Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc “khai hỏa” thời chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump không những không gỡ được nút thắt mà còn tiếp diễn với mức độ căng thẳng không kém dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay.

Leo thang và ẩn số chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh 1
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo hình thức trực truyến không có bước đột phá giải quyết mâu thuẫn song phương trong đó có thương mại

Phía sau bản “danh sách đen thương mại”

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn luôn nóng từ năm 2018 đến nay lại nóng thêm khi Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 24-11 đã liệt 12 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen thương mại” vì lý do an ninh quốc gia cũng như những lo ngại về chính sách đối ngoại. Những công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen này bao gồm các công ty máy tính lượng tử, công ty bán dẫn và các doanh nghiệp, theo Bộ Thương mại Mỹ, đã “đóng góp vào các hoạt động hạt nhân không an toàn của Pakistan”.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt kê thêm 16 tổ chức và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan vì đã đóng góp vào các hoạt động hạt nhân hoặc chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan. Trong “danh sách đen” có một số công ty công nghệ của Trung Quốc như Hangzhou Zhongke Microelectronics, Hunan Goke Microelectronics, New H3C Semiconductor Technologies, Xi'an Aerospace Huaxun Technology, Yunchip Microelectronics…

Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc, các công ty Trung Quốc, nhất là các công ty công nghệ, đã hỗ trợ nỗ lực phát triển các ứng dụng máy tính lượng tử cho quân đội Trung Quốc, đồng thời tìm mọi cách mua “các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ để hỗ trợ các ứng dụng quân sự”. Những công ty trong “danh sách đen” cũng hỗ trợ cho “các ứng dụng chống tàu ngầm và tàng hình chống tàu ngầm, cũng như khả năng phá mã hóa hoặc mã hóa” của quân đội Trung Quốc.

Những công ty và cá nhân bị đưa vào “danh sách đen thương mại” do đã “tham gia vào hoạt động gây bất lợi cho Mỹ hoặc phi đạo đức” sẽ bị Bộ Thương mại Mỹ áp dụng các hạn chế thương mại. Các doanh nghiệp Mỹ cũng được cho có liên quan tới Mỹ nếu cung cấp hàng hóa cho các công ty Trung Quốc trong “danh sách đen” cần xin giấy phép trước khi bán.

Nói về việc đưa các công ty Trung Quốc vào bản “danh sách đen”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, thương mại toàn cầu nên hỗ trợ hòa bình, thịnh vượng và việc làm được trả lương cao, chứ không phải các rủi ro an ninh quốc gia nên Washington cam kết sử dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Bà Gina Raimondo cũng cam kết, ngăn chặn việc công nghệ của Mỹ bị sử dụng để hỗ trợ sự phát triển quân sự Trung Quốc và Nga, cũng như các hoạt động không phổ biến vũ khí hạt nhân hay chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan.

Trước đó, hồi tháng 5-2020, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung 33 công ty của Trung Quốc, trong đó có nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện…, vào “danh sách đen” bị Washington trừng phạt kinh tế với các lý do liên quan tới vấn đề nhân quyền. Những đối tượng bị đưa vào “danh sách đen” này sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.

Washington lâu nay vẫn lên tiếng cáo buộc, các công ty Trung Quốc, nhất là các công ty công nghệ hay thương mại song thực chất là công ty do quân đội Trung Quốc lập ra, có tìm mọi cách thu thập “thông tin nhạy cảm” cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố, không tham gia vào hoạt động tình báo kinh tế, công nghệ.

Tương tự những lần trước, ngay sau khi Mỹ liệt thêm 12 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen thương mại” ngày 24-11, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ đã lập tức tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối các hành động của Chính phủ Mỹ” nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Lưu Bằng Vũ cho rằng, Mỹ nên “ngừng lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp Trung Quốc”.

“Ngòi nổ” chiến tranh thương mại chực chờ

Cuộc chiến thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang diễn ra trên nhiều “mặt trận”, từ các việc cạnh tranh ảnh hưởng, lợi ích chiến lược toàn cầu tới các vấn đề kinh tế-thương mại, an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống… Trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Washington từ lâu đã dùng thương mại như một thứ “vũ khí” để quyết đấu không khoan nhượng với Bắc Kinh.

Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được đẩy lên cấp độ mới vào năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump khi cả hai bên cùng thi nhau tung ra các đòn áp thuế nhập khẩu cao lên hàng hóa của nhau. Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng hai quốc gia này mà còn gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu.

Nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1-2020 đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó kêu gọi những cách cải mang tính cấu trúc với nền kinh tế Trung Quốc và hoạt động thương mại của nước này trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối. Đồng thời, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ năm 2020 đến 2021 so với mức năm 2017, coi đó như là giải pháp kéo giảm mức nhập siêu quá lớn hàng hóa Trung Quốc của Mỹ.

Thỏa thuận nêu rõ, nếu Trung Quốc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận, Mỹ có thể hủy mức thuế 7,5% mà họ áp dụng đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD, đồng thời giảm mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 31-12 năm nay, song những gì mà Trung Quốc thực hiện cho tới nay là thấp quá xa so với con số mà quốc gia này cam kết. Theo thống kế, tới nay phía Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 60% lượng hàng hóa đã cam kết theo thỏa thuận.

Vì thế, trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ cam kết theo thỏa thuận, phía Mỹ sẽ áp thuế, tăng thuế rất cao đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Khi đó, cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể lại bùng phát nếu không được “tháo ngòi nổ” kịp thời.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 15-11 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã không đạt được bước tiến đột phá nào đối với các vấn đề mâu thuẫn lớn, trong đó có vấn đề thương mại. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể hạ nhiệt sau hội nghị thượng đỉnh, việc hai bên có tháo được “ngòi nổ” thương mại hay không còn là một ẩn số vào lúc này, nhất là khi Tổng thống Joe Biden đang chịu nhiều áp lực trong nước khi có mức tín nhiệm khá thấp, trong đó có việc ứng phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc.

HOÀNG HÀ

Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Thiết lập một số nhận thức chung Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Thiết lập một số nhận thức chung
Mỹ - Trung chạy đua mở rộng kho vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ ra sao? Mỹ - Trung chạy đua mở rộng kho vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ ra sao?
Tướng Mỹ: Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ thử tên lửa siêu thanh Tướng Mỹ: Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ thử tên lửa siêu thanh
Chiến tranh thương mại Chiến tranh thương mại

/ anninhthudo.vn