Sau khi “chiến dịch” giành lại vỉa hè ở Hà Nội lắng xuống, tình trạng lấn chiếm, sử dụng “vỉa hè làm của riêng” đâu lại vào đó. Nhiều người cho rằng, những chiến dịch ra quân chỉ như “ném đá ao bèo”. Trước thực trạng này, Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất phương án lắp đặt thêm camera để “phạt nguội”, xử lý các hành vi vi phạm một cách triệt để. Tuy nhiên, tính khả thi đến đâu thì đang là dấu hỏi băn khoăn lớn với nhiều người.
Xử lý vỉa hè như “ném đá, ao bèo”
Ghi nhận của PV Báo Lao Động, sau khi TP.Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường là nhiều tuyến đường, khu phố trên địa bàn thủ đô đã giảm thiểu tình trạng “biến vỉa hè thành của riêng”. Tuy nhiên, sau khi những chiến dịch rầm rộ lắng xuống, không ít con đường, tuyến phố của thủ đô, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại về như cũ. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm hàng quán, để xe, kinh doanh… vẫn nhan nhản trên nhiều tuyến phố.
11h ngày 28.2, dọc các tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng…. có rất nhiều cửa hàng tạp hóa lẫn ăn uống. Dọc tuyến vỉa hè chật hẹp thi thoảng còn có những hộ dân cho cả ghế và khách ngồi uống trà đá, cà phê… Nhiều tấm biển với nội dung “cấm bán hàng rong, kinh doanh, buôn bán, để xe đạp, xe máy, ôtô” dường như chỉ để cho có, nhiều hộ kinh doanh phớt lờ các quy định trên.
Bên cạnh đó, tại các chợ “cóc”, việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra phổ biến tại các tuyến phố Giáp Nhất, ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc… khiến người dân gặp khó khi di chuyển. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, những người bán hàng rong với đủ các loại hoa quả, đồ ăn, đồ uống xuất hiện khắp nơi, nhiều người đi bộ phải “ngậm ngùi” đi xuống lòng đường bởi trên vỉa hè không còn chỗ để đi.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - nhìn nhận: Việc xử phạt vi phạm trật tự đô thị vừa qua như ném hòn gạch xuống ao bèo, khi chúng ta ra quân thì hết sức sạch sẽ nhưng đến khi dừng lại thì đâu lại vào đấy. Khi có lực lượng cảnh sát, đội tự quản đi kiểm tra thì người kinh doanh dọn hết vào trong, nhưng khi vừa đi qua thì họ lại chạy ra để kinh doanh.
Chỉ là giải pháp tình thế?
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Viện cho biết: Hiện nay, Sở GTVT đang nghiên cứu để đề xuất phương án lắp đặt các camera ghi hình để “phạt nguội” hành vi lấn chiếm vỉa hè. “Với hệ thống camera này, việc giám sát thực hiện trật tự đường hè sẽ trở nên hiệu quả hơn, bởi không phải khi nào lực lượng chức năng cũng có mặt trực tiếp để xử lý các vi phạm được. Khi xử lý vi phạm như vậy sẽ có sức răn đe hơn cũng như để chấn chỉnh được tình trạng lợi dụng vỉa hè làm của riêng như hiện nay” - ông Viện nói.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay việc này thành phố đang chỉ đạo và một số đơn vị cũng đang đề xuất thử nghiệm thực hiện. Vấn đề là ở chỗ, việc này thuộc đầu tư công, mua sắm thiết bị nên cần phải xem xét theo quy trình. Một số quận nội thành cũng đã có phương án đề xuất và Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu để có thể có phương án thay những camera cố định thành camera di động, giám sát tình trạng an ninh trật tự
tốt hơn.
Nói về đề xuất “phạt nguội” vi phạm vỉa hè, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố - cho rằng: Trước tiên cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận và nhân dân thấy được rằng vỉa hè là không gian công cộng, là của chung chứ không phải của riêng. Mặt khác, với các nhà mặt phố, mình cho phép người ta kinh doanh, cho phép người ta bán hàng thì việc người ta sử dụng vỉa hè để dựng xe máy là điều không thể tránh khỏi, bởi họ chẳng còn giải pháp nào khác. Do đó, cần phải xem xét, phân loại tuyến phố và có các quy định cụ thể khi cấp phép đăng ký kinh doanh. Việc lắp đặt camera để xử lý phạt nguội chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Việc xử lý vi phạm ngay nếu không cân nhắc cẩn thận cũng có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực mà không đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Điều quan trọng nhất, đó là phải tạo ra không gian thích hợp để nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân thì mới có thể giải quyết triệt để. Phải tạo ra hạ tầng, cơ sở vật chất thì vỉa hè mới được trả lại bản chất của nó. Cần có một không gian riêng cho những người bán hàng rong về một khu vực để tránh tình trạng lấn chiếm tràn lan. Tiếp đến, trong các con phố cần phải có những bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh để phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư chứ nếu không họ cũng chẳng biết để xe vào đâu. Nếu không tạo được cơ sở vật chất, thì sớm muộn tình trạng phạt thì cứ phạt mà vi phạm thì vẫn cứ phải vi phạm. Hơn nữa, việc thu, phạt sẽ tiến hành như thế nào, có khôi phục được tất cả hình ảnh để xử lý không, lượng người vi phạm quá lớn như hiện nay thì xử lý sao cho xuể, cho dứt điểm cũng là những băn khoăn rất lớn từ dư luận” - TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Trả lời PV Báo Lao Động, ThS, LS Đặng Văn Cường - (Trưởng VP Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu áp dụng việc xử lý phạt nguội với những vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kể cả những trường hợp vi phạm đối với việc lấn chiếm vỉa hè là có các căn cứ về pháp lý. Tuy nhiên, để xử phạt một hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ Bằng việc sử dụng camera là điều không hề đơn giản. Phải trang bị đồng bộ trên nhiều tuyến phố, phải bố trí người quan sát camera, phải xác định người có hình ảnh trong camera là ai, khi ra quyết định xử phạt cần phải thông báo cho họ, phải xác định được khả năng thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với họ. |
CSGT Hà Nội phạt nguội 63 xe biển xanh, 28 ôtô biển đỏ Năm 2017, Phòng CSGT Công an Hà Nội xử lý qua hệ thống camera gần 7.000 trường hợp vi phạm. Trong đó, 91 xe biển ... |
Nga tố Mỹ làm lộ thông tin tài chính giới chức ngoại giao Bộ Ngoại giao Nga hôm 18-1 cáo buộc các quan chức Mỹ rò rỉ thông tin tài chính bí mật của các nhà ngoại giao ... |
800 tài xế ôtô bị phạt \'nguội\' trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai Trong số 1.000 tài xế vi phạm bị phát hiện qua camera trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có gần 800 người nộp ... |
Phạt người đi bộ sai: Phải mạnh tay mới sợ! Cơ quan chức năng cam kết vừa dẹp vỉa hè thông thoáng vừa tăng tuyên truyền, xử phạt những trường hợp người đi bộ sai ... |