Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung tháo gỡ các nút thắt về mặt bằng, vật liệu, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đặc biệt là hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Hiện, đã có nhiều thuận lợi hơn trước, Bộ trưởng nêu rõ không được phép chậm tiến độ vì bất cứ lý do gì.

Ban quản lý, nhà thầu cam kết rút ngắn tiến độ

Ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án cao tốc ngay sau chuyến thị sát kéo dài hai ngày tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).

Không được phép chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công trường các dự án cao tốc qua Hà Tĩnh chiều 21/1. Ảnh: Văn Thanh.

Trước đó, trong các ngày 20-21/1, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã đi dọc miền Trung để đôn đốc kiểm tra tiến độ các dự án thành phần. Đây là lần thứ 4, Bộ trưởng trực tiếp tới hiện trường để tháo gỡ những khó khăn, chỉ đạo các giải pháp hết sức cụ thể.

Tại công trường, các ban quản lý dự án báo cáo Bộ trưởng nhiều tin vui. Tại dự án Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị), Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý cho biết, sau một năm triển khai, đến nay các nhà thầu đã thảm được 22,6/65,5km nền đường, thảm bê tông nhựa 14km... Lũy kế sản lượng đến nay được 1.264/5.620 tỷ đồng.

Dự án hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ nếu hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bàn giao nốt mặt bằng trong tháng 3/2024.

Tương tự, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo, hai dự án Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đều đang đạt và vượt tiến độ. Dự án Vũng Áng - Bùng, các nhà thầu thi công đạt sản lượng lũy kế 2.683/8.649 tỷ đồng, đạt 31,02% giá trị xây lắp; Còn dự án Bùng - Vạn Ninh đạt giá trị sản lượng tương đương 1.457/4.938 tỷ đồng, bằng 29,51% giá trị các hợp đồng. Hiện nay, nhà thầu thi công còn đang vượt sản lượng, tạo áp lực giải ngân ngược cho chủ đầu tư.

Với tiến độ như hiện nay, ông Hải cho biết, Ban đã họp và xây dựng kế hoạch thi công với mục tiêu 30/6/2025 sẽ thông xe cả hai dự án.

Ở những dự án gặp khó hơn như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng (Hà Tĩnh), các nhà thầu cũng đã thi công đạt sản lượng từ 18-23% giá trị. Ngay cả nhà thầu gặp nhiều khó khăn như doanh nghiệp Xuân Trường cũng tự tin cam kết sẽ rút ngắn thêm hai tháng tiến độ, đảm bảo xong trước tháng 4/2025.

Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết: "Với mặt bằng được bàn giao sạch, thời tiết ủng hộ, chúng tôi có thể rút ngắn tiến độ thi công hai dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, với mục tiêu tháng 6/2025 sẽ về đích (vượt tiến độ hợp đồng 6 tháng)".

Gỡ từng nút thắt

Nếu chỉ nghe những con số báo cáo khả quan, sẽ ít người biết được kết quả đó là nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của các ban quản lý dự án, nhà thầu, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của Bộ GTVT và đặc biệt là chính quyền các cấp.

Không được phép chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 2.

Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về kế hoạch rút ngắn tiến độ khi địa phương bàn giao mặt bằng sạch (điểm thi công Cầu Long Đại, dự án Bùng - Vạn Ninh). Ảnh: Văn Thanh.

Chỉ 6 tháng trước, khi đi dọc tuyến công trường còn ngổn ngang, đường công vụ ngắt quãng vì thiếu mặt bằng, thiếu vật liệu... Lãnh đạo Bộ GTVT phải gọi điện đặt lịch làm việc với lãnh đạo từng địa phương, xắn tay cùng địa phương gỡ khó mặt bằng ở những nơi là đường găng tiến độ.

Thậm chí, các thứ trưởng còn đi tới từng mỏ cát, mỏ đất nắm bắt tình hình, tuyên truyền thuyết phục để chủ mỏ bán vật liệu dưới giá cho nhà thầu, bởi lúc đó các mỏ đặc thù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

Ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc doanh nghiệp Xuân Trường chia sẻ: "Sau khi được giao mặt bằng sạch, được tỉnh hỗ trợ cấp nhanh mỏ vật liệu, đơn vị đã tập trung máy móc, nhân lực, lập kế hoạch thi công 3 ca, 4 kíp, không kể ngày nghỉ và làm xuyên Tết, để rút ngắn tiến độ.

Để đảm bảo mục tiêu chung 30/6/2025 thông xe, các nhà thầu đồng loạt kiến nghị các địa phương nơi dự án đi qua sớm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng".

Chia sẻ với địa phương trong công tác GPMB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt, đồng thuận thực hiện công tác GPMB và khơi thông nguồn vật liệu.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, những nơi còn vướng mặt bằng tập trung chủ yếu vào khu vực đất ở của người dân phải tái định cư. Muốn GPMB nhanh thì phải vừa đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư, vừa phải tuyên truyền vận động người dân. Địa phương cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân tạm cư trong lúc chờ xây nhà mới. Trong trường hợp xã, huyện chậm, tỉnh phải có chế tài...

Bộ trưởng cũng nêu bài học kinh nghiệm: "Hà Tĩnh là một trong những địa phương làm hiệu quả nhất. Điều này cho thấy sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò quan trọng của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh. Khi gặp bất kể vấn đề gì khó cần giải quyết, lãnh đạo tỉnh luôn đi đầu, chỉ đạo xử lý".

Đối với các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu: "Không được chủ quan vì vẫn còn những đoạn đang vướng mặt bằng. Kinh nghiệm từ các dự án giai đoạn 1 cho thấy, chỉ khi giải quyết xong vấn đề vật liệu và giải phóng xong mặt bằng thì mới có thể tính toán đúng thời gian về đích".

Với dự án giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu các nhà thầu phải tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, huy động máy móc làm ngày làm đêm, làm xuyên Tết để về đích theo đúng tiến độ cam kết và phải đảm bảo chất lượng.

"Chúng ta quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam trong năm 2025. Riêng đoạn từ Nghệ An đi Khánh Hòa sẽ phấn đấu về đích sớm hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt mục tiêu.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án cao tốc ngày hôm qua (22/1), Bộ trưởng chia sẻ, đi thực tế hiện trường, ông khá mừng về tiến độ các dự án thành phần. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, vượt tiến độ phải đảm bảo thực chất. Chất lượng phải được nâng cao hơn, thể hiện từ thi công phải gọn gàng, an toàn, làm tổng thể từ tuyến chính, đường gom, hoàn trả đường dân sinh.

Không được phép chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 3.

Cầu vượt nút giao quốc lộ 8A dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi sau 1 năm thi công đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2024. Ảnh: Hà Vũ.

Đánh giá, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được triển khai với nhiều điều kiện thuận lợi hơn dự án giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu: "Nắm bắt thuận lợi đó, tất cả các dự án thành phần giai đoạn 2 đều phải đảm bảo tiến độ và chất lượng, không được phép chậm.

Trước đó, sau khi nghe báo cáo về tiến độ cung cấp cát cho các dự án, nhất là dự án khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng rất sốt ruột: "Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian vào thủ tục khai thác cát cho dự án. Địa phương nào tích cực phải đề nghị cấp thêm khối lượng so với dự kiến ban đầu để bù đắp khối lượng ở các tỉnh chưa đáp ứng được tiến độ cung cấp nguồn vật liệu cho dự án".

Theo Bộ trưởng, quan trọng là phải đẩy số lượng mỏ. Các nhà thầu phải khẩn trương hoàn tất thủ tục khai thác các mỏ đã đề xuất cấp phép. Các ban QLDA làm việc cụ thể với địa phương, nêu rõ nhu cầu vật liệu thi công của các nhà thầu để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bốn dự án sản lượng dẫn đầu

Không được phép chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 4.

Công nhân tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh.

Thông tin về tình hình triển khai dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, sau một năm thi công, tính đến nay, sản lượng thực hiện của 12 dự án thành phần đạt khoảng 20.889tỷ đồng (hơn 21% giá trị hợp đồng).

Bốn dự án có tiến độ tốt với sản lượng đạt trên 25% giá trị hợp đồng gồm: Vũng Áng - Bùng (30%), Bùng - Vạn Ninh (28,7%), Chí Thạnh - Vân Phong (26,3%). Dự án Vân Phong - Nha Trang đang có sản lượng thi công tốt nhất (35%).

Một số nhà thầu đạt được giá trị sản lượng cao (trên 30% giá trị hợp đồng), nổi bật là Công ty 368 (đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng); Công ty 484, 368, 479 Hòa Bình, Lizen (đoạn Vũng Áng - Bùng); Trung Chính, Trường Sơn (đoạn Bùng - Vạn Ninh)…

Hai dự án còn bị chậm so với kế hoạch là Hàm Nghi - Vũng Áng (mới đạt khoảng 17%), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đạt khoảng 14%).

Theo Giám đốc Ban QLDA 2 Lê Thắng, lý do tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chưa đạt kỳ vọng liên quan phần lớn đến công tác GPMB và sự bất lợi bởi thời tiết. Đến nay, 23 khu tái định cư ở Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn thành, song hiện mới đưa được 655/1.700 hộ dân vào sinh sống. Diện tích công địa được giao trên giấy tờ là 93% nhưng tình trạng "xôi đỗ" vẫn tồn tại, các mũi thi công không thể tổ chức liên tục.

Lo nguồn cát hai dự án khu vực ĐBSCL

Không có tiến độ khả quan như các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) lại đang gặp khó khăn lớn khi tiến độ cung ứng cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu.

"Cứ 1-2 tuần chúng tôi lại họp với cơ quan chức năng địa phương nhưng kết quả không được như mong đợi. Theo kế hoạch, năm 2023, dự án phải lấy được 9 triệu m3 cát, nhưng đến hết năm, tổng khối lượng cát về công trường chỉ được khoảng 2 triệu m3", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận nói.

Phục vụ nhu cầu hơn 18 triệu m3 cát thi công dự án, đến nay, 16 mỏ đã được xác định, làm thủ tục, tương ứng với 16 triệu m3. Có 6 mỏ trong số đó đã hoàn thiện thủ tục, tương ứng với 6,5 triệu m3 cát. 10 mỏ còn lại với trữ lượng khoảng 9,5 triệu m3 đang được hoàn thiện các bước thủ tục cuối cùng, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối tháng 1/2024.

Lo ngại về nguồn vật liệu cát đắp thi công dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo tính toán, để về đích tháng 6/2025, cần khoảng 90.000m3 cát đất đắp một ngày. Tuy nhiên, hiện công suất khai thác mới đạt 19.000m3/ngày.

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã xác định hơn 6 triệu m3 cát cho dự án. Còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn.

Tỉnh Đồng Tháp đã xác định được nguồn cho 7 triệu m3. Trong đó, đã hoàn thiện thủ tục để khai thác 4,37 triệu m3.

Tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn 2,95 triệu m3, hoàn thành thủ tục cấp 0,5 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục đối với 3 mỏ với trữ lượng 2,45 triệu m3. Còn hơn 2 triệu m3 chưa tìm được nguồn.

https://www.baogiaothong.vn/khong-duoc-phep-cham-tien-do-cao-toc-bac-nam-192240122234306446.htm

PV / Giao thông