lần cuối...
Những ngày này, trụ sở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tại Hà Nội đón khá nhiều vị khách đặc biệt. Đó là thân nhân và cán bộ đi B - các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác trong kháng chiến và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam. Họ đến tìm lại hồ sơ, kỷ vật đã gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước khi lên đường nhiều năm trước.
Trong số các vị khách này có bà Cao Thị Phòng, một cựu cán bộ ngành Y, đến từ Hải Phòng. Bà đến nhận lại hồ sơ và kỷ vật của chồng - ông Lê Đình Khương. Ông Khương quê gốc ở Bình Định, ông tập kết ra Bắc năm 1954, để lại đàn con thơ ở quê nhà. Tháng 7/1964, ông được điều động trở lại miền Nam. Trước khi lên đường, ông Khương gửi lại toàn bộ hồ sơ, kèm theo kỷ vật là chiếc nhẫn vàng cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Vì chiến tranh, gia đình tứ tán, con cái mỗi người một phương nên khi trở lại chiến trường miền Nam, ông vẫn không tìm được thông tin về gia đình.
Năm 1969, ông trở lại miền Bắc, điều trị bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng Kiến An, Hải Phòng, sau đó kết hôn với điều dưỡng Cao Thị Phòng. Nhiều năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Khương mới tìm lại được các con với người vợ trước nhưng hồ sơ và kỷ vật gửi lại trước khi đi B vẫn thất lạc. Ông từng lên Hà Nội tìm lại hồ sơ nhưng Ủy ban Thống nhất Chính phủ đã giải thể. Vì không tìm lại được hồ sơ này nên lúc sinh thời, khi làm các thủ tục, nhất là thủ tục để hưởng chính sách, ông Khương rất vất vả, phải đi xác nhận ở nhiều nơi.
Ngày nhận lại hồ sơ và kỷ vật của người chồng đã mất năm 2011 từ ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, bà Cao Thị Phòng khóc nghẹn vì xúc động. Trong khi đó, phía Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng rất khó khăn mới tìm lại được người nhận hồ sơ, kỷ vật của ông Khương.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, trên hồ sơ của ông Khương ghi tên Lê Đình Khương kèm bí danh hoạt động, quê ở Bình Định, gia đình thất lạc. Sau nhiều nỗ lực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, năm 2022, Trung tâm tìm lại được con trai của ông Khương với người vợ đầu tiên và mới biết ông đã ngược trở lại miền Bắc từ năm 1969, có thêm tên khác là Lê Văn Bảy, lập gia đình thứ 2 ở Hải Phòng…
Theo Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, hiện nay Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng Internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vẫn đang lưu giữ gần 56.000 hồ sơ của 2 nhóm đối tượng, bao gồm cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó bí mật trở vào miền Nam công tác và một số cán bộ dân sự miền Bắc đi B (1959-1975). Cả hai nhóm đối tượng này chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo…
Đây cũng là những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến. Việc đưa các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trở về với chính chủ nhân của chúng hết sức cần thiết, thiêng liêng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Vì vậy, cùng với việc công bố công khai trên mạng Internet, vài năm gần đây, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước đều tổ chức triển lãm hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, đồng thời tổ chức lễ trao lại hồ sơ, hiện vật, với mong muốn lan tỏa thông tin rộng rãi để chủ nhân của các hồ sơ, hiện vật biết chính xác địa chỉ để nhận lại. Cũng thông qua các hoạt động này, hằng năm, nhiều cán bộ đi B khác đã đến gửi lại nhiều hồ sơ, hiện vật gốc với mong muốn được bảo quản, phát huy giá trị tốt hơn.
Tại buổi tổ chức lễ trao lại hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B và triển lãm mới đây tại Hà Nội, chúng tôi gặp khá nhiều cựu cán bộ đi B và thân nhân đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhưng không nhận lại hồ sơ, hiện vật gốc. Chị của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là bà Dương Thị Tiểu Mai chỉ nhận lại bản sao hồ sơ của em gái.
Theo bà Mai, những kỷ niệm, câu chuyện về người em yêu quý trong gia đình vẫn sống mãi trong ký ức người thân. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, bà vẫn nhớ như in bữa ăn cuối cùng chỉ có cà chua nấu cho em trước ngày lên đường, nhớ từng trang thư, nỗi nhớ mong da diết người con thơ mà nữ liệt sĩ để lại hậu phương… Hồ sơ gốc của liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, gia đình vẫn gửi lại Trung tâm Lưu trữ vì tại đây có điều kiện bảo quản tốt hơn, phát huy giá trị, ý nghĩa của hồ sơ hiện vật này nhiều hơn.
Xúc động trao lại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cuốn sách viết về hàng trăm người con của Nghệ An đi B và một số hiện vật khác, ông Hoàng Tư Hậu, cán bộ đi B năm 1973 cũng cho biết, nhiều hiện vật là kỷ vật của giáo viên, liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, trong đó có chiếc võng Trường Sơn gắn với 4 câu thơ của bạn mà ông thuộc nằm lòng: "Chiếc võng Trường Sơn chập chờn nỗi nhớ/ Câu hò xứ sở ấm áp tình quê/Chiến khu xưa Tân Biên, Tà Thiết/Tháng Tư về nỗi nhớ cứ rưng rưng".
Ông Hoàng Tư Hậu quê ở Nghệ An, đang học Đại học Sư Phạm thì đi B, để lại hậu phương người vợ vừa cưới chưa đầy một tháng. Năm 1977, ông trở lại miền Bắc. Hiện nay, ông khá quen thuộc với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vì ngoài hồ sơ, hiện vật gốc của bản thân, ông Hậu còn tiếp tục sưu tầm nhiều kỷ vật gốc của các đồng đội đi B để trao lại Trung tâm với mong muốn phát huy hơn giá trị các hồ sơ, kỷ vật này.
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, khối hồ sơ cán bộ đi B là một nguồn sử liệu quý giá, gắn với cuộc đời của hàng vạn con người trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt. Mỗi trang hồ sơ là những trang đời về từng số phận người. Hiện nay, khách đến Trung tâm có thể tiếp cận nguồn sử liệu quý này qua rất nhiều kỷ vật, hồ sơ của các cán bộ đi B, trong đó có hồ sơ gốc của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm… Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục kết nối, trả lại các hồ sơ, hiện vật cho chủ nhân, đồng thời có nhiều hoạt động khác để phát huy giá trị của khối tài liệu nói trên.