Qua rồi thời ăn để no, ăn để sống, con người của xã hội hiện đại cần được ăn ngon và cao hơn nữa là ăn lành. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta vẫn hay nói: “Ăn ngon lành”. Ăn lành với thực phẩm sạch giờ như một yêu cầu tối thượng, ít một chút, mắc cũng không sao, khó tìm cũng ráng, miễn đảm bảo sức khỏe. Từ đó, có bao nhiêu điều thú vị xoay quanh chuyện ăn lành...

“Đồ đồng” lên hương

Xin bắt đầu câu chuyện ăn lành bằng cuộc đổi đời của “đồ đồng”, “đồ rẫy”- thuật ngữ chỉ những loại rau củ thiên nhiên sau vườn, ngoài đồng bái quê nhà.

Ở tuổi 80, ông Nguyễn Cao Lầu, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, được xem là lão nông tri điền ở xứ sở “đồng chó ngáp” này. Mấy bận con cháu chở bằng xe máy lên Cần Thơ trị bệnh, ông về kể lại cho nhóm bạn già nghe cảnh dọc đường người ta bán đồ đồng.

Ông lắc đầu: “Chịu thua! Người thành phố ăn gì kỳ, lục bình, năn bộp, bình bát… mà bán mắc động trời”. Dễ hiểu, vì cả đời nông dân của ông Ba Lầu, ông chẳng thể nào hiểu nổi năn bộp- thứ cỏ dại mọc hoang ngoài đồng, chỉ để… trâu ăn hồi năm nào, giờ là đặc sản, mấy mươi ngàn đồng một ký. Rồi bình bát- loại cây mọc hoang, trái rụng đầy mé kinh, bờ rẫy vậy mà họ bán mỗi trái đôi ba ngàn, trưng trên kệ như một đặc sản.

ke chuyen an lanh

Người dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long chọn rau sạch để làm dưa cải. Ảnh: Duy Khôi

Tôi thấu hiểu, cái lắc đầu của lão nông Ba Lầu lại là sự vừa bụng khi mà đặc sản đồng quê lên hương, giá trị dân dã được người thành thị coi trọng. Ông Ba Lầu chắc cũng chẳng ngờ nổi, cách nhà ông trên 30km, ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cây năn bộp đã trở thành cây trồng chủ lực, cây “xóa đói giảm nghèo”. Hơn 40ha đất trồng năn bộp, lợi nhuận cao 7-8 lần so với cùng một diện tích đất trồng lúa là những điều tưởng lạ mà có thật.

Lão ông Trần Thanh Nhị, ở Hưng Phú, gọi đó là kiểu “làm chơi ăn thiệt”. Còn anh Nguyễn Văn Kê, ở ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, giờ xem năn bộp như một “ân nhân” vì cho anh nhà cửa, xe cộ, cho gia đình anh cuộc đổi đời. Rồi cũng cách nhà ông Ba Lầu chưa đầy 30km, ngược sông Cái Lớn, người dân Hỏa Lựu, Vị Thanh, Hậu Giang lại trồng loài cây “độc” hơn nữa- dây rau choại.

Mỗi ký đọt choại giờ hơn 20.000 đồng, bán tận TP Hồ Chí Minh. Những đồng bái rậm dây choại ngày nào giờ trở thành “mỏ tiền” của nhiều người. Đó là những điều ông Ba Lầu chẳng thể nào ngờ, dù gần trọn đời người gắn bó.

Ngay cả lục bình, chật nghẹt sông rạch giờ cũng là rau sạch, rau lành; đọt để luộc, ăn sống, ngó để làm dưa… Bình bát dầm đường, cà na muối, đọt nhãn lồng luộc… đã lên đời thành đặc sản. Tựu trung cho những cuộc “soán ngôi” ngoạn mục ấy vẫn là mong muốn- nói không quá lời là khát khao - được ăn lành.

Người ta tin rằng, năn bộp, đọt choại, cà na… là những thực phẩm không phân, không thuốc, vốn dĩ khó tìm ở những thực phẩm tốt củ xanh lá bán đầy ngoài chợ. Chẳng vậy mà khi có những cung đường mới mở như 91B, Cần Thơ- Vị Thanh… đồ đồng từ đồng theo chân người nông dân ra… mặt đường để phục vụ thượng đế. Những cung đường ấy bỗng trở thành điểm hẹn đồng quê với đầy đủ dư vị hương đồng gió nội, thỏa mãn chuyện “ăn ngon lành”.

Ám ảnh và khát khao

Một lúc rảnh rỗi nào đó, bạn thử gõ tìm trên google cụm từ “thực phẩm bẩn”. Khuyến cáo dành cho bạn là người “yếu bóng vía” chớ nên thử vì nhiều bạn bè của tôi đã ám ảnh khi xem hàng triệu kết quả, rùng mình và chỉ muốn… tuyệt thực! Sao bây giờ từ con cá đến cọng rau, thức chấm đều bị người ta làm “bẩn”- nói đúng là như vậy. Bà nội trợ xách giỏ đi chợ chẳng biết chọn gì khi nhìn đâu cũng “nghe nói cái đó người ta làm ghê lắm”.

Rõ ràng, khi mà người tiêu dùng có quá nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin từ các phương tiện truyền thông, tới độ hoang mang khi chọn lựa thực phẩm, trong khi ranh giới giữa an toàn và không an toàn quá mơ hồ. Nói như chị Nguyễn Thị Màng, người dân đi chợ Long Hòa, quận Bình Thủy: “Giá có cao chút cũng được, miễn sao sạch là chịu, chớ giờ ăn gì cũng lo”.

ke chuyen an lanh

Tiêu chuẩn thực dưỡng hiện đại cho một bữa ăn lành do Ẩm thực Lành công bố. Ảnh: Duy Khôi

Vậy rồi, tưởng như một nghịch lý nhưng đang diễn ra hằng ngày, bà nội trợ cứ phải thấy rau củ èo uột, một chút sâu sia, cằn cỗi thì mới an tâm. Không khó bắt gặp trong 5-7m2 sân nhà đô thị, chất đầy những thùng, chậu để trồng rau- dù theo như nhẩm tính của anh Hoàng Mạnh Hùng (phường An Bình, quận Ninh Kiều), số tiền mua giá thể, đất, chậu, hạt giống… cao gấp… 20 lần so với mua rau củ bán ngoài chợ mà lại không tốn công.

Thuật ngữ “rau nhà trồng”, “thức ăn nhà làm” hay những biển hiệu “nước mía sạch” rồi “nước mía siêu sạch”, “rau sạch”, “khô sạch”… như một sự bảo chứng, dù đôi khi cũng bị lạm dụng.

Ám ảnh và rồi khát khao, nỗi khát khao đơn giản là một bữa cơm gia đình ngon, lành và không “bẩn” đang hiện hữu trong đời sống hiện đại.

Đôi vợ chồng trẻ Trần Thế Phục ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã thấu hiểu và sáng lập nên thương hiệu ẩm thực Lành- cơm lành nấu theo thực dưỡng. Theo anh Phục, đó là sự cân bằng giữa thức ăn- vận động- tinh thần.

Lạ kỳ sao, ở một quán ăn nho nhỏ, yên tịnh, bữa cơm có rau luộc, cá kho khô, cơm gạo lứt, không ê hề thịt cá, dầu mỡ nhưng ngon lành đến lạ. Ăn một bữa cơm lành không chỉ thấy no mà thấy người nhẹ nhàng hơn nếu đem tham chiếu với một bữa tiệc món ngon vật lạ. Rau củ được vợ chồng anh trồng trong mảnh vườn nhỏ, gọi là “rau củ nhà Lành” đúng theo tiêu chuẩn “đồ đồng trong phố”.

Mới đây, anh Phục đã tổ chức buổi nói chuyện về thực dưỡng hiện đại với chủ đề “Sống thuận tự nhiên”, có sự tham gia của Lương y Trần Ngọc Tài, nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng- hai chuyên gia về thực dưỡng hàng đầu Việt Nam. Hàng trăm người đã đến dự, đã bàn chuyện ăn lành, ăn sạch trong nỗi lo âu, có người như cầu cứu, trong bối cảnh bệnh tật bủa vây.

Những nông dân cố cựu ở Long Tuyền, Bình Thủy như Triệu Công Đỉnh, Nguyễn Thanh Liêm… một thời từng ấp ủ khát vọng làm giàu từ rau sạch nay đã trở thành những người điều hành của Hợp tác xã rau sạch Long Tuyền. Làm giàu hay không chưa rõ nhưng rau sạch thì đã có, đã vào được siêu thị, nhà hàng…

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã rau sạch Long Tuyền, nhớ lại, 12 năm về trước khi mà khái niệm rau sạch còn mơ hồ, chuyện ăn lành, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng chưa đủ rõ và mạnh để tạo nên hành vi tiêu dùng thì rau sạch là xa xỉ.

“Bây giờ thì rau sạch được hợp tác xã chúng tôi trồng theo quy chuẩn VietGAP, có đầu ra ổn định”- ông Liêm nói. Con đường rau sạch từ đồng ruộng Long Tuyền đến bàn ăn người tiêu dùng đã phong quang hơn.

Một phép tính như thế này: ĐBSCL có khoảng 17,5 triệu dân, cứ cho mỗi ngày, mỗi người tiêu dùng chỉ 300gram rau củ, thì tổng lượng rau sạch cần dùng đã lên đến 5,250 triệu ký rau sạch; trong khi lượng rau sạch xuất bán ở Hợp tác xã rau sạch Long Tuyền chỉ khoảng 400kg/ngày. Con số còn lại vô cùng lớn. Nói như vậy để thấy rằng, cầu - quá cần; cung- chưa đủ. Câu chuyện sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường xin bàn ở một chuyên đề khác.

* * *

Chuyện ăn lành như một bộ phim dài nhiều tập và không ít kịch tính. Bữa đi đám giỗ ở Bạc Liêu, nghe mấy chị nội trợ dưới bếp bàn chuyện rau sạch, rồi phán câu xanh rờn: “Nói chớ đồ đồng bây giờ chưa chắc sạch, mà người ta rao ra rả cái gì cũng sạch, cũng… chưa chắc! Mà thây kệ, nói thì tin đi”. Hóa ra, đôi khi khát vọng ăn lành lại như “ước mơ vươn tới một ngôi sao”; và thực phẩm sạch hay không cốt lõi vẫn là niềm tin, sự tử tế dành cho nhau.

(http://baocantho.com.vn/ke-chuyen-an-lanh-a89832.html)

Báo điện tử Cần Thơ