Vướng mắc lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xác định giá trị doanh nghiệp trong đó mấu chốt là xác định giá trị quyền sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai.
- Sai phạm đất đai cổ phần hóa, kiến nghị kiểm điểm loạt chủ tịch tỉnh
- Cổ phần hoá lại "bỏ quên" khách sạn 9 tầng trên "phố vàng" Nguyễn Thái Học?
Doanh nghiệp sợ nhất là… định giá đất
Chia sẻ về kinh nghiệm cổ phần hóa tại doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một vấn đề đau đầu đó là xác định giá trị doanh nghiệp. “Đưa giá trị quyền sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp là một vấn đề rất khó, thị trường thay đổi liên tục, giá trị cũng thay đổi theo, doanh nghiệp rất sợ điều này”, ông Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất dẫn đến tiến độ thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm và không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch là xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó mấu chốt là giá trị quyền sử dụng đất và phương pháp sắp xếp đất đai.
Luật Đất đai hiện nay đang vướng rất nhiều vấn đề, đặc biệt là về giá đất, tài chính đất đai đang có nhiều tranh cãi. Dự kiến trong 2-3 năm tới vẫn gặp nhiều khó khăn khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi toàn diện, vì vậy việc gắn giá trị quyền sử dụng đất với giá trị doanh nghiệp trong thoái vốn, cổ phần hóa sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa hầu hết là các doanh nghiệp lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai khiến khi cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm và chưa tốt; một số quy định còn chưa thật rõ ràng và linh hoạt cũng khiến các địa phương “ngại” phê duyệt phương án sử dụng đất...
Ðáng chú ý, sự thất thoát tài sản công - đất đai trong cổ phần hóa DNNN không chỉ bởi giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xác định giá đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu cho NSNN.
Cần tách đất khỏi giá trị doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cần xem xét tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa DNNN. Nếu tiếp tục để xác định giá trị đất trong cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ tiếp tục gây ách tắc, kéo dài thời gian cổ phần hóa.
Cùng với đó, sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thóai vốn.
Ông Nguyễn Xuân Sáng, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Nội cũng nhận định, việc đưa giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị cổ phần hóa không chỉ bảo đảm sự công bằng, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và thất thoát tài sản công, mà còn giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh hơn quá trình cổ phần hóa DNNN.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, bộ sẽ nghiên cứu để hóa giải điểm nghẽn về đất đai cản trở quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, có tách giá trị quyền sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp hay không cần rà soát kỹ, đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát, phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình cổ phần hóa, đảm bảo đất đó được quản lý chặt chẽ tránh bị lợi dụng.
Về việc định giá đất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu thực hiện tốt việc tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hóa DNNN sẽ tạo hướng khả thi và hiệu quả cao trong giải bài toán khó nhất, vướng nhất hiện nay là xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế kinh doanh của các DNNN cần cổ phần hóa đang nắm giữ những diện tích đất ở vị trí đẹp trong khu đô thị và cả ở những khu vực hẻo lánh khó xác định giá thị trường, do ở Việt Nam chưa có thị trường chuẩn để tham khảo, giá đất ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: diện tích, cơ sở hạ tầng, hướng mặt tiền,…; tránh định giá trị DNNN sai, có thể là quá cao và quá thấp khi xây dựng phương án cổ phần hóa DNNN, giảm thiểu tình trạng cán bộ sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết định, khi có vướng mắc liên quan đến vấn đề xử lý đất đai…
Từ đó, giúp đẩy nhanh tiến độ và giảm rủi ro trong cổ phần hóa DNNN; hài hòa lợi ích, ngăn chặn thất thóat tài sản công và tối ưu hóa các nguồn lực về đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... của doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường.