Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và căn cứ vào tình hình thực tiễn, từ ngày 20-6 đến 20-9, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đồng loạt ra quân xử lý theo 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nội dung xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Không phải đến giờ, hiện tượng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe gấp 2-3 lần tải trọng cho phép mới được đề cập. Bởi đây là thực trạng diễn ra hằng ngày trên nhiều cung đường của cả nước và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hạ tầng giao thông nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nặng... Đối với thành phố Hà Nội, xe quá khổ, quá tải tập trung vào chuyên chở vật liệu xây dựng, phế thải công trường xây dựng…, thường xuất hiện ở khu vực vành đai, địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và các địa phương lân cận.

Điều đáng nói là xe quá khổ, quá tải dù đã được các cơ quan báo chí và nhân dân phản ánh thường xuyên, nhưng hiện tượng này chỉ giảm qua những kỳ cuộc kiểm tra, rồi ở nhiều nơi mọi sự "đâu lại vào đó". Ở không ít địa bàn đã phát hiện lực lượng chức năng “làm ngơ”, “bảo kê”… cho xe quá khổ, quá tải hoạt động. Chính vì vậy, đợt ra quân từ ngày 20-6 được kỳ vọng sẽ làm thay đổi, tiến tới chấm dứt thực trạng trên.

Để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng công an từ trung ương tới cơ sở cần rà soát các tuyến xe tải chở vật liệu xây dựng, bến bãi, công trình xây dựng; vận động từng doanh nghiệp, nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô... chấp hành nghiêm việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thùng xe. Đặc biệt là vận động các doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện vận tải vi phạm kích thước thùng xe tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng thiết kế ban đầu.

Cùng với đó là tổ chức kiểm tra, cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe trở về theo đúng thiết kế, thông báo tới cơ quan đăng kiểm để yêu cầu chủ xe phải kiểm định lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông theo quy định. Khi xử lý các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ phải bắt buộc hạ tải mới cho tiếp tục lưu hành...

Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, đối với các trường hợp cố tình chống đối việc kiểm tra, xử lý, cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì phải thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ để xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng.

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là rà soát, xử lý nghiêm hành vi “bảo kê” cho xe quá khổ, quá tải của lực lượng làm nhiệm vụ (nếu có). Trong đó, cùng với trách nhiệm của chính quyền cơ sở thì cần gắn trách nhiệm quản lý địa bàn cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… nếu để xảy ra hiện tượng xe quá khổ, quá tải hoành hành.

Về lâu dài, lực lượng chức năng cũng có thể nghiên cứu phạt thật nặng xe chở quá tải trọng theo hướng nếu vượt tải từ 20% thiết kế trở lên có thể tịch thu phương tiện để răn đe.

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường mới, bảo trì các tuyến đường hiện có còn hạn chế thì việc xe quá khổ, quá tải hoành hành là không thể chấp nhận được. Để không rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát và Thanh tra giao thông.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1035088/khong-de-dau-voi-duoi-chuot

Đỗ Quỳnh Chi / Báo Hà Nội mới