Nhằm xác định phương hướng hợp tác và các giải pháp ứng phó trước các thách thức chung, các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Bishkek (Kyrgyzstan). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan; cùng đại diện Uzbekistan và Cuba với tư cách quan sát viên.
- Trông đợi gì ở Hội nghị thượng đỉnh G20?
- Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở hội nghị thượng đỉnh năng lượng Đức - Nga ở Istanbul
Lãnh đạo các nước thành viên EAEU tham dự Hội nghị Thượng đỉnh năm 2022.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí, thời gian qua, EAEU đã hoạt động hiệu quả và tiếp tục phát triển ổn định. Trong bối cảnh toàn cầu biến động, EAEU đã có những biện pháp kịp thời và hiệu quả để không chỉ ổn định kinh tế vĩ mô mà còn cải thiện một số chỉ số phát triển. Ví dụ, tổng mức tăng đầu tư vào tài sản cố định đạt 6,6%, tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 1%. Quan trọng hơn, chỉ số sản xuất nông nghiệp đã tăng 5,4%, rất có ý nghĩa giữa lúc khủng hoảng lương thực gia tăng.
Nhằm tăng cường hợp tác nội khối trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, các bên tham gia hội nghị đã tiến hành đánh giá tiến độ công việc nhằm loại bỏ những trở ngại trong thị trường nội địa của EAEU; thảo luận về hoạt động của thị trường dịch vụ, vấn đề tài trợ cho các dự án hợp tác công nghiệp và hình thành thị trường khí đốt chung. Các bên đánh giá cao những giải pháp mà EAEU đã thực thi trong năm 2022, như thông qua một số quyết định cơ bản nhằm loại bỏ các rào cản hành chính và hải quan còn tồn tại, vốn cản trở thương mại tự do giữa các quốc gia. Hiện một số dự án cơ sở hạ tầng hội nhập đang được triển khai trong EAEU nhằm tạo lập và sử dụng hiệu quả các hành lang quốc tế chính Đông - Tây và Bắc - Nam.
Như thông lệ, điểm nhấn của hội nghị lần này vẫn là cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á - Âu Tối cao, cơ quan có thẩm quyền cao nhất của EAEU. Đây là cuộc họp thứ hai của hội đồng trong năm nay. Tại đây, lãnh đạo các nước thành viên hội đồng (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) đã thông qua 15 văn kiện, trong đó có quyết định bắt đầu đàm phán với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về Hiệp định Thương mại tự do. Các bên đã đạt nhất trí về các phương hướng cơ bản cho hoạt động quốc tế của EAEU trong năm 2023 và phê duyệt ngân sách hoạt động của liên minh. Các nhà lãnh đạo cũng đã đưa ra một số quyết định quan trọng, đặt nền móng cho việc tài trợ cho hợp tác công nghiệp và xác định phương hướng cơ bản cho các hoạt động đối ngoại của EAEU trong năm tới. Nghị định thư sửa đổi Hiệp ước EAEU về thủ tục đánh thuế gián thu trong cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và một số văn bản điều chỉnh hoạt động của liên minh đã được ký kết và thông qua, tiếp tục tăng cường hội nhập Á - Âu.
Đáng chú ý, qua các phát biểu tại hội nghị lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sự ủng hộ đối với việc thành lập cơ cấu điều phối năng lượng trong EAEU, với quan điểm cơ cấu điều phối này sẽ bảo đảm cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, trong bối cảnh hợp tác năng lượng ngày càng mạnh mẽ, một cấu trúc điều phối sẽ giải quyết chuyên nghiệp các vấn đề liên quan đến hoạt động cung cấp nguồn năng lượng lâu dài cho các nền kinh tế, qua đó hình thành các thị trường năng lượng chung cho liên minh. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết có một cơ chế tài chính đặc biệt cho phép cung cấp khoản vay cho các dự án thay thế nhập khẩu của EAEU, từ đó sẽ bảo đảm tài chính cho các dự án chung có triển vọng.
Với những bước đi hợp lý, có thể thấy EAEU tiếp tục là “chất keo” gắn kết các nền kinh tế các nước châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Việt Nam, Indonesia…), qua đó không chỉ tạo ra xung lực vượt thử thách trong giai đoạn khó khăn, mà còn mở ra cơ hội phát triển thịnh vượng chung cho các nước thành viên và đối tác.