Khi nhà nhà người người “chạy theo” cơn sốt AI thì Apple lại “ngược dòng” đi đến vũ trụ ảo. Liệu đây có là “cú nổ” lớn của làng công nghệ hay không?

Làng công nghệ bùng nổ cuộc chiến mới: Liệu Apple đang dùng ‘thuyết âm mưu’ giá hớt váng hay 'nắm tay' Meta chạy về vạch xuất phát?

Apple-Meta và “đầm lầy” vũ trụ ảo

Vừa qua, trong sự kiện dành cho lập trình viên Apple (Apple's Developer Conference - WWDC), Nhà Táo đã ra mắt một mẫu kính thực tế ảo (VR) có tên là Vision Pro, với mức giá “trên trời” 3.500 USD (khoảng 82,2 triệu đồng). 

Trước đây, thực tế ảo (VR) từng là công nghệ được thế giới chú ý trong giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, kính VR chủ yếu được dùng để chơi game, cũng như không được phổ biến trên diện rộng bởi nhiều giới hạn về kỹ thuật cùng mức giá cao. 

Hiện tại, nổi bật nhất phải kể đến các loại kính thực tế ảo của Meta - gã khổng lồ công nghệ đã đốt “núi tiền” vào vũ trụ ảo. Loại kính AR của Meta được nhiều người biết tới là Meta Quest 2 (399 USD, khoảng 9,3 triệu đồng) và giảm giá xuống 299 USD (hơn 7 triệu đồng) từ ngày 4/6. Hay chiếc Quest Pro VR dành cho doanh nghiệp với giá 999,99 USD (hơn 23 triệu đồng). 

Tuy nhiên, không may, Reality Labs bộ phận đang phát triển công nghệ VR và AR của Meta, đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động 3,99 tỷ USD trong quý I/2023, trong khi chỉ tạo ra doanh thu 339 triệu USD. 

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính 2022 của Meta cho thấy, lợi nhuận ròng của Meta đã giảm mạnh 41%, từ 39,3 tỷ USD (năm 2021) xuống còn 23,2 tỷ USD (năm 2022). Được biết, công ty đã công bố dự án metaverse vào tháng 10/2021, đầu tư 10 tỷ USD vào bộ phận nghiên cứu Reality Labs và lỗ ngay 5 tỷ USD vào đầu năm 2022. 

Dù thấy tấm gương đi trước nhưng Apple vẫn kiên quyết “bước vào” thị trường rủi ro này và nhận ngay “trái đắng” trong ngày mở bán đầu tiên. 

Trước đây, Bank of America từng dự đoán Apple có thể bán được 1,5 triệu chiếc Vision Pro trong năm đầu tiên hay chính Apple cũng từng nói họ có thể bán được 3 triệu chiếc. Tuy nhiên hiện con số ước tính giờ chỉ là 900.000.

Đây là bước đi lùi “thất bại” của Nhà Táo. Theo thống kê, trong các năm đầu tiên mở bán, Apple đã bán được 1,4 triệu chiếc iPhone; 7,46 triệu chiếc iPad hay gần 12 triệu đồng hồ thông minh. 

Apple liệu có đang “ngáo giá”

Nếu iPhone tạo ra sự thay đổi toàn cầu, “định hình” thói quen sử dụng điện thoại của người tiêu dùng và tối ưu hóa cách sử dụng thì kính thực tế ảo mới Vision Pro lại khiến nhiều người cảm thấy cồng kềnh và khó có thể sử dụng chỗ đông người.

Theo báo cáo tài chính 2022 của Apple, doanh thu thuần mà iPhone đem lại cho hãng đạt hơn 205,4 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021 và chiếm hơn 52% tổng doanh thu thuần. Vì vậy, nhiều người trong ngành cho rằng, thay vì phát triển kính thực tế ảo, Nhà Táo nên tập trung vào những sản phẩm chủ lực để tối ưu hóa lợi nhuận.

Chưa hết, khi mới ra mắt, chiếc iPhone đầu tiên có giá 599 USD (8GB) và 499 USD (4GB). Tại thời điểm đó, một chiếc BlackBerry 8880 có giá khoảng 300 USD, một chiếc Nokia E61i có giá khoảng 400 USD. Các mức giá không chênh lệch quá nhiều giúp khách hàng có cơ hội cân nhắc mua một chiếc điện thoại “độc đáo” từ hãng iPhone. 

Tuy nhiên với mức giá 3.500 USD của Vision Pro đắt hơn 12 lần so với một chiếc Meta Quest 2 chỉ 299 USD - nhiều người cho rằng sẽ rất khó cạnh tranh trong một thị trường vốn đã “khó nhằn” này. 

Apple đang dùng “thuyết âm mưu” giá hớt váng

Mặt khác, khi công bố mức giá “trên trời” của Vision Pro, một số nhà phân tích cho rằng Apple đã thực hiện chiến lược “giá hớt vàng” (Price Skimming Strategy). Đây là chiến lược mà công ty sẽ để sản phẩm có mức giá rất cao - nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, có lợi nhuận, sau đó giảm dần theo thời gian khi thị trường bão hòa.

Một số người cho rằng, Apple có 4 lý do để khiến Vision Pro có mức giá đắt như vậy:

- Người dùng “đam mê” sẽ trả tiền : Khi Apple ra mắt một sản phẩm mới trong một danh mục mới, nó thường có giá rất cao. Điều này nhắm mục tiêu đến những người dùng coi trọng việc trở thành người đầu tiên sở hữu công nghệ mới nhất và sẵn sàng trả phí để có được nó. 

- Giữ lợi nhuận cao trong suốt vòng đời của sản phẩm: Bằng cách định giá sản phẩm cao khi ra mắt, Apple tối đa hóa lợi nhuận của mình từ những đợt bán hàng sớm này. Sau đó, họ giảm giá dần dần để thu hút người tiêu dùng có ngân sách hạn hẹp hơn. Chiến lược hớt váng này cho phép Apple kiếm được nhiều lợi nhuận nhất có thể từ ​​tất cả các phân khúc thị trường của mình. 

- Tốt cho thương hiệu : Việc định giá ban đầu cao sẽ củng cố hình ảnh thương hiệu của Apple: mãi là một “cái tên” sang trọng và khiến người tiêu dùng khát vọng. Đó cũng là một tín hiệu rõ ràng cho thấy họ tham gia cuộc chơi không phải để cạnh tranh về giá mà là về chất lượng, thiết kế và trải nghiệm người dùng. 

- “Bệ đỡ” cho sự đổi mới : Lợi nhuận cao từ việc bán hàng ban đầu có thể tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển liên tục của Apple. Điều này rất quan trọng trong ngành công nghệ, nơi mà sự dẫn đầu xu hướng là chìa khóa để duy trì sự thống trị thị trường. 

https://markettimes.vn/lang-cong-nghe-bung-no-cuoc-chien-moi-lieu-apple-dang-dung-thuyet-am-muu-gia-hot-vang-hay-nam-tay-meta-chay-ve-vach-xuat-phat-30938.html

Nhất Lưu / Markettimes.vn