Tháng đầu tiên của năm 2024, một số ngành hàng bùng nổ đơn hàng xuất khẩu (XK), đây là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp (DN) tin tưởng và kỳ vọng bức tranh thị trường XK sẽ khởi sắc hơn trong bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo còn nhiều khó khăn.

Nông sản xuất khẩu tăng mạnh

Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai), ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) đã có gần 800 tấn hàng XK qua các cửa khẩu trên địa bàn, tăng mạnh so với mọi năm, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây. Theo đó, các DN đã mở 30 tờ khai hải quan XK với khối lượng 772,2 tấn hàng, gồm các loại trái cây của Việt Nam như chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long. Kim ngạch XK đạt 2,2 triệu USD.

Cùng với đó, DN mở một tờ khai hải quan nhập khẩu quả lê, với khối lượng 28,8 tấn, với giá trị 0,1 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trong ngày đầu tiên của năm Giáp Thìn tại Cửa khẩu Kim Thành đạt gần 2,3 triệu USD. Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, có 40 DN đăng ký mở tờ khai XNK hàng hóa trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tăng mạnh so với mọi năm.

ma´y ga%3f%3ft cu%3fa lo%3f^c tro%3f`i tre^n ca´nh do`ng lu´a di eu.jpg -0
Xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam có nhiều triển vọng.

Theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng ở cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 đến hết ngày 17/2 (tức từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch). Tuy nhiên, sau khi trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan chức năng hai bên, phía Trung Quốc đã cho thông quan hàng hóa nhập khẩu từ ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết), chủ yếu là hàng hải sản tươi sống của Việt Nam.

Theo đó, ngay trong ngày 12/2, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã có 10 xe hàng XK sang Trung Quốc gồm 56,7 tấn hải sản tươi sống các loại (trong đó có 4,4 tấn tôm hùm sống và 52,3 tấn cua sống). Đây là những mặt hàng XK đã có đăng ký trước, được thông quan thuận lợi, nhanh chóng qua cửa khẩu Bắc Luân II, Móng Cái, Quảng Ninh.

Về XK cà phê, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, cuối năm 2023, công ty đã ký hợp đồng XK cà phê sang các thị trường mới. Hiện đơn hàng XK cà phê đã kín đến hết quý I/2024.

Với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) phấn khởi chia sẻ, mở đầu năm 2024, Trung An đã ký 6 đơn hàng với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường gồm: Châu Âu (EU), Anh, Malaysia, Dubai và Australia với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277EU/tấn. Tất cả đều là giá FOB (giá bên cửa khẩu của Việt Nam). Đáng chú ý, trong danh sách chính thức về các DN trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1/2024, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu. Giá gạo trúng thầu mức thấp nhất của Việt Nam khoảng 648 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển. Các DN trúng thầu sẽ phải giao hàng trong tháng 2 và 3/2024.

XK rau quả, gạo, cà phê liên tục “bùng nổ” đơn hàng ngay từ đầu năm 2024, báo hiệu một năm kinh doanh bận rộn. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) cho biết, DN có đơn hàng ổn định từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản phẩm XK chính là chuối, dứa và dưa lưới. Hiện, một tuần DN XK từ 20-30 container sang các thị trường. Công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt và gia tăng sản lượng để cung ứng đủ cho các đơn hàng. Để có được đơn hàng ổn định và chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Unifarm luôn tuân thủ nguyên tắc “một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả thị trường”.

Tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp

Vui mừng chia sẻ với chúng tôi về đơn hàng trong quý I/2024, ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) ở Nam Định, cho biết, hiện DN đã nhận đơn hàng đến hết tháng 3/2024. Về dài hạn trong năm thì phụ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của khách, bởi DN chuyên về sản phẩm cơ khí nên cần có thời gian để đặt hàng và thử nghiệm. Đơn cử như khách hàng ở Nhật Bản hiện dự báo khoảng 7 container; có khách hàng thì dự báo khoảng 100 tấn/ tháng.

“Sản phẩm công nghiệp có tín hiệu tích cực, đơn hàng đều ngay từ những tháng đầu năm đã tạo động lực cho các DN sản xuất. Bên cạnh đơn hàng ký đến hết tháng 3/2024, DN đã chủ động tìm kiếm mở rộng khách hàng tại các thị trường mới như năm 2023 đã ký được hợp đồng với khách hàng ở Bắc Ireland và Jordani… DN tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường để đa dạng khách hàng hơn nữa trong thời gian tới”, ông Mạnh cho hay.

Đối với ngành thép cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, theo CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến XK thép trong quý I/2024 sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là sang EU. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1/2024, XK giày dép đạt 1,85 tỷ USD, tăng tới 35% so với cùng kỳ.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đối với thị trường XK, ngành Da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính: Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành Da giày có dư địa cho tăng trưởng XK trong năm 2024. Năm 2024, theo phân tích của nhiều chuyên gia, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường XK tiềm năng của ngành Da giày Việt Nam có khởi sắc. Bên cạnh đó, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, XK mặt hàng giày dép, túi xách khác.

Theo Bộ Công Thương, kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%. Đây cũng là tháng có kim ngạch XK cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Để hỗ trợ DN XK, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh XK, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN.

Ngoài ra, trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc với các DN, hiệp hội để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động XNK, trong đó đã đề nghị các hãng tàu duy trì tuyến, nhanh chóng đưa container rỗng về, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí, đồng thời nghiên cứu, xem xét thêm phương thức vận tải đa phương thức kết hợp với đường sắt, đường biển và đường hàng không…

Đối với Hiệp hội DN dịch vụ logistics, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị phối hợp với các DN, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý nhà nước để giúp cho các DN XNK có những thuận lợi lớn nhất trong việc đảm bảo hoạt động thương mại quốc tế.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/ky-vong-xuat-khau-nam-2024-khoi-sac-i722723/

Lưu Hiệp / CAND