Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn là công trình dầu khí phức hợp được đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Hồ Văn Lợi, LHLHD Nghi Sơn đã làm “thay da đổi thịt” cả một vùng quê nghèo xứ Thanh.
Dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ vận hành Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn
LHLHD Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước với gần 9,3 tỉ USD. Dự án khi đi vào vận hành sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam, đồng thời thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ nói chung.
Dự án là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ quốc tế, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Theo thỏa thuận đầu tư, phía Kuwait sẽ cung cấp toàn bộ dầu thô phục vụ dự án trong vòng 70 năm. Công suất giai đoạn I dự kiến khoảng 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ đáp ứng tới 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, đồng thời tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ.
LHLHD Nghi Sơn khởi động giải phóng mặt bằng từ đầu tháng 5-2008, dự kiến chính thức khởi công năm 2010. Tuy nhiên, do một số vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng EPC nên tiến độ dự án bị kéo dài. Sau nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, 3 năm sau dự kiến ban đầu, các bên tham gia đầu tư dự án mới thống nhất được các điều khoản trong hợp đồng.
Đến ngày 27-7-2013, dự án chính thức chuyển từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư sang giai đoạn xây dựng khi UBND tỉnh Thanh Hóa bàn giao mặt bằng, trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trao giấy phép xây dựng. Sau nhiều nỗ lực giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi và bàn giao hơn 500ha đất cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó có 394ha mặt bằng đã hoàn thành san lấp.
Sau đó, ngày 23-10-2013 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác liên doanh đã tổ chức khởi công LHLHD Nghi Sơn. Ngay chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận. Tại diễn đàn, tỉnh Thanh Hóa đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận với tổng vốn đăng ký trên 4,7 tỉ USD.
Sau lễ khởi công, các bên liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng LHLHD Nghi Sơn. Đến ngày 30-4-2017, sau hơn 3 năm nỗ lực triển khai, NSRP gồm các nhà đầu tư, tư vấn quốc tế, tổng thầu dự án đã chấp thuận và phê duyệt giấy chứng nhận hoàn thành cơ khí tổng thể của dự án.
Sau gần 4 năm thi công xây dựng và hoàn thiện với sự nỗ lực tối đa, làm việc không quản ngày đêm của đội ngũ hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ khí và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng chạy thử và vận hành thương mại. Đặc biệt, sáng 28-2-2018, NSRP đã tổ chức lễ ký kết sự kiện sẵn sàng khởi động nhà máy.
Các sự kiện đó tạo tiền đề để LHLHD Nghi Sơn chính thức đón dòng sản phẩm thương mại đầu tiên.
Đồng thuận từ chính quyền đến người dân
Với tầm chiến lược quan trọng của KKT Nghi Sơn và hạt nhân là LHLHD Nghi Sơn, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào nơi đây. Đáng kể như sự đầu tư về giao thông, sau khi đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân vào khai thác dân dụng, Thanh Hóa đã trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống giao thông toàn diện, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Cùng với đó là sự đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân, dài khoảng 60km. Như vậy, chỉ riêng khu vực KKT Nghi Sơn, hệ thống giao thông kết nối đã hoàn thiện, tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư.
Bấm nút chính thức vận hành Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Dự án LHLHD Nghi Sơn nói riêng, sẽ được hưởng các ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp... Mọi khó khăn, vướng mắc sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giải quyết. Đơn cử như những kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong công tác GPMB, UBND tỉnh luôn tăng cường thêm cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp GPMB tại huyện Tĩnh Gia.
Tại lễ ký kết sự kiện sẵn sàng khởi động Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Turki Alajmi, Tổng giám đốc LHLHD Nghi Sơn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì ngày hôm nay đã đạt được dấu mốc hết sức quan trọng của dự án. Dự án có tầm quan trọng chiến lược để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng của Việt Nam đối với các sản phẩm lọc hóa dầu”.
Nhận thức được khó khăn là điều không tránh khỏi, những khó khăn, vướng mắc ở LHLHD Nghi Sơn đã được các cấp chính quyền, các bên liên doanh và người dân địa phương nỗ lực giải quyết. Điều khó nhất đối với tỉnh Thanh Hóa cũng như người dân Nghi Sơn là GPMB. Sau nhiều nỗ lực của tất cả các bên, việc di dời, đền bù cho người dân đã đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao.
Trong cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Hải Yến - xã phải di dời toàn bộ nhường đất cho dự án, chúng tôi được biết thêm về cách làm khá thú vị của địa phương trong công tác GPMB. Trước tiên, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo, từ đó tạo phản ứng dây chuyền tích cực. Những người đi đầu di dời đến khu tái định cư chính là những cán bộ xã, cán bộ thôn của địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến 50 con người làm việc tại Ban GPMB huyện Tĩnh Gia, những người trực tiếp tiếp xúc, tuyên truyền, vận động người dân trong công tác GPMB.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Trung Yến, xã Hải Yến - người dân rất đồng thuận với các chính sách của Nhà nước. Trong triển khai GPMB, nhiều hộ dân khi chưa nhận được tiền đền bù nhưng đã tình nguyện đi nhận đất tái định cư và vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà cửa kịp giao lại mặt bằng cho dự án. Tình trạng kéo dài việc di dời trước đây là do quyền lợi của người dân chưa được đáp ứng, thực tế, người dân thôn Trung Yến nói chung và xã Hải Yến nói riêng chưa bao giờ không đồng thuận với chính sách của Nhà nước.
Được biết, để đạt được thỏa thuận di dời hàng nghìn hộ dân, cán bộ xã Hải Yến đã phải đi vận động từng hộ. Việc cán bộ xã đến nhà dân chia sẻ công việc thông tầm hay đến nửa đêm là chuyện bình thường. Đặc biệt, có những hộ dân ủng hộ dự án tới mức tình nguyện di dời những nấm mộ còn chưa xanh cỏ để dành đất cho dự án... Chúng tôi nhớ mãi câu nói của anh Tuấn: “Sẽ không làm được gì nếu không có sự đồng thuận của người dân”.
LHLHD Nghi Sơn đã xuất thành phẩm ra thị trường trong niềm vui và sự đồng thuận từ chính quyền tới người dân Nghi Sơn. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang vươn cao sức sống. Những người nông dân Nghi Sơn ngày nào còn chân lấm tay bùn giờ đây đã trở thành công nhân nhà máy với mức thu nhập cao. Một sức sống mới, sự đổi thay về căn bản đang hiện hữu tại Nghi Sơn.
Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Dự án LHLHD Nghi Sơn nói riêng, sẽ được hưởng các ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp...
PTSC Thanh Hóa vận hành hiệu quả Phân xưởng RFCC Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn - một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển ... |
Hiệu suất hoạt động của nhà máy Nghi Sơn tăng, củng cố triển vọng của PVT Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, năm 2019 tăng trưởng EPS cốt lõi của Tổng công ty CP Vận tải Dầu ... |
Hơn 18.000 tấn xi măng nghi giả nhãn mác bị chặn ở cảng Nghi Sơn Lô xi măng không đồng nhất giữa vỏ bao với chất lượng bên trong bị phát hiện khi chuẩn bị đưa sang Philippines. |
PVNDB phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD năm 2019 Ngày 7/1, Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) đã tổ chức thành công ... |