Liên tục vạ miệng, liên tục vấp phải những scandal không đáng có sau khi đăng quang, những hoa hậu, người đẹp bước ra từ những cuộc thi nhan sắc đang khiến khán giả ngán ngẩm. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng nhan sắc đang không đi kèm với trí tuệ hay vì sự yếu kém của ban tổ chức, ban giám khảo khi không chọn đúng người đúng chuẩn, hay vì Việt Nam đang “bội thực” các cuộc thi nhan sắc?
- Chủ tịch Hội Nhà văn: Việt Nam đang 'lạm phát' các cuộc thi Hoa hậu
- Loạt phát ngôn 'vạ miệng' của Hoa hậu Ý Nhi sau 1 tuần đăng quang
Gặp họa vì phát ngôn “vạ miệng”
Quả thật chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều cuộc thi sắc đẹp như bây giờ. Theo thống kê của giới truyền thông, năm 2022, có hơn 20 cuộc thi hoa hậu quy mô lớn đã được cấp phép tổ chức, chưa kể đến các cuộc thi hoa hậu doanh nhân, hoa hậu nhí, hoa khôi hoặc các cuộc thi sắc đẹp quy mô cấp tỉnh. Hiện mỗi tỉnh, thành đều có quyền cấp phép tổ chức cuộc thi hoa hậu, phù hợp với yêu cầu và tiêu chí tìm kiếm của địa phương, càng mở rộng cửa hơn cho các người đẹp mang tham vọng tìm danh hiệu.
Năm 2023, số lượng các cuộc thi tiếp tục tăng thêm với hàng loạt cái tên lạ lẫm được công bố. Chưa kể nhiều cuộc thi sắc đẹp còn tổ chức “chui”. Chính vì có quá nhiều cuộc thi mà giờ đây khán giả dần thờ ơ, ngán ngẩm mỗi khi báo chí, truyền thông “rộ” lên thông tin về thí sinh này, cuộc thi kia. Và sau mỗi cuộc thi, hầu như khán giả không nhớ nổi tên những hoa hậu vừa đăng quang vì có quá nhiều cuộc thi nhan sắc được tổ chức. Thế nhưng khi xảy ra scandal thì các người đẹp lại bị chỉ trích, phê phán nhiều nhất, ảnh hưởng lớn tới danh tiếng, sự nghiệp của họ sau này nếu như không có sự tự thay đổi, hoàn thiện bản thân.
Mới đây trường hợp tân Hoa hậu Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đến từ Bình Định. Chỉ đăng quang khoảng hai tuần Ý Nhi đã có group anti chính hơn nửa triệu thành viên cùng hàng loạt yêu cầu tước vương miện. Những phát ngôn vạ miệng của “nàng hậu” vô tình còn trở thành trend để dân mạng chế diễu trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Cụ thể, trong buổi trò chuyện với truyền thông sau khi đăng quang, khi nhắc đến bạn trai, “nàng hậu” nói: "Bạn trai phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi". Đa số khán giả cho rằng cô đang quá đề cao bản thân, đòi hỏi người yêu phải thay đổi vì mình. Chưa kể trước đó, người đẹp còn gây sốc khi nói về bạn bè đồng trang lứa: "Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, chơi, uống trà sữa, đi cà phê cùng mọi người thì tôi đã tham gia cuộc thi hoa hậu, trưởng thành hơn. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình".
Trước áp lực dư luận, chiều 29/7, Hoa hậu Ý Nhi cùng "Bà trùm hoa hậu" Phạm Kim Dung, CEO Công ty Sen Vàng, đơn vị tổ chức Miss World Vietnam 2023 đã phải livestream giải thích. “Nàng hậu” bật khóc nức nở, thừa nhận "suy nghĩ thiếu chín chắn, chưa có nhiều kinh nghiệm để diễn tả suy nghĩ, lời nói của mình chính xác nhất” đồng thời gửi lời xin lỗi đến khán giả. Nhưng chỉ sau đó ít hôm, trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền đoạn clip Hoa hậu Ý Nhi trả lời phỏng vấn gây tranh cãi. Cụ thể, khi được yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, người đẹp hồn nhiên nói: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung". Chưa kể sau đó, dân mạng khui ra một loạt những màn cà khịa bá đạo của nàng hậu với nhiều người nổi tiếng khác cũng như những ứng xử kém văn minh, tự mãn của Ý Nhi.
Tiếp sau Ý Nhi, Á hậu 1 Miss World Vietnam 2023 - Đào Thị Hiền cũng nối gót khi phát ngôn gây tranh cãi. Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi tên 5 nhân vật nổi tiếng ở Nghệ An, người đẹp liệt kê tên mình, ca sĩ Hương Tràm và một số nhân vật lịch sử. Câu trả lời khiến cộng đồng mạng bức xúc khi cô đặt tên mình lên trên các anh hùng dân tộc.
Trước Ý Nhi, Đào Hiền, giới hoa hậu, á hậu Việt Nam cũng từng có một số người đẹp vướng lùm xùm về phát ngôn. Điển hình như trường hợp của Lê Âu Ngân Anh. Thời điểm sau khi đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017, người đẹp bị dân mạng chê nhan sắc không xứng làm hoa hậu.
Ngay sau đó, Ngân Anh đã có những chia sẻ gây tranh cãi như: "Tôi tự tin về chiều cao tốt, hình thể đẹp, gương mặt xinh", "Tôi nghĩ sau khi độn mũi rồi tháo ra thì vẫn là mũi tự nhiên", "Tôi đã sửa mũi nhưng môi là tự nhiên"… Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Đoàn Thiên Ân cũng vướng nhiều thị phi sau khi đăng quang. Trong đó, chia sẻ của cô về việc giảm cân gây tranh cãi trên mạng xã hội vì không đồng nhất. Tháng 10/2022, khi tham gia đấu trường quốc tế Miss Grand International, được hỏi về cảm xúc khi bị loại, Thiên Ân đã đưa ra phát ngôn: "Tôi không nghĩ mình sẽ rớt khỏi top 10".
Dân mạng cho rằng hoa hậu sinh năm 2000 quá tự tin về bản thân và không nên đưa ra nhận định này bởi các thí sinh trong top 10 Miss Grand International 2022 đều có kỹ năng, nhan sắc nổi bật.
Trường hợp của Tiểu Vy, sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2018 và bị "soi" bảng điểm tốt nghiệp dưới trung bình, người đẹp gây tranh cãi vì phát ngôn: "Học là con đường dẫn tới thành công nhưng bên cạnh đó mình cần trau dồi các kỹ năng sống khác nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ học không hẳn là con đường duy nhất quyết định thành công của một người".
Dân mạng cho rằng Tiểu Vy đang nhầm lẫn giữa khái niệm "học" và "đại học". Khán giả cũng không đồng tình với người đẹp vì cho rằng ở cương vị hoa hậu, ngoài vẻ đẹp ngoại hình thì học thức, cách ứng xử cũng rất quan trọng.
Bội thực hoa hậu, sắc đẹp không đi kèm trí tuệ?
Tuy nhiên bên cạnh nhiều ý kiến phản đối, chê bai, không ít khán giả lên tiếng bênh vực các “nàng hậu” mới ở vào cái tuổi mười tám, đôi mươi, chưa trải sự đời, chưa va vấp, thiếu kỹ năng sống, chưa có kinh nghiệm ứng biến trước truyền thông thì việc “vạ miệng” là khó tránh. Trách các em một thì phải lên án ban tổ chức, ban giám khảo mười.
Nghị định 144 tạo cơ hội cho các cuộc thi sắc đẹp lên ngôi. Bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào muốn tổ chức thi hoa hậu, không cần lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin giấy phép mà chỉ cần qua Sở Văn hóa địa phương trong khi theo quan điểm của không ít địa phương, thi hoa hậu góp phần kích cầu du lịch. “Lạm phát hoa hậu”, “ra ngõ đụng hoa hậu”, “loạn hoa hậu”… là những cụm từ xuất hiện khá phổ biến trên báo chí và mạng xã hội những năm gần đây gắn liền với con số thống kê những cuộc thi sắc đẹp.
Mỗi năm có gần 30 cuộc thi, trung bình 1 tháng ít nhất 2 cuộc. Sự gia tăng về số lượng đang tỷ lệ nghịch với chất lượng. Cách đây nhiều thập kỷ, 1 năm chỉ có 2 - 3 cuộc thi hoa hậu nên khi ấy cả xã hội kỳ vọng, gắn vào chiếc vương miện đủ thứ, rằng đã là đại diện sắc đẹp của Việt Nam thì phải hội tụ đầy đủ cả nhan sắc và tài năng, phải là người truyền cảm hứng, tạo nên giá trị cho cộng đồng. Thế nhưng với đà “lạm phát” hoa hậu như hiện nay, các cuộc thi không còn đơn thuần là tìm kiếm sắc đẹp để tham dự đấu trường quốc tế, mà trong mắt khán giả nó giống như một “nghề” để các người đẹp tìm kiếm cơ hội để đổi đời. Không ít người đẹp từng thẳng thắn thừa nhận đến với các cuộc thi nhan sắc là mong muốn được thay đổi cuộc sống. Thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy, cứ có danh là có tiền. Càng nổi tiếng, cơ hội kiếm tiền càng nhiều, đồng nghĩa với việc có cơ hội gặp được những người đàn ông có sự nghiệp, giàu có.
Chẳng thế mà sau khi nhiều đường dây bán dâm cao cấp bị phanh phui, khán giả không hề ngạc nhiên khi có nhiều người đẹp có tên tuổi trong showbiz bước ra từ nhiều cuộc thi sắc đẹp cũng là “gái bán hoa”. Như trường hợp T.H. và T.T trong đường dây bán dâm ngàn đô của tú ông Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê Hải Phòng), từng bị Cục Cảnh sát Hình sự triệt phá vào năm 2022. Lê Hoàng Long là quản lý của một số nghệ sĩ Việt Nam và là quản lý, đại diện cho một vài nghệ sĩ Hàn Quốc khi những người này hoạt động tại Việt Nam. Khi có khách muốn mua dâm, Long giới thiệu các người đẹp cho khách với giá lên tới 360 triệu đồng/1 lượt.
Hay như trường hợp Á hậu Thư Dung - Á hậu 3 Miss Eco International 2018 cũng từng vấp nhiều thị phi, với cuộc sống đời tư khá phóng túng như khả năng tiếng Anh kém, đấu tố Hoa hậu Kỳ Duyên, bị nhà thiết kế tố mặc váy không trả tiền, chụp bộ ảnh Tuyệt Tình cốc phản cảm. Thông tin đường dây bán dâm có các Á hậu, người mẫu, MC nổi tiếng bị phanh phui vào đầu tháng 9/2018, trong đó có Á hậu Thư Dung đi khách với giá 7.000 USD/lượt vẫn còn khiến công chúng dè bỉu.
Trước những lùm xùm, Thư Dung đã bị tước danh hiệu Á quân 1 cuộc thi Người mẫu thời trang Việt Nam 2018. Đồng thời cô cũng bị Ban Tổ chức cuộc thi Người mẫu thời trang Việt Nam 2018 ra quyết định thu hồi danh hiệu Á khôi 1.
Năm 2017, Hoa khôi cuộc thi Hoa khôi thời trang 2017 Phạm Thị Thanh Hiền và Á khôi cuộc thi Hoa khôi Sắc đẹp Việt Nam 2017 Nguyễn Thị Ngọc bị bắt quả tang khi đang có hành vi mua bán dâm tại những khách sạn tên tuổi ở TP.Hồ Chí Minh. Đây được xem là đường dây mua bán dâm giá "khủng" nhất bị phát hiện ở thời điểm đó.
Nếu với các người đẹp, các cuộc thi nhan sắc là cơ hội để có một “bước tiến vượt bậc” trong sự nghiệp thì với các đơn vị tổ chức, các cuộc thi là cơ hội để họ tìm kiếm nhà tài trợ, quảng cáo, đánh bóng thương hiệu, tên tuổi, còn việc chọn ai xứng đáng thì dường như họ chẳng mấy quan tâm. Chẳng thế mà sau những lùm xùm từ cuộc thi Miss World Vietnam 2023, Công ty Sen Vàng - đơn vị tổ chức cuộc thi lại đang chuẩn bị họp báo ra mắt cuộc thi khác.
Theo tiến sĩ tâm lý học Bùi Thị Phương Thảo, giảng viên trường Đại học Thủy lợi, việc Hoa hậu Ý Nhi hay Á hậu Đào Hiền “vạ miệng” khi trả lời truyền thông, công chúng như vừa rồi nếu xét về mặt tâm lý cũng là biểu hiện có thể dễ thấy trong tâm lý của thế hệ GenZ hiện nay. Thế hệ GenZ muốn thể hiện mình, nói thẳng nói thật, thích là nói, nói xong mới suy nghĩ, sống nhiều cho bản thân hơn là cho người khác, đặt cái “tôi” lên trên, đó là một nét cá tính của GenZ. Câu hỏi đặt ra là điều này xuất phát từ đâu và làm thế nào để hỗ trợ người trẻ tốt hơn. Thực tế việc dám nói dám thể hiện trước đám đông là điều không phải ai cũng làm được, nhưng ở cương vị một hoa hậu là đại diện cho vẻ đẹp về hình thể và tâm hồn của người phụ nữ nói chung rất cần cẩn trọng trong lời nói. Ở độ tuổi mười tám, đôi mươi là cũng đã ở độ tuổi trưởng thành về tâm sinh lý, suy nghĩ cũng đã đủ chín chắn, thì không thể nói là quá trẻ nữa. Tuy nhiên cũng phải nói khách quan là hiện nay có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, việc lựa chọn một người vừa đẹp vừa giỏi, vừa nói hay, kiến thức sâu rộng là việc làm không dễ, đòi hỏi ban giám khảo cũng phải có tâm, có tầm. Có thể nói để có một người đẹp toàn diện phải có thời gian vun đắp, đào tạo trong một thời gian dài và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. “Hiện nay nhiều người đẹp thiếu hụt cả văn hóa, kỹ năng sống cũng là câu hỏi cho tất cả chúng ta, “bức xúc không làm chúng ta vô can”, việc ném đá trên mạng xã hội như thời Trung cổ cũng là một vấn đề cần xem xét và loại bỏ”, TS Bùi Thị Phương Thảo cho biết.
Thi hoa hậu hay người đẹp hiện nay suy cho cùng chỉ là những cuộc thi nhan sắc đơn thuần với tiêu chuẩn về gương mặt, số đo 3 vòng, mang tính giải trí nhiều hơn. Nhưng đã đến lúc phải nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp và có những quy chế riêng nhằm để danh xưng thực sự mang giá trị và ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng.