Huế đã, đang và sẽ là “phim trường” với bối cảnh quan trọng của phim lịch sử. Nếu không biết ứng xử, “phim trường” Huế sẽ bị biến thành “chiến trường” của những tranh cãi về “thế nào là có văn hoá?”.

“Nàng thơ xứ Huế” khai thác vẻ đẹp của các danh thắng nổi bật ở Huế như chùa chiền, đền đài, Làng cổ Phước Tích, Nhà vườn An Hiên... Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Huế đã, đang và sẽ là “phim trường” với bối cảnh quan trọng của phim lịch sử. Nếu không biết ứng xử, “phim trường” Huế sẽ bị biến thành “chiến trường” của những tranh cãi về “thế nào là có văn hoá?”.

Huế là trường quay lý tưởng

“Nàng dâu xứ Huế” là dự án phim đang được quay tại Huế. Đạo diễn phim là Trần Nguyễn Bảo Nhân - Namcito (đạo diễn phim “Gái già lắm chiêu” với doanh thu 38 tỉ đồng). Diễn viên tham gia “Nàng dâu xứ Huế” là những gương mặt khá nổi tiếng hiện nay như: Ninh Dương Lan Ngọc, Lê Xuân Tiền, Thùy Anh… Đáng chú ý, êkíp của phim đã mời được đạo diễn Trần Bửu Lộc, được biết đến với những bộ phim như “Hậu duệ mặt trời” (truyền hình), “Cô Ba Sài Gòn” (điện ảnh)… cùng tham gia. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi dự án quảng bá du lịch Huế thông qua điện ảnh đã được giới thiệu vào tháng 6.2019.

Đây là dự án phim tiếp theo của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Namcito sau chương trình “Nàng thơ xứ Huế” với Người đẹp Du lịch Huế 2015 Lê Trần Ngọc Trân thủ vai chính được chiếu trên các chuyến bay nội địa, quốc tế của Vietnam Airlines và kênh KBS World Hàn Quốc (phủ sóng hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ) từ tháng 1.2019. “Nàng thơ xứ Huế” dài 20 tập đã giới thiệu được những nét đẹp của văn hóa, ẩm thực, du lịch và phong cách sống của con người xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, được thực hiện tại các danh thắng nổi bật ở Huế như làng cổ Phước Tích, nhà vườn An Hiên...

Một số phim như “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ, dự kiến ra mắt vào Giáng sinh năm nay cũng có nhiều cảnh quay tại Huế và làng Hà Cảng (Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Hay phim “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đức Thịnh có gần một nửa bối cảnh trong phim được quay ở Huế. Xa hơn nữa, nhiều bộ phim nổi tiếng cũng đã chọn Huế làm cảnh quay trước đây như “Đông Dương”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Cô gái trên sông”…

Cần ứng xử đúng mực

Khi Huế thành “phim trường” là một đáp án mà 2 bên cùng có lợi. Bởi ngoài việc giải quyết khó khăn về bối cảnh, tiết kiệm chi phí... cho các đoàn làm phim, “giá trị Huế”, đặc biệt là hình ảnh du lịch Huế sẽ được nâng lên rất đáng kể nhờ việc quảng bá, tiếp thị không mất tiền qua những cảnh quay.

Tuy vậy, nếu các đoàn làm phim và các đơn vị cấp phép quay phim như UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế không có những quan niệm và ứng xử đúng mực thì sẽ có tác dụng ngược bởi “phim trường”, vô hình chung sẽ bị biến thành “chiến trường” cho những tranh cãi triền miên về việc làm như thế nào thì có văn hoá, như đã từng xảy ra với nhiều đoàn làm phim. Ví dụ như đoàn làm phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” mấy năm trước.

Chuyện là, để thực hiện một số cảnh quay, đoàn làm phim đã “cải tạo” điện Sùng Ân trong lăng Minh Mạng (nơi thờ Vua và Hoàng hậu) thành “phim trường”. Tất cả bàn thờ, bài vị... bị “bứng” qua một góc tường, sau đó không gian này bị “biến” thành cung của một Hoàng hậu khác của thời nhà Lý. Việc làm này của đoàn làm phim đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của con cháu Nguyễn Phước tộc, các nhà nghiên cứu văn hoá và nhiều người dân Huế. Trên diễn đàn báo chí, trong khi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý di tích cho rằng việc làm đó bình thường vì “Bộ VHTT đã phê duyệt thực hiện cảnh quay” và “quay xong thì sẽ trả lại như hiện trạng ban đầu” thì nhiều ý kiến phản biện cho rằng đó là việc làm “vô văn hoá của những người làm văn hoá”.

Sự tình căng đến mức, khi chuẩn bị thực hiện các cảnh quay cuối cùng cho bộ phim trên, đạo diễn Tất Bình của hãng Phim truyện I đã phải thay mặt cho đoàn làm phim gặp gỡ các phóng viên báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn Huế nhằm thanh minh về việc “biến” bàn thờ Vua Minh Mạng thành cung của Hoàng hậu thời Lý trong phim, cũng như tìm kiếm sự đồng thuận, chính xác hơn là im lặng của dư luận cho những cảnh quay tiếp theo. Tuy nhiên, sự thanh minh lại tiếp tục thổi bùng dư luận khi đạo diễn diễn giải đại ý “không phải cứ thấy giường ngủ là phải có chuyện ấy”, hoặc “chúng tôi thấy không gian điện Sùng Ân hợp với việc cải tạo thành cung của Hoàng hậu hơn cung Diên Thọ trong Đại nội” (vốn là cung của các bà hoàng thời Nguyễn)...

Đạo diễn Tất Bình từng nói: “Hiện Việt Nam vẫn chưa có phim trường nên Huế đã, đang và sẽ là trường quay lý tưởng cho phim, đặc biệt là phim lịch sử”. “Phim trường” cũng là điều kiện lý tưởng để Huế nương theo đó mà quảng bá du lịch. Tuy vậy, cả hai bên, luôn cần những ứng xử đúng mực để Huế không thành “chiến trường” với những tranh cãi như đã từng”.


HOÀNG VĂN MINH  23/11/2019 | 11:00

Tháo dỡ phim trường Kong: Phim hết hiệu ứng, dỡ bỏ là cần thiết để bảo tồn di sản

Việc tháo dỡ phim trường 'Kong' ở Ninh Bình theo nhiều người là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ...

Phim trường "Kong" ở Tràng An bị tháo dỡ

Khoảng 40 túp lều kiểu thổ dân và công trình liên quan bị tháo dỡ theo khuyến nghị của UNESCO nhằm bảo đảm sự bền ...

Tháo dỡ phim trường “Kong” trong Quần thể danh thắng Tràng An

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) khu du lịch sinh thái Tràng An có ...

/ laodong.vn