Dù liên tục giảm lãi suất từ quý 2/2023 đến nay, ngân hàng dư tiền nhưng theo ghi nhận, sức cầu bất động sản chưa phục hồi rõ nét. Vì đâu?

Hơn 6 triệu tỉ đồng tiền gửi của người dân đang nằm trong ngân hàng, lý do người mua vẫn chưa mặn mà với bất động sản?

Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng nhà nước, tính đến hết tháng 7/2023 lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, đây là mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ngân hàng nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.

Từ dữ liệu này cho thấy, dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm nhưng gần như dòng tiền của người dân vẫn hướng vào kênh này. Sự phục hồi của thị trường bất động sản, chứng khoán còn khá yếu. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng bất động sản không còn sức hấp dẫn quá lớn với nhà đầu tư mặc dù tiền của họ vẫn còn?

Từ đầu năm, Chính phủ và các bộ ngành có nhiều động tháo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bên cạnh việc cơ cấu lại trái phiếu, gỡ vướng thủ tục, Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất. Khi lãi suất cao, người dân thường có xu hướng gom tiền gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, mỗi khi lãi suất xuống thấp, hầu hết lại tính đến chuyện rút tiền để đầu tư vào những kênh có khả năng sinh lời cao.

Chia sẻ mới đây, bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc Savills Tp.HCM cho rằng, có thể từ cuối năm 2023, nhiều người đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất gửi thấp sẽ không tiếp tục gửi nữa. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng hướng đến các kênh đầu tư khác sinh lợi tốt hơn lãi suất tiết kiệm. Bất động sản là một lựa chọn. Bà Giang phân tích với mức lãi suất tiết kiệm chỉ 6-7%/năm sẽ không đủ hấp dẫn với nhà đầu tư, trong khi bất động sản vẫn có thể đạt được 10-11%/năm.

222222.jpg
Lượng tiền người dân gửi ngân hàng còn cao.

Trong các báo cáo nhận định thị trường bất động sản hồi giữa năm nay nhiều đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra kịch bản dòng tiền tiết kiệm đáo hạn trong quý 3/2203 có thể chảy vào bất động sản nếu lãi suất giảm xuống mức 6-7%. Ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2023. Chỉ cần một phần trong dòng tiền khổng lồ này “chảy” vào bất động sản, tốc độ hồi phục của thị trường có thể được đẩy lên nhanh hơn.

Đến nay, dù thị trường bất động sản đã có có tín hiệu phục hồi sức mua ở một vài phân khúc nhưng nhìn chung thanh khoản toàn thị trường còn khá yếu. Những kỳ vọng về việc tiếp nhận dòng tiền tiết kiệm đáo hạn của thị trường bất động sản từ ngân hàng có lẽ chưa thành hiện thực.

89ss.jpg
Dù lãi suất giảm, nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với bất động sản. 

Chia sẻ về câu hỏi, vì sao lãi suất giảm, người mua vẫn chưa mặn mà với bất động sản, ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản cá nhân cho hay, kinh tế vĩ mô khó khăn, thu nhập – việc làm của người dân không tăng, thậm chí thu nhập giảm mạnh so với trước. Tỉ giá tăng, hạ tầng dù có dấu hiệu nhưng chưa đột phá, giải ngân đầu tư công còn chậm, giá bất động sản còn cao, nguồn cung nhà giá phải chăng ít, lãi suất cho vay chưa giảm rõ rệt, việc duyệt vay mua bất động sản không còn dễ dàng như thời điểm trước năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính/vốn; thị trường mua bán thứ cấp vẫn trì trệ… tất cả các yếu tố này dẫn đến niềm tin vào bất động sản vẫn chưa cao. “Thị trường vẫn tồn tại tâm lý dè dặt, thận trọng và chờ đợi”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng, nếu tăng trưởng kinh tế quý 4/2023 và quý 1/2024 bật cao hơn quý 3/2023, việc làm và thu nhập tốt hơn thì sẽ kéo bất động sản sôi động theo. Bởi lẽ, giờ người dân muốn mua bất động sản thì phải nhìn thấy nguồn thu nhập ổn định, hoặc đi vay phải thuận tiện.

Cùng quan điểm, một người trong ngành cũng chia sẻ, hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đè nặng, dè dặt về tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như thị trường bất động sản. Đa số nghĩ rằng, bất động sản chưa phải đáy, khó khăn có thể kéo dài ít nhất 1 năm hơn nữa nên họ cân nhắc rất kỹ việc xuống tiền mua bán lúc này, trừ khi bất động sản đó giá chiết khấu rất hấp dẫn.