Khi kit test của Công ty Việt Á mới được đề nghị xem xét sử dụng thì trên website Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đưa tin WHO chấp thuận.
Cơ quan điều tra mới đây khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19. Sau quyết định trên, nhiều thông tin liên quan giá kit test và hoạt động của công ty bị phanh phui, để lộ thêm điểm bất thường.
Thổi phồng kit test
Ngày 24/4, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á gửi đề nghị lên WHO để đánh giá "kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit sử dụng khẩn cấp. Theo quy trình, WHO đã cấp mã EUL 0524-210-00 cho sản phẩm trên. Có thể hiểu, đây là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, không liên quan gì đến việc bộ xét nghiệm này được cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, ngày 26/4, Bộ KH&CN đăng tải nội dung hoàn toàn khác trên Cổng thông tin điện tử với tiêu đề: "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận". Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Thông tin "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình Danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00" đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 26/4/2020. |
Không chỉ công bố trên cổng thông tin, Bộ KH&CN còn gửi thông cáo báo chí và phát ngôn chính thức tại các cuộc họp liên quan với thông tin chi tiết "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".
Sau khi Bộ KH&CN công bố kết quả trên, hàng loạt cơ quan báo chí trích dẫn lại thông tin để đăng tải. Thậm chí không ít bài báo dùng những từ ngữ tung hô "kit test Việt đầu tiên ghi danh quốc tế", "kit test sản xuất thần tốc được WHO công nhận".
Thực tế, đến ngày 20/10/2020, trong báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp, WHO đưa ra kết quả thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: "Not Accepted" (Không được chấp nhận).
Gần đây nhất, 9/6/2021, theo danh sách "SARS‐CoV‐2 IVDs: Sản phẩm không được chấp thuận sử dụng khẩn cấp (EUL)" đăng tải trên website chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn có tên bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, mã số sản phẩm VA.A02-055H, số hồ sơ đăng ký EUL 0524-210-00 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Nghĩa là sản phẩm chưa được thông qua.
Từ khi WHO trả kết quả thẩm định đến nay, Bộ KH&CN, Công ty Việt Á đều không có động thái đính chính thông tin sai sót ban đầu. Chỉ khi sự việc Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm bị Bộ Công an phanh phui và Tổng giám đốc Phan Quốc Việt bị bắt, Bộ KH&CN mới gỡ bài viết khỏi Cổng thông tin điện tử.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". Đây là sơ suất của Bộ KH&CN".
Về thắc mắc vì sao Bộ KH&CN hiểu sai và không đính chính lại thông tin sau khi WHO trả kết quả thẩm định hồi tháng 10/2020, đại diện Bộ KH&CN từ chối trả lời.
Xưởng sản xuất kit test rộng 10m2
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh, người đại diện phát luật của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là ông Phan Quốc Việt. Công ty này thành lập ngày 28/2/2007, trụ sở chính tại Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Vốn đăng ký khi thành lập là 80 triệu đồng, nhưng sau hơn 10 năm, đến tháng 10/2017 vốn lên tới 1.000 tỷ đồng.
Việt Á đăng ký 64 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính là bán buôn bán máy móc, thiết bị, phụ tùng. Trong khi đó, trên website, công ty giới thiệu chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này và là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR và lai phân tử.
Trước khi sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm này, Công ty Việt Á từng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit xét nghiệm khác. Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước.
Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, tổng tài sản của Công ty Việt Á giảm dần từ mức 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm COVID-1 (tháng 4/2020) tổng tài sản tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng/năm, gấp hơn 6 lần năm 2019.
Xưởng "sản xuất kit test COVID-19 lớn nhất cả nước" của Công ty Việt Á tại Bình Dương. (Ảnh: Thế Quang) |
Theo ghi nhận của PV VTC News tại chi nhánh Bình Dương của Công ty Việt Á tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, khu nhà xưởng của Công ty Việt Á nằm sát trên quốc lộ 1, thuộc khu phố Bình Đường 2, phường An Bình. Nhìn phía bên ngoài không ai nhận ra đây là công ty được giới thiệu với danh xưng mỹ miều - đơn vị sản xuất kit test COVID-19 "lớn nhất cả nước", mỗi tháng cung ứng hàng triệu kit test ra thị trường.
Xưởng sản xuất chỉ là một căn nhà cũ kỹ có bề rộng khoảng hơn 10m, nằm sát vách các hộ dân xung quanh, trên mái được lợp bằng lớp tôn đã hoen gỉ. Phía ngoài cổng của xưởng sản xuất này được gắn 3 tấm bảng ghi: "Chi nhánh Công ty cổ phần y tế Việt Á tại Bình Dương" và "Chi nhánh Công ty cổ phần y tế Việt Á tại Bình Dương - Phòng xét nghiệm Việt Á".
Minh Khôi
Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế lên tiếng việc mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á |
TGĐ Công ty Việt Á bị bắt, Lạng Sơn lập tức dừng gói thầu mua kit test gần 2 tỷ |