Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê thông tin, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6-2022 đạt 236.700 lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
- Ùn ùn đi du lịch, khách gặp quả đắng nhớ đời vì bị bẫy dịch vụ lởm
- Việt Nam lọt Top 3 nước có năng lực phát triển du lịch tăng cao nhất thế giới
- Bí quyết du lịch thông minh tiết kiệm túi tiền bạn nên biết
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong số này, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường bộ chiếm gần 13% và gấp 2,4 lần; bằng đường biển chiếm 0,02% và giảm 42,6%.
|
Tính đến hết tháng 6-2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước |
Du lịch Hà Nội bước “bứt tốc” mạnh mẽ
Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè, doanh thu của ngành này trong tháng 6-2022 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Hà Nội tăng 44,4%; Cần Thơ tăng 52,1%; Đồng Nai tăng 22,6%... Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý 2 năm nay. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Hà Nội tăng 129,3%; Khánh Hòa tăng 627,8%; Cần Thơ tăng 183,9%; Đà Nẵng tăng 98,5%; Quảng Nam tăng 67,8%..
Nhiều địa phương là điểm đến du lịch lớn của cả nước cũng đã công bố kết quả đón khách du lịch 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, du lịch Hà Nội đã có bước “bứt tốc” mạnh mẽ, đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6-2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 211.300 lượt, khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.200 tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh như các loại hình du lịch: văn hóa, trải nghiệm, thể thao…
Triển khai một loạt các giải pháp kích cầu du lịch
Theo báo cáo của Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nhờ áp dụng hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch và kích cầu du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã đón được 6,8 triệu lượt khách, đạt 68,2% kế hoạch năm và tăng 131,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn dịch Covid-19 gắn với xây dựng “điểm đến xanh,” “tuyến du lịch xanh”... tạo hành lang an toàn đón khách; tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, cố gắng đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng dần được khôi phục. Sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động dịch vụ du lịch ngay từ giữa tháng 3-2022, du lịch Đà Nẵng đã có khởi sắc, phục hồi tích cực kể từ cuối quý 1-2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Sở Du lịch TP.HCM cho biết 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022, cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ, đạt 13,7% so với kế hoạch năm 2022.
Để có được kết quả trên là do ngành du lịch triển khai một loạt các giải pháp kích cầu du lịch. Các chiến dịch truyền thông, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước được đẩy mạnh với thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” với thị trường quốc tế; “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” với thị trường du lịch nội địa. Nhiều giải pháp mang tính nền tảng đã được thực hiện tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh… Tổng cục Du lịch khẳng định luôn đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp du lịch và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất hoạt động kinh doanh du lịch được bình đẳng, môi trường du lịch văn minh góp phần sớm khôi phục và phát triển ngành du lịch…
Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch
Kết quả khảo sát chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) do nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com thống kê từ 11.000 du khách của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á, châu Đại Dương từ tháng 4 đến 5-2022. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch với 85% du khách có kế hoạch xê dịch trong 12 tháng sắp tới; khách đến từ Ấn Độ (86%) dẫn đầu danh sách và theo sau Việt Nam là Trung Quốc (79%).
Kết quả khảo sát cho thấy, phần đông du khách Việt Nam dự định đặt 1-2 chuyến du lịch trong năm nay (62%). 45% người được hỏi cho biết họ muốn đến các điểm đến nổi tiếng gần Việt Nam (từ 3-8 giờ bay), thay vì những chuyến đi ngắn (dưới 3 tiếng bay) hoặc dài giờ (hơn 8 tiếng bay). Đáng chú ý, có đến 82% người được khảo sát chia sẻ rằng họ cảm thấy thoải mái với việc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại, trong đó 75% tự tin về khả năng chào đón du khách quốc tế của ngành du lịch nước nhà.
Du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng
Theo Báo cáo Du lịch bền vững năm 2022 của Booking.com, 81% du khách toàn cầu khẳng định rằng du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng, trong đó 50% cho rằng những tin tức gần nhất về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến lựa chọn du lịch bền vững của họ. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 83% (đứng thứ 2) số người Việt được khảo sát đồng ý tầm quan trọng của việc đưa ra những quyết định du lịch bền vững hơn.
Trong số đó, 73% sẵn sàng chi trả nhiều hơn vì sự bền vững; 70% đồng ý có ít sự lựa chọn du lịch hơn, miễn là chúng bền vững. Đây thực sự là xu hướng du lịch hậu đại dịch Covid-19. Cũng vì thế, du khách Việt Nam cho biết trong những chuyến du lịch sắp tới họ sẽ quan tâm hơn đến những tác động môi trường và xã hội của họ tại điểm đến. 71% sẽ tập trung thưởng thức ẩm thực địa phương, 65% muốn tham gia vào các tour du lịch được chính người dân địa phương tổ chức, hoặc đơn giản là tự mang theo chai lọ, bình nước có thể tái sử dụng (52%) và tắt điều hòa trong phòng khách sạn khi không sử dụng (41%).