Khi dòng phim hành động, võ thuật phát triển ngày càng mạnh cũng là lúc các võ sư đưa võ thuật bay bổng trên màn ảnh.

Gặp anh chàng võ sư tài hoa Quốc Thịnh trong phòng tập của Nhà văn hóa Quân khu 7, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên vì khác xa những gì mà mình hình dung.

Khi các võ sư vung quyền, tung cước trên màn bạc - 1

Quốc Thịnh trong phim Lục Vân Tiên.

Quốc Thịnh khá đẫy đà và thấp hơn nhiều diễn viên. Điều đặc biệt nơi chàng trai theo nghiệp võ Bình Định chính tông là anh khá dí dỏm, khi bị trêu ghẹo chỉ cười và… trả miếng!

Năm 2006, khi Đại hội Võ thuật Cổ truyền được tổ chức ở Bình Định, anh và các thành viên trong nhóm cascadeur được mời ra Quy Nhơn để biểu diễn.

Võ Bình Định tỏ ra rất phù hợp với cách điện ảnh Việt muốn thể hiện về nghệ thuật côn quyền của cha ông một thuở. Chính vì vậy, trong một sự kiện quan trọng của làng võ Bình Định, Nguyễn Quốc Thịnh là võ sư trẻ nhất được mời tham dự.

Lần ấy, khán giả đất võ tận mắt chứng kiến một sự kiện hy hữu. Khán đài chật ních khách tứ phương và dân địa phương bao quanh nhiều lớp, ngay cả các võ sinh và thành viên cascadeur muốn lên sân biểu diễn cũng phải lách qua mệt bở hơi tai. Có những người chịu không nổi mùi hơi người và sự chật chội, đành phải đứng thật xa để quan chiêm…

Khi các võ sư vung quyền, tung cước trên màn bạc - 2

Quốc Thịnh làm đạo diễn hành động trong phim "Dưới cờ đại nghĩa".

Cách vài mươi thước ở quảng trường, một người đàn ông trạc 50 tuổi dựng chống chiếc Honda cà tàng không vè không bửng, không cả đèn lái… Ông mang theo một cậu bé khoảng mười tuổi, khá bụ bẫm. Cậu bé khóc mãi không thôi vì đi xem đấu võ nhưng lại chẳng thấy gì. Người đàn ông bèn dùng một tay, với các ngón xòe ra như vuốt hổ, cặp lấy hông cậu, nhấc bổng lên cao quá đầu để cậu có thể nhìn được.

Cái đáng sợ của thủ pháp ấy là, dù cặp vào hông nhưng đứa trẻ vẫn thoải mái, không chút đau đớn, hệt như đang được một dàn cẩu lót vải đưa lên cao. Đáng phục hơn là, tư thế ấy được giữ trên 20 phút cho đến khi đứa trẻ chán xem đòi xuống.

Suốt thời gian người đàn ông vô danh giúp đứa trẻ xem biểu diễn võ thuật, tất cả những người xung quanh đều rời mắt khỏi khán đài biểu diễn để dán mắt vào điều không tưởng của giới võ thuật đang diễn ra từ một kẻ đi xem.

Khi được hỏi, Quốc Thịnh trả lời với nụ cười cố hữu: “Gặp cao thủ như vầy hoài anh ơi! Em đi làm phim từ Nam chí Bắc, gặp cao thủ đâu phải một lần!? Huống hồ, mình đang ở trên đất võ mà anh…”.  

Nguyễn Quốc Thịnh sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Thủy sản, nhưng cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác cũng chính từ võ thuật. Vốn là võ sinh theo học võ Bình Định từ năm 1985 tại CLB Nguyễn Tri Phương và là học trò của hai võ sư Nguyễn Hồng Vạn và Nguyễn Minh Thế, anh khổ công tập luyện để đạt tới cấp 18 - cấp cao nhất theo quy định của võ cổ truyền.

Khi đạo diễn phim hành động Trần Hùng Tinh từ Hồng Kông sang Việt Nam hợp tác trong bộ phim Hồng Hải Tặc, Quốc Thịnh lúc đó chỉ là một diễn viên phụ lấp ló đâu đó không rõ mặt trên màn ảnh.

Tuy nhiên, thấy Quốc Thịnh có tiềm năng, yêu nghề, nên khi có cảnh đánh võ trên phim, Trần Hùng Tinh đều gọi anh ra dạy dỗ. Nhân dịp này, anh cũng dốc lòng học tập theo thầy rồi dần trở thành trò yêu của võ sư Trần Hùng Tinh.

Khi các võ sư vung quyền, tung cước trên màn bạc - 3

Quốc Thịnh tham gia đóng phim "Kế hoạch 99" (phim do Việt Nam và Hồng Kong hợp tác sản xuất).

Đến năm 1992, anh chính thức gia nhập CLB cascadeur Hội Điện ảnh TP.HCM. Cho tới năm 1997, Quốc Thịnh quyết định “tấn công” sang cả sân khấu, để vừa thỏa đam mê, vừa mưu sinh, rồi lập ra nhóm cascadeur Quốc Thịnh, nay là CLB cascadeur Quốc Thịnh. 

Tới năm 2006, gần chục năm trong nghiệp diễn viên thế vai, Quốc Thịnh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người thế vai nhiều nhất Việt Nam.

Quá trình hoạt động trong các CLB cascadeur, Quốc Thịnh nhận ra chỉ biết võ và các kỹ thuật nhào lộn không chưa đủ, năm 2001, anh ghi danh học đạo diễn khóa 2 trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và tốt nghiệp vào năm 2004. Ngay sau đó, anh được mời quay lại trường với vai trò một giảng viên.

Anh thể hiện mình qua vai trò đạo diễn với hàng loạt bộ phim: Những giấc mơ hồng, Cầu vồng đơn sắc, Hương cỏ dại, Vườn đời, Gai hồng, 7 lá bài, Vàng tặc… Và tất nhiên, tất cả những phim Quốc Thịnh làm đều có những pha giao đấu võ thuật mãn nhãn.

Võ thuật và diễn viên võ thuật

Khi các võ sư vung quyền, tung cước trên màn bạc - 4

Diễn viên đóng thế vai phải luôn duy trì khổ luyện mỗi ngày.

Khi đến nhà riêng của Quốc Thịnh, chắc ai cũng không khỏi có suy nghĩ hài hước: Rồi thì gia đình chàng trai này sinh hoạt ở đâu? Quả thực, chỉ với vài chục mét vuông nhà, nhưng những công cụ hỗ trợ cho nghề diễn viên thế vai nhiều đến mức hệt như một vựa ve chai: Đao thương kiếm kích, giáp bảo hộ, dây treo cáp móc, mô tô địa hình… Tóm lại, gần như cái gì thiên hạ có, Thịnh đều có!

“Chi nhiều vậy Thịnh?” - hỏi và nghe giải thích, thấy cũng ổn: “Quan trọng nhất trong nghiệp cascadeur, chính là an toàn anh ơi!”. Rồi Thịnh chỉ tay vào từng thứ, giải thích công dụng và giá cả. Toàn bộ kho báu của anh phải nhập đến 80 - 90% từ nước ngoài về. “Việt Nam chưa sản xuất mấy thứ này!”.

Cũng theo Quốc Thịnh, trước đây, khi thể hiện những pha mạo hiểm ngoạn mục, các diễn viên đóng thế phải dùng đến trình độ võ thuật và sự gan lì. Võ sư cấp 18 Võ Trận Bình Định cho tôi xem hàng loạt dấu tích chấn thương. Và, để giảm thiểu rủi ro như các thế hệ đàn anh, Quốc Thịnh quyết định vay mượn, thậm chí cầm cố nhà cửa, mua sắm hàng loạt trang thiết bị bảo hộ như hiện nay.

Cascadeur, dù là cao thủ bậc nhất, cũng khó tránh khỏi chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu như cứ chỉ dùng võ công bản thân thực hiện liên tục các pha mạo hiểm. Nhảy từ tầng lầu thứ 9 xuống đất không nệm? Bị trúng đòn ngã vào vách vỡ vài cái bàn, dăm cái ghế và ly tách ngổn ngang mà không dùng giáp bảo hộ? Các ngôi sao võ thuật Hồng Kông như Thành Long hay Lý Liên Kiệt, Chung Tử Đơn e rằng cũng không có nhiều mạng mà thực hiện!.

Khi các võ sư vung quyền, tung cước trên màn bạc - 5

Một cảnh trong phim "Kế hoạch 99" do 2 diễn viên thế vai Lưu Huỳnh Hải và Phan Chánh Trung Thành thực hiện.

Nhưng, dù có hàng trăm thứ công cụ chuyên nghiệp hỗ trợ, điều cơ bản vẫn cứ là trình độ võ thuật hơn người.

Chính vì vậy, khi đến CLB Cascadeur Quốc Thịnh trong khoảng thời gian 18h30 đến 21h từ thứ Hai đến thứ Bảy, chúng ta sẽ thấy quá nửa thời gian của cascadeur vẫn là khổ luyện võ thuật.

CLB có các huấn luyện viên cơ bản, huấn luyện viên nâng cao, chỉ đạo võ thuật, chuyên sâu pha nguy hiểm, đạo diễn hành động. Các huấn luyện viên là các cascadeur chuyên nghiệp, võ sư, chỉ đạo võ thuật và đạo diễn phim hành động có tiếng như: Bạch Văn Nhất, Lê Minh Hùng, Bùi Minh Ân, Trần Nam Huynh, Dương Bảo Anh, Trần Như Thục, Nguyễn Quốc Thịnh…

Từ việc thành lập để tham gia vào điện ảnh, Quốc Thịnh đã có những người bạn đồng chí hướng là cao thủ nhiều môn phái khác nhau đến tham gia. Anh đã góp sức đào tạo, hướng dẫn những cascadeur thành công và cả những diễn viên hành động, chỉ đạo võ thuật, đạo diễn hành động: Phi Ngọc Ánh, Kim Dung, Thảo Lê, Trần Như Thục, Bạch Văn Nhất, Bùi Minh Ân, Cas Tuấn Anh, Đặng Phi Long, Trầm Minh Hoàng, Dương Bảo Anh (Tony)…

Nhưng, điều trăn trở hiện nay của anh cũng hệt như bất kỳ một võ sư tâm huyết với nền võ thuật cổ truyền Việt Nam đang từng bước khởi sắc: “Mình đang tìm cách duy trì, bảo tồn một môn gần như mai một, mà mình cho rằng đó cũng là một đỉnh cao, một vốn quý của Võ thuật Bình Định - Tây Sơn là Trống võ Tây Sơn”.

Ước mơ của anh, một võ sư Võ Trận Bình Định, có lẽ cũng là ước mơ của người yêu võ thuật cổ truyền dân tộc Việt… 

https://vtc.vn/khi-cac-vo-su-vung-quyen-tung-cuoc-tren-man-bac-ar737270.html