Ngày 25/10, lực lượng phòng vệ Israel lần đầu tiên triển khai bộ binh tiến vào phía bắc Dải Gaza trong một nhiệm vụ kéo dài chỉ vài giờ.

Theo Guardian, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bước vào giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự chống lại phong trào Hamas ở dải Gaza khi đưa bộ binh tiến vào vùng lãnh thổ này.

Trong cuộc đột kích vào phía bắc dải Gaza vào tối 25/10 theo giờ địa phương, bộ binh Israel dưới sự hỗ trợ của xe tăng và máy ủi bọc thép đã tấn công các mục tiêu được cho của Hamas bên trong khu vực dân cư giáp biển Địa Trung Hải.

1
Xe ủi bọc thép của Israel phá hàng rào biên giới mở đường cho bộ binh tiến vào dải Gaza. (Ảnh: Guardian)

Bộ binh Israel thận trọng tiến vào Gaza

Trong thông báo về cuộc đột kích ngày 25/10, IDF cho biết hành động này là nhằm thăm dò các điểm phòng thủ của Hamas để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ lớn hơn trong thời gian tới.

Cũng theo IDF, bộ binh Israel chỉ tiến vào dải Gaza chỉ khoảng 1km tính từ hàng rào biên giới sau đó rút ra ngay trong đêm.

Nhiệm vụ chính của IDF trong cuộc đột kích này là tìm kiếm các hệ thống đường hầm và kiểm tra phản ứng của Hamas, đặc biệt là từ các đơn vị vũ trang Hamas mà Israel tin rằng được trang bị tên lửa dẫn đường chống tăng Kornet.

Theo một phát ngôn viên IDF, ít nhất một xe tăng của Israel đã bị trúng đạn chống tăng trong cuộc đột kích, nhưng lực lượng bộ binh vẫn về biên giới an toàn mà không có thương vong.

Đoạn video chi tiết do IDF công bố cho thấy một đoàn xe quân sự gồm ít nhất chục xe tăng chiến đấu chủ lực và các phương tiện bọc thép khác băng qua một lỗ hổng trên bức tường biên giới Gaza và bắn vào các tòa nhà giáp biên giới.

Mặc dù quân đội Israel thường xuyên đột kích vào Gaza trong các cuộc giao tranh gần đây, nhưng cuộc tấn công này được mô tả là có quy mô lớn hơn nhiều và nhằm mục đích định hình các điều kiện chiến đấu ở các khu vực biên giới cho “giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”.

2
Israel nhiều khả năng sẽ tiến vào dải Gaza từ vùng duyên hải sau đó mở rộng dần vùng kiểm soát. (Ảnh: Daily Mail)

Cuộc đột kích của Israel diễn ra khi các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cho một nghị quyết nhằm xây dựng các hành lang nhân đạo và tạm dừng pháo kích để đưa viện trợ khẩn cấp vào dải Gaza.

Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, hơn 7.000 người Palestine đã thiệt mạng ở dải Gaza và có lo ngại rằng con số thương vong có thể tăng thêm nếu Israel tiếp tục tấn công trên bộ. Thậm chí Liên hợp quốc còn lên tiếng cảnh báo không có nơi nào ở Gaza an toàn.

Israel đã ném bom Gaza kể từ ngày 7/10 sau khi khi các tay súng Hamas đột kích vào miền nam nước này. Các cuộc tấn công rocket, trên bộ và trên không của Hamas đã làm ít nhất 1.400 người Israel thiệt mạng.

Quân đội Israel tuyên bố họ chỉ tấn công các mục tiêu phiến quân và cáo buộc Hamas lẩn trốn giữa dân thường ở các khu vực đông dân cư và sử dụng các con tin để uy hiếp Tel Aviv.

Hamas chuẩn bị sẵn cạm bẫy?

Theo các chuyên gia quân sự, trước xung đột Hamas đã hoàn thiện việc xây dựng một hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới lòng đất Gaza. Họ cũng có thể gài bẫy mìn ở nhiều vị trí nhạy cảm bên trên mặt đất, sẵn sàng đợi lính Israel tới.

Không loại trừ khả năng Hamas đã chuẩn bị các nhóm đánh bom tự sát và các đội chuyên bắt cóc lính Israel làm con tin.

3
Mối lo ngại lớn nhất của Israel khi tiến vào dải Gaza là các đơn vị tên lửa chống tăng của Hamas.

Để đối phó với các nguy cơ trên IDF rõ ràng cần tới sự hỗ trợ tác chiến của Mỹ vốn đã trải qua các kiểu tác chiến đô thị tương tự ở Afghanistan và Iraq. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Israel dù có ưu thế vào quân số lẫn trang bị.

Lấy ví dụ như quân đội Iraq, được lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Anh và một số nước khác hậu thuẫn, cũng phải mất tới 9 tháng để đánh bật phiến quân IS khỏi thành phố Mosul vào năm 2017.

Khi ấy thành phố Mosul đã cơ bản không còn dân thường, tuy nhiên chiến sự đã diễn ra ác liệt từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác. IS đã tận dụng hệ thống địa đạo mà chúng đã xây dựng để phục kích quân chính phủ, khiến lính Iraq đổ nhiều xương máu.

Kỹ thuật chế bom của phong trào Hồi giáo Hezbollah đã được truyền khắp Tây Á. Ở dải Gaza, binh lính Israel sẽ phải đối mặt với các thiết bị nổ tự chế có sức công phá đủ để gây hư hại cho xe tăng. Trong chiến tranh Lebanon năm 2006, Israel đã cảm nhận rõ năng lực của Hezbollah trong phá hủy xe thiết giáp đối phương.

Không những vậy, Hamas giờ còn sở hữu năng lực phòng không. Các trực thăng tấn công AH-64 Apache của Israel yểm trợ cho bộ binh giờ sẽ phải đối mặt với sự đe dọa lớn từ hệ thống tên lửa phòng không vác vai của đối phương.

Khả năng cao bộ phận tuyên truyền của Hamas sẽ sẵn sàng quay các video ghi cảnh họ tấn công vào binh sĩ Israel, để phục vụ mục tiêu tâm lý chiến.

Trà Khánh / VTC News