Vừa lo cho quân đội, vừa lo cho người dân, cộng thêm khó khăn mọi mặt và suy thoái kinh tế phương Tây, những điều này khiến nền kinh tế Ukraine tuột dốc không phanh.

Nền kinh tế của Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời gian xung đột kéo dài vừa qua. Cuộc giằng co chưa có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết nhưng nền kinh tế của Ukraine thì sắp “đứt gánh giữa đường". 

Kinh tế Ukraine khó khăn nghiêm trọng - 1

Cuộc sống người dân Ukraine bị xáo trộn nghiêm trọng. (Ảnh: PBS)

Chính phủ Kiev sẽ phải “nhật nguyệt hai vai", vừa phải gánh chi phí cho quân đội, vừa phải lo cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Tồi tệ hơn, Ukraine sắp phải đối mặt những tháng mùa đông giá rét và Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt. 

Có lẽ “gót chân Asin” của Ukraine tại thời điểm này là nền kinh tế đang bị tàn phá. Nguồn viện trợ cho chính phủ Kiev có thể bốc hơi bất cứ lúc nào do điều kiện kinh tế xấu đi ở phương Tây.

Theo các nguồn tin, 40% cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tấn công, gây nên tình trạng mất điện liên tục trên khắp cả nước. 4,5 triệu người dân, 350.000 ngôi nhà không có điện và 80% cư dân bị thiếu nước sạch. Trong lúc đó, cuộc xung đột Ukraine - Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong tình hình hỗn loạn này, các nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục phải đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân. Cuộc sống bị xáo trộn nghiêm trọng khiến cho khoảng 6 triệu người dân bị đẩy ra khỏi nơi ở, cộng thêm khoảng 7 triệu người tìm nơi tị nạn ở nước ngoài.

Tính tới hết Quý II năm 2022, con số thất nghiệp tại Ukraine lên đến 35%. Khoảng 500.000 người lâm vào cảnh nghèo đói - tỉ lệ đứng thứ 2 trong khu vực. Con số này vào năm 2020 chỉ là 2,5% nhưng được dự đoán sẽ tăng gấp 10 lần vào cuối năm nay, tương đương 25%. Và nếu tình trạng này tiếp tục, tỉ lệ người nghèo sẽ tăng lên gấp đôi, tương đương 50%. 

Bài học lịch sử cho thấy trước tương lai ảm đạm của Ukraine, những tác động xấu của cuộc xung đột sẽ còn kéo dài ngay cả khi nó đã kết thúc. Ước tính, Ukraine sẽ phải tốn khoảng từ 349 tới 750 tỷ USD cho việc tái thiết đất nước. Mặc dù có những ý kiến cho rằng có thể sử dụng các tài sản thu được từ Nga để giảm bớt phần nào chi phí, nhưng việc này sẽ vấp phải vô vàn trở ngại pháp lý.

Những khó khăn nan giải ngay trước mắt

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GDP của Ukraine sẽ giảm 35% trong năm nay và các ước tính khác tin mức giảm có thể lên tới 40%. Mặc dù Ngân hàng Quốc gia Ukraine hy vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Ukraine sẽ cần nhiều năm tăng trưởng vượt bậc mới có thể quay trở lại mức GDP trước đây.

Tổng thâm hụt ngân sách hàng tháng của Ukraine lên tới 5 tỷ USD. Chính phủ Kiev buộc phải chạy vạy, tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp từ phương Tây và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

Thủ tướng Denys Shmyhal gần đây ước tính Ukraine sẽ cần đến 42 tỷ USD viện trợ vào năm 2023. Tổng thống Zelensky cộng thêm 17 tỷ USD dành cho việc xây dựng lại các nhà máy điện và nhà ở bị phá huỷ, đưa con số lên 59 tỷ USD. Số tiền này tương đương gần 30% GDP hiện tại của Ukraine.

 

Chiến tranh cũng khiến hoạt động thương mại của Ukraine tuột dốc. Đến cuối tháng 9/2022, thâm hụt thương mại đã tăng gấp đôi lên 6,1 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản từng thu về 27,8 tỷ USD vào năm 2021 và chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Tuy nhiên, hiện giờ 20 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác đang bị ứ đọng tại các bến cảng.

Kinh tế Ukraine khó khăn nghiêm trọng - 2

Cảng biển Odessa, Biển Đen, Ukraine. (Ảnh: Adobe Stock)

Từ tháng 7-11/2022, hơn 11 triệu tấn ngũ cốc và các thực phẩm khác của Ukraine đã được xuất khẩu sau thỏa thuận giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm trung gian. Tuy nhiên, Nga có thể huỷ bỏ thoả thuận bất cứ lúc nào. Hơn nữa, mặc dù thỏa thuận giúp Ukraine có thể tiếp tục xuất khẩu ngô và lúa mì, nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa so với trước chiến tranh.

Xung đột với Nga đã làm hỏng nhiều lưới điện, đập nước và nhà máy nhiệt điện. Ukraine phải tạm dừng xuất khẩu điện, mặc dù đã lên kế hoạch kiếm được 1,5 tỷ euro vào năm 2023 từ việc bán điện cho Liên minh châu Âu (EU). Trong tương lai, Ukraine rất có thể phải dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Phương Tây “lực bất tòng tâm"

Khi các nhà lãnh đạo của Ukraine đau đầu quản lý cuộc khủng hoảng kinh tế, họ nhận được không ít nguồn hỗ trợ. Quốc hội Mỹ đã ủy quyền - vào tháng 3, tháng 5 và tháng 9/2022 - gần 20 tỷ USD dưới nhiều hình thức viện trợ kinh tế và nhân đạo. Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp 8,5 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và có kế hoạch bổ sung thêm 4,5 tỷ USD. EU cam kết viện trợ 11 tỷ euro nhưng chỉ giải ngân 27% dưới dạng các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Các nguồn hảo tâm khác bao gồm 1,6 tỷ bảng từ Anh, 6 tỷ USD từ WB và hàng tỷ USD khác từ IMF. 

Với tình trạng khó khăn về kinh tế của Ukraine, nước này rất cần một lượng lớn viện trợ liên tục. Nhưng huyết mạch này có thể bị đứt đoạn do bức tranh kinh tế ảm đạm của phương Tây.

Điều này một phần là do hậu quả của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đặc biệt là giá năng lượng tăng vọt do Moskva cắt giảm mạnh việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu. 

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro đã tăng lên 10,7% và vượt quá 20% ở ba quốc gia vùng Baltic. Tại Mỹ, con số này là 7,7% và ở Anh là 11,1%. Với việc các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất để ứng biến với tình hình, nền kinh tế phương Tây rất có thể rơi vào suy thoái.

Kinh tế Ukraine khó khăn nghiêm trọng - 3

Dòng người tị nạn từ Ukraine. (Ảnh: Atlantic Council)

Viện trợ cho Ukraine sẽ không cạn kiệt, nền kinh tế nước này cũng sẽ không sụp đổ. Nhưng các chính phủ phương Tây sẽ gặp khó khăn hơn, về mặt chính trị nếu không muốn nói là về mặt kinh tế, để tiếp tục gửi hàng tỷ USD cho Kiev trong khi dân chúng của họ phải chịu đựng giá cả tăng cao và tình trạng thất nghiệp tràn lan. Ba Lan, Đức và Hungary hiện đang phải vật lộn để tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine. Dân châu Âu cũng không còn “mặt tươi như hoa" đón tiếp dòng người trú ẩn ngày càng tăng từ Ukraine.

Hơn nữa, IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ nhận được những cuộc gọi cầu cứu từ các nơi khác trên thế giới trong hoàn cảnh lãi suất tiếp tục tăng cao, bao gồm cả các quốc gia có thu nhập thấp và thậm chí là trung bình. 

Theo Liên hợp quốc, 54 quốc gia đang “nợ ngập đầu". Khó khăn kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn khi đồng USD tăng giá do FED tăng lãi suất và đẩy giá thực phẩm nhập khẩu lên cao.

Phương Tây cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine cho tới khi xung đột với Nga kết thúc. Chỉ trong tháng 11/2022, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự và kinh tế khẩn cấp trị giá 37,7 tỷ USD cho Kiev. Nhưng để đạt được kết quả đó có thể mất nhiều thời gian và tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn hơn dự tính.

Người dân Ukraine có thể đã chống chọi với hoàn cảnh hoàn cảnh một cách kiên cường, nhưng các vết thương về kinh tế sẽ khó lành hơn gấp trăm lần. 

HOÀNG LINH(Nguồn: NYTIMES) / VTC News