Bách hóa tổng hợp từng là niềm tự hào của người Hà Nội trong những năm tháng bao cấp. Tọa lạc ngay khu phố Hàng Bài - Tràng Tiền - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) của Thủ đô, nơi này được xem là trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Người từ các tỉnh về Hà Nội bao giờ cũng phải ghé Bách hóa tổng hợp, lượn vài vòng tham quan, ngắm hàng hóa đủ các chủng loại, mẫu mã từ tầng 1 lên tầng 2 trong các quầy hàng đèn sáng như sao sa, nhưng rồi cũng chẳng mua được gì vì hầu hết chúng được bán theo tem phiếu...
Chuyện của muôn người
Được xây dựng từ đầu thế kỉ 20, Bách hóa tổng hợp lúc đầu có tên là Nhà hàng Godard (nay là Tràng Tiền Plaza). Thời bao cấp, Bách hóa tổng hợp tập trung đủ các loại hàng hóa như đồ may mặc, dụng cụ gia đình, văn phòng phẩm, kim khí, hóa chất, gốm sứ, thuốc men, thiết bị y tế… đa phần bán phân phối. Đóng vai trò là trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội nên việc tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại đây cũng rất ngặt nghèo.
Tiêu chí đầu tiên là lý lịch phải trong sạch. Tiêu chí thứ hai là hình thức phải thật ưa nhìn. Mậu dịch viên đứng quầy 100% là nữ, do đó cửa hàng khổng lồ này mặc nhiên được coi là nơi hội tụ của những cô mậu dịch viên thuộc diện xinh đẹp nhất nhì thành phố. Thậm chí, có những cô được thanh niên Hà Nội thuộc cả tên và nổi tiếng chẳng khác gì diễn viên điện ảnh, ví dụ như cô Phương “thuốc”, Thùy Vân, Tô Hải, Bích Châm… Nhiều chàng trai Hà thành hàng ngày lượn lờ đến quầy hàng hỏi bâng quơ ra điều mua sắm, nhưng kỳ thực là chỉ để ngắm nhìn, làm quen với các người đẹp. Vì thế, được đứng bán hàng tại Bách hóa tổng hợp cũng là niềm vinh dự lớn của các cô gái trẻ, danh giá chẳng khác gì làm chiêu đãi viên hàng không (ngày đó dùng từ “chiêu đãi viên” thay cho từ “tiếp viên hàng không” như hiện nay).
Bà Mai Phương năm nay gần 80 tuổi, nhà ở đường Giải Phóng, khi đó mới chỉ mười tám, đôi mươi, là mậu dịch viên tại Bách hóa tổng hợp. Khoảng năm 1960 - 1962 của thế kỷ trước, sau khi học hết cấp 2 (phổ thông hệ 10 năm), bà làm đơn xin vào đứng quầy mậu dịch. Do gia đình có bố là cán bộ nên được xét duyệt nhận vào làm việc luôn. Tuổi trẻ đầy mơ mộng, lần đầu trong đời được đi làm tại một trung tâm bách hóa bề thế, hiện đại nên bà không khỏi vui sướng nhưng cũng nhiều lo âu. Bởi đứng quầy là phải giao tiếp với đủ thành phần khách thập phương, nên làm sao để được lòng khách hàng, rồi sau ca kiểm kê, bàn giao, phải xem hàng bán ra khớp với số tiền thu vào thế nào cho không thiếu, không thừa. Thiếu thì phải bỏ tiền túi bù vào, thừa tức là nhân viên cố tình bán tăng giá, sẽ bị cho là vi phạm nội quy.
Bách hóa tổng hợp năm 1972 |
Chuyện của một người
Cũng cần nói thêm, khi mới được nhận vào làm việc, các mậu dịch viên đều phải học nội quy. Nguyên tắc đối với một mậu dịch viên quốc doanh rất nghiêm ngặt. Cụ thể là không được đi làm trễ giờ. Phải đến trước lúc thay ca 15 phút để thay đồng phục. Rồi phải học cách giao tiếp với khách hàng sao cho mềm mỏng “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Phải tuyệt đối trung thực không vụ lợi, tiền thừa của khách dù 1 xu cũng phải trả lại. Gái mới lớn, lại có nhan sắc, ngày ấy bà được phân đứng quầy văn phòng phẩm (ngay cửa lối vào phố Tràng Tiền), phụ trách những mặt hàng như sách vở học sinh, các chủng loại bút viết kiểu bút máy Hồng Hà, Trường Sơn, cặp ba dây…
Ngoài ra còn bán thêm cả nước hoa Việt Nam sản xuất. Nước hoa được đóng vào chai thủy tinh như chai bia Sài Gòn bây giờ. Khách hàng đến mua phải mang theo lọ, phần lớn là lọ Penicillin, nhân viên quầy sẽ dùng xilanh hút từ chai lớn rồi bơm vào lọ cho khách. Ấy thế mà mỗi người cũng chỉ được mua không quá 20cc.
Có đợt, quầy của Mai Phương nhập được loại nước hoa Trung Quốc màu xanh lục rất thơm. Thế là từ sáng sớm, chưa mở quầy đã thấy khách xếp hàng dài dằng dặc, nhưng mỗi người cũng chỉ được mua 1 lọ. Sau điểm mặt khách thì phần đông là các “con phe” (danh từ hồi đó ám chỉ những người buôn bán chợ đen) xếp hàng quay vòng. Do hàng hóa bán theo giá mậu dịch nên rất rẻ, chỉ 5 hào/lọ, nên các “con phe” mua xong mang lên chợ Đồng Xuân, Hàng Chiếu bán lại cho khách với giá gấp gần 10 lần. Những ngày sau rút kinh nghiệm, phụ trách cửa hàng ra chỉ thị tuyệt đối không bán nước hoa cho dân buôn mà nhân viên đã nhớ mặt. Ấy vậy mà cũng rách việc, mỗi khi tan ca về, cô Mai Phương lại bị mấy mụ phe quây vào chửi bới, rỉa rói.
Bà Mai Phương giờ vẫn còn nhớ kỷ niệm của một thời bách hóa. Ấy là cứ vào giờ trưa vãn khách lại thấy xuất hiện một anh thanh niên cao gầy, da ngăm ngăm mà thoạt nhìn bà đã không có cảm tình. Anh này mang lọ đến để mua nước hoa chiết từ bình to. Khi thanh toán thì không bao giờ lấy lại tiền thừa, có gọi cũng không hề quay lại, mà không phải chỉ một lần như thế. Một buổi chiều muộn tan ca, cô mậu dịch viên xinh đẹp ra bến xe điện Hàng Bài để chờ tàu, bất chợt thấy một nhân vật quen quen đứng cạnh chiếc xe đạp. Cô gái giật bắn mình, rồi sau vài giây trấn tĩnh thì nhận ra ngay đó là vị khách hay tới mua nước hoa.
- Mai Phương để anh đèo về nhé - anh chàng bắt đầu buông lời tán tỉnh.
- Không, tôi đi tàu điện! Cô gái mặt đỏ bừng lúng búng trả lời. Vừa lúc tiếng chuông leng keng tàu điện từ từ vào bến, cô liền lên vội trong toa bỏ lại chàng khách hàng si tình ngẩn ngơ dưới bến.
Bên trong Bách hóa tổng hợp năm 1980 |
Ngày ấy, bây giờ
Bách hóa tổng hợp thường đông nhất vào buổi sáng. Vừa mới mở cửa khách đã ùn ùn kéo vào rồi tỏa đi các quầy. Ngoài những mặt hàng bán theo tem phiếu và sổ mua hàng, sổ căng tin, thì cũng có những loại hàng hóa được bán tự do. Những quầy mà khách xếp hàng dài nhất vẫn là khu tiêu thụ mặt hàng chất lượng thấp (hay còn gọi là hàng loại 2, loại 3) của đủ các nơi sản xuất như săm, lốp xe đạp, bông vải sợi, áo may ô Đông Xuân, quần áo trẻ nhỏ, bát đĩa sứ Hải Dương, thuốc lá Tam Đảo, Sông Cầu, Đ’rao… hay một số mặt hàng viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa để lâu ngày trong kho bị kém phẩm chất cũng được mang ra bán.
Tầng trên thì thi thoảng quầy phim giấy ảnh lại tung ra bán tự do các nguyên liệu làm ảnh như giấy ảnh Owo của Đức cỡ 18x24 quá đát (date) sử dụng; phim chụp Np55 (loại phim thước cắt ra 1m6 cuộn vào giấy đen xoắn 2 đầu như cái kẹo); giấy ảnh ERA của Trung Quốc cỡ 50x60 để trong kho lâu ngày kém phẩm chất, thậm chí mốc đến 30%; giấy ảnh Bình Minh thứ phẩm do Việt Nam sản xuất cỡ 9x12 không hộp chỉ được bọc bằng giấy đen, nhưng bán ra đến đâu hết đến đó. Tuy là bán tự do nhưng cũng hạn chế số lượng. Mỗi người chỉ được mua theo quy định của nhân viên quầy, vì thế nên người xếp hàng rất đông.
Điểm mặt có nhiều phụ nữ đứng tuổi tay xách làn, tay cầm nón trông chẳng có gì gắn với nghề ảnh nhưng rất kiên nhẫn đứng chờ hàng giờ để đợi mua cho kỳ được vài cuộn phim hay hộp giấy ảnh. Chắc bạn đọc cũng có thể hiểu nhóm người này là ai, đó chính là những người sống bằng nghề buôn bán chợ đen. Quầy phim giấy ảnh cũng có cả “hàng xịn” như phim cuộn 36 kiểu Owo của Đức, giấy ảnh Đức mà hạn sử dụng vẫn còn rất dài, rồi hóa chất làm ảnh… nhưng chỉ dành bán phân phối cho các cơ quan truyền thông lớn như Thông tấn xã Việt Nam hay phóng viên các tờ báo có sổ mua hàng, giấy giới thiệu.
Bách hóa tổng hợp ngày ấy cho tới tận bây giờ vẫn là nơi khiến người Thủ đô muốn lui tới. Bởi nó đã biến thành một trung tâm mua sắm xa xỉ chuyên bán đồ hiệu cao cấp mà giá một chiếc túi xách cũng đã lên tới vài nghìn đô la Mỹ hoặc gấp nhiều lần thế nữa. Tầng trên cùng có rạp chiếu phim, cả loại giường nằm bọc da chỉ vài chục chỗ cho nam thanh nữ tú vừa đắp chăn đến cổ vừa nhấm nháp ly cà phê mà coi phim Hollywood.Ngoài cửa vào, các cặp đôi tranh nhau vị trí đẹp để chụp ảnh cưới với phông nền lấp lánh ánh đèn rực rỡ. Cũng vị trí ấy, từ ngày họ chưa ra đời, cũng đã có bao nam thanh nữ tú đứng đó xếp hàng chờ cổng Bách hóa tổng hợp bật mở như một chốn thần tiên, để biết đâu may mắn mua được đôi dép nhựa giá rẻ hay chiếc áo sơ mi trắng diện phố cuối tuần. Thì cũng hơn nửa thế kỉ trôi qua rồi còn đâu.
https://www.anninhthudo.vn/hoai-niem-bach-hoa-tong-hop-ha-noi-post501737.antd