Len qua bãi rác cây dại mọc um tùm đầy mùi xú uế và kim tiêm của những con nghiện bỏ lại, PV Báo Lao động mới vào được khu vực nhà xưởng đang bị bỏ hoang của Công ty Vinaxuki nằm trong khu công nghiệp (KCN) Nam Phổ Yên. Hay như KCN Trung Thành với diện tích 47ha nhưng từ năm 2007, Công ty Lệ Trạch (Đài Loan) đầu tư nhưng đến nay mới có lác đác vài doanh nghiệp vào hoạt động. Nhìn cảnh hàng chục ha đất bỏ hoang, nhiều người dân địa phương khi được hỏi đều ngao ngán thở dài.
“Bờ xôi ruộng mật” thành đất hoang hóa
Theo người dân trong trú tại xóm Thượng, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), trước đây KCN có cổng vào rất rộng rãi, nhưng sau khi KCN và Công ty Vinaxuki dừng hoạt động, người dân gần đó đổ rác và cây cối mọc um tùm chắn hết cả lối vào.
Bà Trần Thị Thanh (trú tại xóm Thượng) cho biết, trước khi đầu tư xây dựng KCN, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã cam kết với người dân mất đất cho KCN là mỗi hộ sẽ được một người làm việc tại các nhà máy. Cùng với đó, ngoài số đền bù 32 triệu đồng/sào cho người dân, chủ đầu tư cũng có hứa là sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ thêm người dân mất đất khoảng 15 triệu đồng/sào. Nhưng đến nay dự án bị bỏ hoang, nhiều người dân tiếc ruộng đã ra canh tác lại trên những thửa ruộng chưa bị đổ đất đá, phần lớn diện tích đất trở thành bài đất hoang chăn thả gia súc.
Người dân ở các xã Trung Thành, Thuận Thành (thị xã Phổ Yên) cho biết, trước khi đầu tư dự án khu công nghiệp, chủ đầu tư hứa sẽ thu hút một lượng lớn lao động địa phương. Nhưng đến nay doanh nghiệp không có, đất canh tác sản xuất của người dân cũng không còn khiến cuộc sống khó khăn, ngày càng khó khăn hơn.
Nhiều người dân cho biết, trước đây là những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” nhưng từ khi xây dựng KCN đất đá được đổ lên và bây giờ không thể hoàn nguyên được. Trong khi đó, người dân dành đất để xây dựng KCN với một ước muốn phát triển KTXH, làm giàu cho địa phương thì giờ đã phải tha hương làm thuê, làm mướn, chạy chợ kiếm cơm qua ngày.
Theo bà Trần Thị Toàn, xóm Hợp Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên 12 năm nay vợ chồng bà không có thu nhập phải đi làm thuê, làm mướn (ai thuê gì làm đấy) để nuôi con, vì trên 50 tuổi rất khó kiếm việc làm tại các nhà máy trong vùng. Trường hợp như vợ chồng bà không phải là hiếm tại khu vực KCN Nam Phổ Yên.
Trường hợp bà Trần Thị Nguyên 76 tuổi, để dành đất cho xây dựng KCN, hơn 10 sào ruộng của nhà bà nằm trong dự án được đền bù hơn 300 triệu đồng (32 triệu/sào) vợ chồng bà chia đều cho 7 người con và còn lại chẳng được bao nhiêu. Hàng ngày bà phải chăn con gà, con vịt đi và nhặt phế liệu để sống bán lấy tiền đong gạo vì các con cũng khó khăn không giúp gì được bà.
KCN Nam Phổ Yên được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với quy mô 200ha, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch (Đài Loan) và Công ty TNHH Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Trên diện tích hơn 47ha đồng lúa trước đây được coi là “bờ xôi, ruộng mật” của xã Trung Thành bị chủ đầu tư đổ đất, đá, cát xỏi để xây dựng nhà xưởng nhưng đến nay sau hơn 10 năm vẫn đang bỏ hoang.
Được biết, phần lớn người dân xã Thuận Thành chủ yếu là làm ruộng, một năm thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng hơn 10 năm nay kể từ khi có dự án xây dựng KCN, người dân không còn đất canh tác ngoài những người trẻ đi làm tại các công ty trong vùng thì phần lớn buộc phải đi làm thuê, làm mướn, chạy chợ kiếm ăn qua ngày.
Tìm cách giải quyết dứt điểm
Qua tìm hiểu của PV Báo Lao Động, hiện cả KCN mênh mông này chỉ có một vài cơ sở sản xuất hoạt động nhỏ lẻ. Còn lại dành cho cỏ dại mọc và lâu dần biến thành bãi rác. Trước tình trạng ô nhiễm trên, người dân nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền can thiệp và có phương án giải quyết nhưng đều được trả lời vượt quá thẩm quyền. “Ngoài việc làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đây cũng trách nhiệm của các cấp chính quyền của Phổ Yên khi thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư” - ông Minh người dân địa phương ở đây bức xúc.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Phong - Phó Chủ tịch xã Trung Thành (thị xã Phổ Yên) cho biết, KCN Trung Thành (thuộc KCN Nam Phổ Yên, quy mô 200ha) có diện tích 47ha nhưng từ năm 2007 Công ty Lệ Trạch (Đài Loan) đầu tư nhưng đến nay mới có 4 doanh nghiệp vào hoạt động. Trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp là sản xuất thức ăn gia súc và gỗ ván ép đang hoạt động ổn định với trên 100 lao động. Cũng theo ông Phong, hiện nhiều năm nay không thấy bóng dáng của đại diện Công ty Lệ Trạch. Hiện môi trường và hệ thống cấp thoát nước thải của KCN chưa được đảm bảo, cùng với đó việc bỏ hoang đã là nơi tụ tập tiêm chích ma tuý của những người nghiện.
“Nhiều lần tiếp xúc cử tri và họp HĐND người dân và chính quyền địa phương đều có kiến nghị với các đoàn của Quốc hội, HĐND tỉnh và thị xã là cần có giải pháp thu hồi lại đất và mời gọi các nhà đầu tư mới vào nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển” - ông Phong nói thêm.
Được biết, trước sự việc trên, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh vào cuộc. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, sự chuyển động của KCN Nam Phổ Yên phần lớn là dậm chân tại chỗ. Trước vấn đề này, PV Báo Lao động đã nhiều lần liên hệ với ông Phan Đức Cường - Phó trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu nguyên nhân nhưng đều bị từ chối với lý do đang bận và không tiếp.
Bình Định: Hoang phí 40ha khu công nghiệp
Gần 10 năm qua, Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh (tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp đến đầu tư với diện tích khoảng 12ha, số diện tích đất còn lại đang trong tình cảnh đìu hiu. Đây là dự án có quy hô 50ha do Công ty Cổ phần Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh triển khai tại xã Bình Nghi, được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010. Với lợi thế nằm ngay bên Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên, Cụm Công nghiệp này được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Nhưng qua nhiều năm, Cụm Công nghiệp này chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột biến tính. Đáng buồn hơn, gần đây, nhà máy này phải tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố nước thải.
Ông Võ Chí Hiếu - Giám đốc điều hành Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh (Công ty CP Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh) cho biết, hiện tại chỉ mới có Công ty Lucky Star đầu tư xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 12ha, số diện tích còn lại vẫn đang bỏ hoang. Cũng theo ông Hiếu, Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh có lợi thế là nằm gần Quốc lộ 19; tuy nhiên, do nằm gần khu dân cư, cộng với việc ngành nghề được kinh doanh trong Cụm công nghiệp là chế biến nông lâm sản khiến cho các doanh nghiệp cũng không mặn mà. Cũng theo Giám đốc điều hành Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh, Cụm công nghiệp sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, ngoài ra, Cụm Công nghiệp cũng muốn xin phép nới lỏng để 1 số ngành khác vào kinh doanh. “Hiện Cụm Công nghiệp có diện tích gần 40ha, việc chỉ có một doanh nghiệp vào đầu tư với diện tích khoảng 12ha, khiến số diện tích còn lại hiện vẫn còn đang bỏ hoang” - ông Hiếu nói thêm.
Đặng Tiến - Cao Nguyên
Khu công nghiệp thành chỗ chăn thả trâu bò Len qua bãi rác cây dại mọc um tùm đầy mùi xú uế và kim tiêm của những con nghiện bỏ lại, PV Báo Lao ... |