Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ nhiều nhất 2.500.000 đồng và ưu đãi lãi suất ngân hàng cho hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà, chuyên gia tư vấn nên có mức cao hơn.
TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng nhận định, đề xuất hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà là một "cú huých" kịp thời để kích cầu người dân phát triển lĩnh vực này, nhất là tại Hà Nội.
“Nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ khi được thúc đẩy sẽ giúp ứng phó với nguy cơ thiếu điện. Nếu nhiều hộ gia đình tự đầu tư điện mặt trời để dùng, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh có nhu cầu tiêu thụ điện lớn thì áp lực với nguồn điện quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Kiệt nói.
TS Kiệt phân tích thêm: Tuy là khuyến khích nguồn điện tự sản, tự tiêu nhưng nếu có cơ chế hiệu quả thì sẽ dễ thúc đẩy người dân chung tay với Nhà nước phát triển nguồn năng lượng sạch giúp giảm phát thải, tiến đến mục tiêu net zero vào năm 2050. Cùng với đó, lộ trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện tại các thành phố lớn cũng được suôn sẻ hơn.
Vì thế ông Kiệt đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã nghiên cứu, có sáng kiến và đề xuất Chính phủ hỗ trợ kịp thời người dân lắp điện mặt trời mái nhà. "Đây thực sự là giải pháp phù hợp và đúng đắn mà từ trước đến giờ chúng ta vẫn còn thiếu”, ông nói và gợi ý có thể đưa ra mức hỗ trợ hấp dẫn hơn để tăng hiệu quả khuyến khích, đặc biệt với khu vực Hà Nội.
"Hà Nội là khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời rất thấp nên chi phí lắp đặt thường có chi phí cao hơn. Thành phố này cũng sắp tiến tới chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện. Chính vì thế rất cần chính sách hỗ trợ thêm để kích cầu người dân", ông Kiệt phân tích.

Cần có chính sách tốt hơn để khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời mái nhà. (Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương).
Bên cạnh đó, ông Kiệt cho rằng cần những hướng dẫn chi tiết từ EVN và Bộ Công Thương, ví dụ như: muốn lắp điện mặt trời mái nhà thì cần thủ tục gì, tiêu chuẩn về chất lượng dàn pin mặt ra sao. Vì trên thị trường có hiện tượng quảng cáo chất lượng một kiểu nhưng thực tế thì không như thế.
“Vì thế cần có tính toán kỹ lưỡng để ban hành rõ tiêu chuẩn với từng đối tượng để tránh lãng phí cũng như đảm bảo chất lượng công trình. Nếu chỉ hỗ trợ người dân tiền hoặc ưu đãi khi họ vay ngân hàng mà không hướng dẫn cụ thể thì có thể khiến người tiêu dùng lãng phí khi lắp đặt”, ông Kiệt nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng, mức tiền hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/hộ gia đình mới đang chỉ mang tính động viên, khuyến khích chứ chưa mạnh về tính quyết định. Hiện trên thị trường, hệ thống điện mặt trời công suất 20kW, hệ thống điện biến tần 1 pha, sản lượng 600 - 650 kWh/tháng, diện tích lắp đặt tương đương khoảng 45 m² đang được chào bán với giá lắp đặt 90 - 100 triệu đồng. Nếu lắp thêm 2 bình có thể lưu tích điện 15kW/bình cùng hệ thống dây dẫn thì hết 80 triệu đồng/bình. Như vậy, tổng chi phí là 260 triệu đồng/hệ thống.
"Nhìn vậy sẽ thấy mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng chưa hấp dẫn và khó đạt yếu tố khuyến khích như kỳ vọng. Muốn người dân tự bỏ tài chính để đầu tư nguồn điện, bao gồm cả pin lưu trữ thì mức hỗ trợ nên tăng lên. Trên thực tế, các hộ gia đình thường dùng điện vào ban đêm vì ban ngày thường đi làm và ít người ở nhà, mà điện mặt trời lại được thu nạp vào ban ngày, vì thế không có pin lưu trữ thì rất không ổn. Trong khi đó, giá pin lưu trữ lúc này đang rất cao", ông Đào Nhật Đình thẳng thắn nêu quan điểm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc một doanh nghiệp năng lượng tái tạo tại Lâm Đồng, cũng đề xuất mức hỗ trợ cố định 2,5 triệu đồng hay cho vay tối đa 35 triệu đồng cần được xem xét tăng thêm. Trên thực tế, đa số hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng với công suất thấp thì chi phí đầu tư cũng đã lên hàng chục triệu đồng. Còn những hộ lớn hơn thì có thể lên đến hàng trăm triệu. Chưa kể hiện nay, nhiều hộ gia đình rất mong muốn sử dụng hệ thống có lưu trữ điện năng để có thể sử dụng năng lượng mặt trời vào ban đêm.
"Theo tôi, mức hỗ trợ nên tính theo phần trăm trên tổng đầu tư của từng hộ gia đình", ông Thịnh đề xuất.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời, có lắp đặt hệ thống pin lưu trữ, sẽ được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 1kWp, nhưng không vượt quá 2,5 triệu đồng cho một hộ gia đình.
Các hộ gia đình cũng được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư, như áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn, thời hạn hỗ trợ tối đa ba năm và mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 1kWp, nhưng không quá 35 triệu đồng/hệ thống.
Để được nhận hỗ trợ, các hộ gia đình phải đáp ứng được các điều kiện như có đơn đề nghị, đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục phát triển, đầu tư, lắp đặt, đấu nối, nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác; đáp ứng yêu cầu và thủ tục vay vốn theo quy định.