Cứ chiều chiều, người dân ở thôn Phú Long, xã Bình Phước lại thấy ông Tô Cửu dò dẫm từng bước một ra ngồi hàng giờ trên đập Cà Ninh, mắt hướng ra cánh rừng dừa nước xanh mướt; nơi có ánh nắng vàng phả xuống mặt nước; có đàn cò trắng chao lượn; có chiếc xuồng con đang xuôi dòng;...và hơn hết, cả tuổi trẻ dữ dội của ông cũng ở trong cánh rừng yên bình này.
Trong trí nhớ già nua của ông Tô Cửu (80 tuổi, trú thôn Phú Long 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn còn nhớ rất rõ, năm 1960, ở huyện Bình Sơn, chính quyền Sài Gòn triển khai xây dựng ấp chiến lược. Các ấp được vây kín bằng những hàng rào thép gai, tre cùng hào sâu bao bọc, chỉ chừa lại vài ba cửa ra có vọng gác và kiểm soát thường xuyên và buộc mỗi gia đình phải tự thực hiện việc rào ấp và đào hào xung quanh ấp chiến lược.
Các gia đình sống ở ngoài bờ rào ấp phải dỡ dọn nhà cửa, tài sản vào hết trong ấp, sản xuất chỉ được làm canh tác ở vùng gần, đất đai có màu mỡ đến mấy cũng bỏ hoang hóa.
"Không chịu đựng nổi sự tù túng, tháng 5.1961, ông Nguyễn Thành Trì trú ở xóm Tân An thoát ly đến vùng giải phóng. Năm tháng sau, ông Tu Mẫn cùng 7 người có cả con dâu, rể đều cùng nhau trốn khỏi ấp. Sự gan dạ của ông Trì và gia đình ông Mẫn ngày đêm thôi thúc đám thanh niên hồi đó, đầu năm 1964 tôi cùng mấy thanh niên quyết định thoát ly khỏi ấp chiến lược đến vùng giải phóng ở Cà Ninh để hoạt động cách mạng".
Thoát ly ra khỏi ấp được vài tháng thì trận lũ cuối năm 1964 làm vỡ đập Cà Ninh, gây thiệt hại nặng nề về người và nhà cửa của người dân, hơn 100 ha rừng dừa nước cũng bị chìm trong biển nước.
Ông Tô Cửu buồn buồn: "Tôi nhớ như in, đêm đó mưa trắng trời. Đến khuya thì nghe tiếng kêu la thất thanh, vỡ đập! vỡ đập! Tôi nhìn ra, cả một vùng rộng lớn chỉ còn là biển nước, trắng xóa. Những ngày tháng sau đó thật quá khó khăn, bởi vì người dân vừa phải cảnh giác đối phó địch càn quét vừa phải khắc phục hậu quả lũ lụt".
Hôm sau, người dân 4 xã (Bình Phước, Bình Dương, Bình Trị, Bình Đông) đồng lòng tổ chức đắp đập Cà Ninh. Và chỉ trong vòng 1 tuần, nhân dân đã đào đắp hàng nghìn khối đất đá, sử dụng hàng nghìn và nhiều vật liệu khác để hoàn thành việc khôi phục đập Cà Ninh, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho hàng trăm ha đất sản xuất của người dân.
Ngồi trên đập Cà Ninh, nhìn ra cánh rừng dừa nước, ông Tô Cửu bảo, đêm đó nếu không nhờ rừng dừa nước ở dưới đập Cà Ninh cản dòng chảy thì cả làng mạc, nhà cửa đã bị dòng nước lũ cuốn trôi rồi.
Người dân chưa kịp vui mừng vì vượt qua được trận lũ lớn thì tháng 3.1965, chiến tranh lấn dần vào các xã Bình Thạnh, Bình Chánh và vùng này thành vành đai trắng quanh căn cứ Chu Lai. Hằng ngày, tàu chiến, canô tuần tra ven biển đông Bình Sơn và sông Trà Bồng, tâm điểm là rừng dừa nước Cà Ninh. Trong thời gian dài, rừng dừa nước Cà Ninh luôn phải hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn dược.
Trong những năm tháng ác liệt đó, lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh cũng thường xuyên bám trụ, ẩn trú trong rừng dừa nước Cà Ninh để chiến đấu. Người dân sống xung quanh rừng dừa nước vừa tham gia sản xuất, tiếp tế lương thực cho du kích ở trong rừng dừa vừa đào hầm, nuôi giấu, chăm sóc thương binh, bệnh binh.
"Người dân nhiều lúc phải nhịn ăn để có lương thực tiếp tế. Thời đó khó khăn quá, lương thực chỉ có rau dền, ốc suối, rau tàu bay... Đêm đêm cử người luồn vào trong rừng dừa nước Cà Ninh, theo con đường bí mật để giao tận tay cho cán bộ", bà Lê Thị Hương (78 tuổi, thôn Phú Long 1) - kể.
Câu chuyện của bà bỗng chững lại khi nghe những âm thanh phát ra từ công trường cạnh đó, bà Hương tiếp: "Nhưng nghe nói nhà nước chuẩn bị phá 50 hécta rừng dừa nước Cà Ninh để phục vụ cho nhà máy giấy VNT-19. Lúc đầu ai cũng tiếc nuối, muốn giữ lại, nhưng vì lợi ích chung nên người dân đồng tình".
Chỉ thương cho mấy ông có cả tuổi trẻ từng sống, chiến đấu trong rừng dừa nước Cà Ninh còn sống sót không có nơi để hoài niệm. "Như chồng tôi - ông Tô Cửu, khi nghe tin rừng dừa nước Cà Ninh sắp bị phá, ông ấy không nói gì, nhưng cứ chiều chiều, ông lại dò dẫm từng bước một ra ngồi hàng giờ trên đập Cà Ninh, mắt hướng ra cánh rừng dừa nước xanh mướt; nơi có ánh nắng vàng phả xuống mặt nước; có đàn cò trắng chao lượn; có chiếc xuồng con đang xuôi dòng...như để tìm lại chút hồi ức của mình còn sót lại ở đâu đó. Người già mà, vốn thích hoài niệm" - bà Hương đồng cảm.
Ký ức về vai diễn \'công an tuột xích\' của cựu lính H88 Đối diện giữa sống và chết khi xâm nhập ổ buôn súng đất Cảng, đại úy Quân chọn cách hoàn thành nhiệm vụ. |
Ký ức của người đào tẩu từng là vận động viên Triều Tiên Các cựu vận động viên Triều Tiên cho biết họ đã phải tập luyện trong điều kiện khó khăn và tinh thần cạnh tranh rất ... |