“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" được cho là câu nói đầu tiên của Đức Phật Thích Ca khi ngài chào đời, vậy Phật ngôn trên có ý nghĩa gì?

Theo kinh sách, cách đây hơn 2.600 năm, Hoàng hậu Ma Da, vợ của vua Tịnh Phạn thuộc hoàng tộc Thích Ca hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa (người sau này giác ngộ thành Phật mà chúng ta biết với cái tên Phật Thích Ca Mâu Ni) tại vườn Lâm Tỳ Ni, trên đường bà về quê ngoại sinh nở. 

Theo ghi chép trong bộ kinh Trường A Hàm và kinh Đại Bản, khi vừa mới hạ sinh, Đức Phật bước đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở ra một đóa hoa sen, đến bước thứ bảy thì dừng lại. Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và dõng dạc tuyên bố rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới trời, chỉ có ta tôn quý nhất". 

Theo lý giải trong bài viết của Trưởng lão Thượng tọa Thích Thiện Hạnh (1931-2021), câu nói trên cho chúng ta hiểu rằng: Trên trời, dưới trời này, đời sống của con người có giá trị tự mình định đoạt. Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu giá trị của chính mình chứ đừng tìm hiểu giá trị nào nằm ngoài con người mình. Khi đã tìm thấy giá trị, trí huệ ở chính mình rồi thì hãy đem giá trị ấy để ứng dụng vào cuộc sống hiện hữu.

Ngay khi sinh ra, Đức Phật đã bước đi 7 bước và nói:

Ngay khi sinh ra, Đức Phật đã bước đi 7 bước và nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".

Chúng ta cũng có thể hiểu câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” ở một ý nghĩa khác, đó là sự thức tỉnh, tự giác tự ngộ về giá trị làm người. "Hiểu được câu nói trên thì chúng ta không còn tự hạ thấp giá trị của chính mình trong cuộc sống. Cuộc sống đó do chính chúng ta định đoạt, chớ không do thần linh hay Phạm Thiên có thể định đoạt và áp đặt cho con người được. Đây cũng chính là sự suy tư trước khi đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề", Thượng tọa Thích Thiện Hạnh viết.

Theo ông, Đức Phật là một chúng sinh đã giác ngộ, chứng nhập chân lý, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề mà chưa một ai trước đó đạt tới, trong ba cõi chỉ có ngài đạt được cảnh giới đó, vậy thì ngài ở vị trí độc tôn cũng không có gì lạ.

 

"Duy ngã độc tôn” còn có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau: Duy ngã là có sự giác ngộ hoàn toàn do chính mình biết cách buông xả, bởi giác ngộ là thành Phật; duy ngã nghĩa là chỉ có Phật tính trong mỗi con người là tôn quý nhất, mỗi chúng sinh đều có Phật tính; duy ngã là pháp thân thường trụ không biến đổi, chỉ vì bất giác chạy theo vọng niệm mà trầm luân trong sinh tử...

Tuyên ngôn đầu tiên của Đức Phật là hãy trở về chính mình, vì tất cả chân lý đều có mặt ở đó.

Phật là bậc đáng tôn quý nhất trên đời. (Ảnh minh họa)

 Phật là bậc đáng tôn quý nhất trên đời. (Ảnh minh họa)

Trrong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã từ thời nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được”.

Ngài cũng nói rõ rằng: “Ngã đây chính là Như Lai, là chân tâm, Phật tính, là thân kim cang bất hoại, chứ không phải là ngã của Thái tử Tất Đạt Đa”.

Giải thích thêm về câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn", Thượng tọa Thích Thiện Hạnh viết: "Đức Phật chỉ muốn nói đến chân ngã, tức là cái ngã bất sinh, bất diệt, cái ngã tự chủ, tự giác tự ngộ, không còn có sự kềm kẹp của thần linh, Phạm thiên.

Chính ta định đoạt cho đời sống chúng ta, không ai có thể cho chúng ta giàu hay nghèo được mà chỉ có chúng ta mới định đoạt cho đời sống chúng ta mà thôi. Trong nhà Phật, việc tu hành đắc đạo, ngự phục tham sân si, tiến đến Niết bàn, nếu không tu mà sa đọa vào địa ngục cũng do chúng ta, chứ không phải đức Phật định đoạt cho chúng ta. Đó là tính chất đặc biệt của giáo lý đạo Phật từ suốt mấy ngàn năm qua đến nay và vẫn còn phù hợp với loài người đến mãi mãi không cùng".

https://vtcnews.vn/loi-phat-noi-khi-dan-sinh-thien-thuong-thien-ha-duy-nga-doc-ton-co-y-nghia-gi-ar872141.html

Bằng Lăng / VTC News