Từ ngày 11 đến 22-11, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ chính thức diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

Trong bối cảnh hậu quả do biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại ngày càng nặng nề cho con người và các nền kinh tế ở nhiều quốc gia, các nhà lãnh đạo hy vọng, hội nghị lần này sẽ đạt được những tiến triển quan trọng.

lu-lut.jpg
Tây Ban Nha vẫn chưa khắc phục hết hậu quả của trận lũ lụt kinh hoàng hồi cuối tháng 10-2024. Ảnh: Reuters

Một trong số các mục tiêu mà nước chủ nhà Azerbaijan đặt ra cho COP29 là thống nhất về mức tài trợ hằng năm mới mà các nước giàu sẽ chi để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Baku còn đưa ra 14 sáng kiến nhằm nâng cao năng lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Trong đó, đáng chú ý có đề xuất xây dựng một quỹ mới với tên gọi Quỹ Hành động tài chính khí hậu (CFAF) được các quốc gia và công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch tự nguyện đóng góp. Quỹ cũng sẽ có các cơ chế đặc biệt để tài trợ nhằm nhanh chóng giải quyết hậu quả của thiên tai tại các nước đang phát triển.

Tại các hội nghị trước, bất đồng về vấn đề tài chính đã gây khó khăn cho các cuộc đàm phán khi những nước phát triển gây ra nhiều khí phát thải bị chỉ trích không có đóng góp tương xứng. Trên thực tế, các quốc gia kém phát triển vốn dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Phần lớn trong các quốc gia này đã bỏ lỡ thời điểm bùng nổ đầu tư xanh trên toàn cầu do thiếu nguồn lực tài chính hoặc chính sách hỗ trợ đầu tư. Theo thống kê, các nước giàu đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ Tổn thất và thiệt hại, song con số này không đáng là bao so với mức hơn 400 tỷ USD mà giới chuyên gia cho là các nước đang phát triển cần mỗi năm để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Bên cạnh CFAF, dự thảo đề xuất của Azerbaijan có tên gọi là Cam kết lưu trữ năng lượng xanh toàn cầu cũng sẽ được trình bày tại hội nghị. Đề xuất này tương tự thỏa thuận của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ký kết hồi tháng 4-2024 về mục tiêu nâng công suất trữ năng lượng toàn cầu lên 1.500GW vào cuối thập niên này, từ mức 230GW của năm 2022. Mức công suất nói trên phù hợp với khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã nhất trí tại hội nghị COP28 hồi cuối năm ngoái ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Như vậy, thế giới sẽ cần bổ sung trung bình hơn 158GW công suất trữ năng lượng mỗi năm cho đến năm 2030.

Một vấn đề khác cũng được xếp vào danh mục trọng tâm trong chương trình nghị sự là cam kết chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch - kết quả quan trọng đã đạt được tại COP28. Tại Baku, các quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận về tiến độ thực hiện cam kết kể trên, trong bối cảnh Trái đất vẫn đang nóng lên từng ngày. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi chỉ còn vài tháng nữa là tới hạn chót cho các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật để giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về khí hậu, ký kết tại COP20 năm 2015.

COP29 diễn ra trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những cơn bão, đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, làm chết hơn 570.000 người kể từ năm 2004 đến nay. Sự kiện bi thảm nhất là hạn hán ở Somalia năm 2011 làm chết hơn 250.000 người, trong khi thảm họa mới nhất có thể kể đến trận lũ quét lịch sử vừa xảy ra ở Tây Ban Nha cuối tháng 10-2024, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), khu vực Bắc bán cầu đã trải qua mùa hè năm 2024 nắng nóng kỷ lục và 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Tại Thụy Sỹ, Mạng lưới giám sát sông băng (GLAMOS) cảnh báo, tốc độ tan băng tại các dòng sông trên dãy Alps huyền thoại đang ở mức rất cao. Tổ chức này thậm chí cho rằng, nếu không sớm có biện pháp quyết liệt nhằm đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu, tới năm 2100, 80% sông băng thuộc dãy núi dài nhất châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải nhấn mạnh rằng, kỷ nguyên “sôi sục toàn cầu” đã thay thế kỷ nguyên “nóng lên toàn cầu”. Chính vì vậy, COP29 là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới gửi thông điệp về cách họ sẽ tăng cường hành động vì khí hậu cho tương lai và thực hiện các cam kết trong quá khứ.

https://hanoimoi.vn/hoi-nghi-cua-lien-hop-quoc-ve-bien-doi-khi-hau-ky-vong-dat-tien-trien-quan-trong-684123.html

Quỳnh Dương / HNM.com.vn