Thời gian qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan nội chính, nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã được đưa ra điều tra, xét xử nghiêm minh. Những kết quả đó thêm một lần nữa khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng
Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, sau 7 năm triển khai, các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 160 vụ án với 1.121 bị can, 124 vụ việc. Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án với 1.008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án với 666 bị cáo. Các cơ quan cũng đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả một số vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tại Hà Nội, ngay sau Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác trọng tâm, trong đó có Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tham nhũng.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức cho biết, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện. Thống kê cho thấy, trong năm 2021, Công an thành phố đã phát hiện 725 vụ, 799 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế; khởi tố 116 vụ, 157 bị can; thu ngân sách nhà nước gần 136 tỷ đồng...
Những kết quả này đã khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nội chính đã góp phần quan trọng trong việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tạo bước tiến mới trong công tác điều tra, xét xử
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, thời gian qua, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan nội chính đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Thủ đô trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU trong năm 2022 tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ thị của Trung ương trong lĩnh vực này. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với một số dự án trọng điểm của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá, sau 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất. Qua đó, đã xử lý nghiêm minh cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa nhịp nhàng, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”; có vụ, có việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương.
Từ đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp mà không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào…