Lễ khai giảng của trường tiểu học vùng trung du trở nên đặc biệt với sắc đỏ đồng phục cùng làn điệu hát Xoan di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Ảnh: Lễ khai giảng ở trường mầm non 'phải bốc thăm giành suất học'
- Tưng bừng ngày khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, hơn 1.000 cô và trò trường tiểu học Gia Cẩm (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tham gia lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023 trong sắc đỏ thẫm của những bộ đồng phục đặc biệt.
Đây là bộ áo dài gắn liền với nghệ thuật hát Xoan truyền thống, được cách tân cho phù hợp để các em nhỏ có thể mặc đến trường. Nghệ thuật hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ.
Năm 2011, hát Xoan - Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Tới năm 2018, loại hình nghệ thuật truyền thống này chính thức đón nhận bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau phần lễ diễn ra trang trọng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới, cô và trò trường tiểu học Gia Cẩm bắt đầu các tiết mục văn nghệ. Trong đó, đặc biệt nhất là màn hát Xoan mà tất cả các em học sinh đều tham gia.
Các "nghệ nhân" nhí trong màn diễn hát Xoan ở lễ khai giảng năm học mới.
Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương, thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa...
Cùng với hát Xoan, cô và trò trường Tiểu học Gia Cẩm còn tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi, sôi động, giúp các em thêm hào hứng trong ngày đầu tiên đến trường trong năm học mới.
Cùng với trường tiểu học Gia Cẩm, sáng 5/9, gần 400.000 học sinh tại 892 cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng bước vào năm học mới.
Bên trong lớp học sau buổi lễ khai giảng của trường tiểu học Gia Cẩm. Nhiều năm qua, các trường ở Phú Thọ triển khai hiệu quả mô hình "trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa". Trong đó, đặc biệt là di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn mời nghệ nhân các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy cho học sinh.
https://vtc.vn/hoc-sinh-mac-ao-the-hat-xoan-trong-le-khai-giang-ar698674.html