Đàn heo gà chết phơi thây. Xác nằm trên chuồng, trong vườn, trương phình. Sách vở, giấy tờ, áo quần nằm dưới bùn. Nhiều người về sau lũ với khuôn mặt bạc thếch vì thiếu ăn. 

Đàn heo gà chết phơi thây. Xác nằm trên chuồng, trong vườn, trương phình. Sách vở, giấy tờ, áo quần nằm dưới bùn. Nhiều người về sau lũ với khuôn mặt bạc thếch vì thiếu ăn.

Đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in những gì cơn lũ năm 1999 để lại trên đất Huế. Vừa bước vào đầu tháng 11, mưa lớn đổ về, nước lên nhanh, không ai kịp trở tay. Điện tắt, trời tối như mực, nước lũ vào đến nhà.

Bố tôi thắp đèn dầu lên, thúc mẹ và mấy chị chuyển mấy tạ lúa lên cao. Trong bóng tối nhập nhoạng, cả nhà trầy trật vật lộn với đống lúa nhưng cũng không cứu được. Lúa chất đến đâu, nước mấp mé đến đó. Bất lực, bố tôi hét lên: "Thôi, bỏ hết đi chạy lũ trước đã". Bên ngoài, lợn gà táo tác vùng vẫy trong lũ. Mưa vẫn cứ xối xả.

Nhà bà thím nằm cách đó không xa, trên một khoảnh đất cao, chúng tôi vào đó trú. Nhưng đến tối nước dâng lên tận nơi. "Di chuyển tiếp thôi. Tới khuya nước ngập cao thì chết"-bố tôi nói, rồi đám trẻ tụi tôi được mấy chị dắt đi trước. Bố mẹ và bà thím ở lại gắng sức chuyển đồ lên cao. Chúng tôi vượt qua một bãi đất trống sau nương nhà. Trời mưa tầm tã, tối như mực. Nhà ông chú ruột nằm dọc quốc lộ 1A là sự lựa chọn cuối cùng. Tôi đã nghĩ, nước lên đến đó thì cũng hết cách.

Cuộc chạy trốn cơn lũ diễn ra 5-6 ngày. Không kịp mang theo vật dụng gì. Áo quần không kịp khô. Những bộ nào vừa vặn, bất kể của trai hay gái chúng tôi đều mặc. Những bữa ăn thiếu trước hụt sau. Điện mất, thông tin hầu như không có. Trời vẫn không ngừng mưa. Quốc lộ 1 đoạn gần nhà chúng tôi trú nước lũ đã chảy băng qua. Bố tôi sốt ruột, không biết tình hình trong nhà thế nào. Ông cuốc bộ vào xem nhưng rồi cũng chỉ đứng trên cao nhìn xuống biển nước. Cả đời, ông chưa bao giờ chứng kiến một cơn lũ lớn và nước lên hỗn như vậy.

Trở về sau lũ, căn nhà tôi ngập trong bùn. Một số căn nhà bị nước xô nghiêng ngả. Lúa gạo ướt. Nguồn nước bị ô nhiễm. Cái đói, khát đeo đẳng. Nhà cửa nhếch nhác, trơn trượt, chỗ ngủ ướt đẫm.

Một vài hôm lại có tiếng kẻng vang lên, người dân tập trung ở sân hợp tác nhận hàng cứu trợ: mỳ, miếng lương khô, gạo, chăn mền. Cuộc sống của người dân trong vùng mất một thời gian lâu mới ổn định. Việc học hành của chúng tôi phải kéo qua cuối tuần để kịp lịch. Ổn định cuộc sống chưa được bao lâu, cuối tháng 12/1999 cơn lũ khác tiếp tục đổ về. May mắn là lũ nhỏ, nước chỉ tiệm cận trước sân nhà và rút nhanh.

Cơn đại hồng thủy đi qua, dân làng bắt tay vào dựng, sửa lại nhà. Sau cuộc chạy thoát khỏi cơn lũ dữ về sau người dân làng tôi nhà nào cũng làm thêm một cái gác (dân địa phương hay gọi là cái tra) để trú tránh khi lũ về. Không riêng gì chỗ tôi mà người dân các vùng quê Thừa Thiên-Huế ai cũng tự làm những cái tra như vậy.

Chiếc tra thường làm bằng tre ghép lại hoặc gỗ, ván. Sau khi xong vụ, người dân chuyển lúa lên đó cất trữ trước. Có lũ về, dân bắc thang leo lên trú. Để yên tâm họ thường mang theo chiếc cưa hoặc rựa đề phòng lũ lên cao thì phá mái nhà leo ra bên ngoài. Sau này, những chiếc tra lùi dần vào ký ức khi người dân có điều kiện xây nhà kiên cố có gác bằng bê-tông cốt thép.

Đó là những ký ức còn sót lại của một đứa trẻ về cơn đại hồng thủy cách đây 20 năm. Những ngày đầu tháng 11 này, người dân vẫn nhắc nhở nhau về cơn lũ lịch sử 1999. Sau những cuộc vật lộn với bão lũ bây giờ sự chủ quan đã không còn. Họ thận trọng hơn, biết lường trước sự việc. "Sống chung với lũ" là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Sự chủ động của người dân đã làm giảm bớt sự tang thương mỗi mùa mưa lũ.

Đầu tháng 9 vừa rồi, tôi ra đưa tin mưa lũ ở Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, là một rốn lũ đúng nghĩa. Địa hình lòng chảo cùng với các dãy núi đá vôi bao quanh nên một năm Tân Hóa xảy ra 3-4 trận lũ. Mưa trút xuống, nước đổ về, nhà dân bị nhấn chìm. Năm 2010 là năm lũ lớn nhất ở Tân Hóa. Những phận người không kịp chạy lũ, chết tức tưởi. Trải qua các cơn lũ, với những mất mát lớn dân Tân Hóa biết rằng họ phải tìm cách gì đó để sống chung với thiên tai. Nhà nổi hay nhà phao là giải pháp mà người dân nơi đây nghĩ ra.

Những ngôi nhà được thiết kế bằng khung sắt; sàn lót ván; mái che và vách bằng tôn; bệ đỡ là các thùng phi nhựa. Ngôi nhà được neo lại bằng hai thanh sắt cao đóng chặt xuống đất. Khi những bản tin thời tiết dự báo tiết trời chuẩn bị qua mùa mưa cũng là lúc người dân Tân Hóa trích trữ lương thực, chuyển những thứ thiết yếu qua nhà nổi. Lũ đổ về, người dân lên nhà ngồi. Ngôi nhà lên xuống tùy vào con nước.

Hơn 4 năm nay những ngôi nhà nổi đã cứu người dân Tân Hóa qua không biết bao nhiêu trận lũ. Hơn 400 ngôi nhà nổi được đưa vào sử dụng ở Tân Hóa trong tổng số 697 nhà dân. Kinh phí cho một ngôi nhà thấp nhất tầm 20 triệu, tùy vào diện tích.

Nhà nổi ở Tân Hóa, những chiếc tra của người dân Thừa Thiên-Huế hay nhà chống lũ là những bằng chứng cho sự thích nghi với lũ của người dân. Hơn ai hết chúng tôi là những người quá hiểu sự thống khổ mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Cơn lũ đi qua để lại những ký ức đau buồn và những bài học cho người dân vùng lũ như tôi. Nhưng cho đến giờ, chúng dường như vẫn chỉ là bài học riêng của những người đã trải qua lũ. Những căn nhà nổi chống lũ vẫn đang là bài học riêng của người dân Tân Hóa. Chỉ có một tổ chức từ thiện cá nhân đang kêu gọi xây dựng lác đác vài trăm căn nhà cho người dân những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Những bài học ấy, dù đánh đổi bằng bao nhiêu mất mát, chưa phải là bài học của quốc gia. Chương trình về hỗ trợ người nghèo xây nhà phòng chống lũ, bão rất thiết thực của Chính phủ một thời gian bị tắc vì kinh phí để dựng nên ngôi nhà không phải nhỏ. Không có tiền bù vào, sợ phải mang nợ ngân hàng khi vốn dĩ đã nghèo, già cả. Vì thế, một số hộ nhận tiền về phải ngậm ngùi trả lại do không đủ xây nhà như dự toán ban đầu.

Cơn đại hồng thủy đã đi qua được tròn 20 năm, và Việt Nam vẫn đang đương đầu với những biểu hiện cực đoan mới của biến đổi khí hậu. Liệu chúng ta có rút ra được điều gì để những ký ức đau buồn như trên không phải xảy ra thêm một lần nữa?

Nguyễn Đắc Thành

ky uc dai hong thuy Bắc Bộ ngày nắng, mưa lớn ở Trung Bộ kéo dài hết hôm nay
ky uc dai hong thuy Mưa lớn gây ngập lụt, nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng nghìn học sinh Hà Tĩnh phải nghỉ học
ky uc dai hong thuy Xuất hiện nhiều điểm sạt lở nguy hiểm sau mưa lũ ở Quảng Trị
ky uc dai hong thuy Nghịch lý đầu nguồn “lũ đẹt”, cuối nguồn ngập “lịch sử”
ky uc dai hong thuy Ruộng bậc thang Lào Cai vào mùa lúa chín
ky uc dai hong thuy Phú Quốc ngập lịch sử, nghìn người vật lộn trong 'trận đại hồng thủy'
ky uc dai hong thuy Người dân tháo chạy trong cơn đại hồng thủy

/ vnexpress.net