Hiện các tỉnh, thành phố ở khu vực Đông Nam Bộ đang sẵn sàng triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Với quyết tâm này, chính quyền và nhân dân các địa phương kỳ vọng hạ tầng giao thông trong khu vực sẽ từng bước được hoàn thiện, qua đó tạo động lực phát triển mới cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

 
 
Tuyến tránh quốc lộ 56 (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là điểm đầu của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sắp được xây dựng.
 
Kỳ vọng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh

Dự án đường Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh đang được các địa phương nơi tuyến đường đi qua (gồm các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và thành phố Hồ Chí Minh) chuẩn bị tích cực, sẵn sàng triển khai. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh dài gần 200km, thiết kế 6-8 làn xe, tốc độ chạy xe 100km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng do các địa phương chủ động bố trí, huy động.

Trong giai đoạn 1 của dự án, các địa phương sẽ triển khai gói thầu độc lập giải phóng mặt bằng quy mô đến 8 làn xe và triển khai gói thầu xây dựng trước đường 4 làn xe. Theo tính toán, đoạn Vành đai 4 qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18km; Đồng Nai 45km; Bình Dương 49km; Long An 71km và thành phố Hồ Chí Minh là 17km. UBND 5 tỉnh, thành phố nói trên là cơ quan có thẩm quyền dự án với đoạn tuyến qua địa phương mình.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, ngày 23-5 vừa qua, sở giao thông - vận tải các tỉnh, thành phố có tuyến Vành đai 4 đi qua đã thống nhất trong năm 2022 sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi. Tháng 3-2023, các cấp thẩm quyền sẽ xem xét phê duyệt để dự án khởi công vào năm 2024, hoàn thành vào năm 2027; khai thác từ tháng 1-2028. “Cả 5 tỉnh, thành phố đều quyết tâm sớm hoàn thành dự án quan trọng này để tạo động lực cho toàn vùng và cả nước phát triển”, ông Trần Quang Lâm nói.

Đặc biệt, Bình Dương còn mong muốn được đẩy nhanh tiến độ dự án, bởi tỉnh đã hoàn thành gần 27km trong tổng số 49km đường Vành đai 4 qua địa bàn. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép Bình Dương chi ngân sách giải phóng mặt bằng và xây dựng 22km còn lại bằng vốn huy động từ các doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2024.

Chuẩn bị vốn xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cơ quan chức năng của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang tích cực triển khai nhiều phần việc để có thể khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngay khi Quốc hội thông qua. Đây là tuyến đường huyết mạch nối cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải lớn nhất cả nước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vùng công nghiệp lớn nhất cả nước tại Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, thay thế cho quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc vì quá tải.

Anh Trương Văn Khởi, lái xe của Công ty TNHH Vina Container Service (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Quốc lộ 51 hiện đã quá chật chội khiến có lúc xe tải mất đến 4 giờ đồng hồ cho quãng đường 50km. Tài xế chúng tôi mong từng ngày có tuyến đường mới để vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, an toàn hơn”.

Đầu tháng 5-2022, Chính phủ đã có Báo cáo tiền khả thi về dự án này trình Quốc hội. Theo đó, toàn tuyến dài 53,7km. Giai đoạn 1 xây dựng quy mô 4-6 làn xe; giải phóng mặt bằng 1 lần quy mô 6-8 làn xe; tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công (gồm nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công; vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021). Dự án dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Ngày 24-5 vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết bố trí số vốn ngân sách địa phương 2.600 tỷ đồng (tương đương 50% số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) cho giai đoạn 1 của dự án. Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho biết: “Tỉnh cam kết bố trí đầy đủ vốn ngân sách để thực hiện 34,2km đoạn qua Đồng Nai của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong trường hợp tổng mức vốn đầu tư của dự án tăng, tỉnh cũng cam kết bố trí đủ”.

Chỉ sau đó một ngày, cũng tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết thống nhất bố trí vốn ngân sách địa phương hơn 650 tỷ đồng (tương đương 50% số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) và tăng thêm nếu tổng vốn đầu tư tăng cho đoạn tuyến 19,5km thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh: “Chỉ trong một thời gian ngắn, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều phần việc, chứng tỏ quyết tâm của địa phương nhằm sớm triển khai dự án quan trọng này”.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1033086/khu-vuc-dong-nam-bo-san-sang-cho-cac-du-an-giao-thong-quan-trong

AN TÔN / HNM.com.vn