Bão Yagi cuốn phăng loạt lồng cá khiến nông dân Bắc Ninh thiệt hại nặng nề, người mất vài trăm triệu, người mất tới cả chục tỷ đồng, đẩy họ vào cảnh nợ nần.

Từng là nơi tấp nập với trên 100 hộ nuôi cá lồng bè trên vùng sông Thái Bình chảy qua huyện Lương Tài (Bắc Ninh), thế nhưng sau cơn bão số 3 (Yagi), tất cả những gì còn lại chỉ là ngổn ngang những lồng bè rách nát, những con cá chết còn sót lại.

Hàng trăm tấn cá lồng bị lũ cuốn trôi hoặc chết ngạt khiến người nuôi cá ở Bắc Ninh như ngồi trên đống lửa.

Trắng tay sau bão

Hơn 2 tuần sau khi bão Yagi đi qua, chị Trần Thị Mến (ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) vẫn đang vớt những con cá chết chuyển cho bà con trong làng làm phân trồng cây với hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đấy. Những ngày sau bão, nước sông vẫn chảy xiết, bùn đất, rác thải từ thượng nguồn đổ về làm lượng lớn cá trong lồng chết ngạt.

Các lồng cá trên vùng sông Thái Bình bị rách lưới, gãy cầu do bão số 3.

Các lồng cá trên vùng sông Thái Bình bị rách lưới, gãy cầu do bão số 3.

Chị Mến cho biết, hiện tượng cá lồng nuôi trên sông bị chết, bị thất thoát do rách lưới năm nào cũng xảy ra nhưng đây là lần đầu tiên gia đình chị bị thiệt hại nhiều như thế.

"Bão số 3 đã cuốn trôi, phá hỏng hơn 70% số lồng nuôi cá chép, cá trắm giòn đang vào độ thu hoạch. Ngày nào cũng phải vớt cá chết, xót lắm nhưng không còn cách nào. Gia đình nào cũng đầu tư vào đây số tiền lớn mà bây giờ cá thì trôi đi hết, số còn lại cũng chẳng biết sống chết ra sao", chị Mến nói.

Gia đình chị Mến bắt đầu nuôi cá từ năm 2015 với 4 lồng cá nhỏ. Sau mỗi vụ thu hoạch, lãi được đồng nào vợ chồng chị lại dồn hết vào đầu tư nuôi cá. Năm nay, số lồng nuôi cá của gia đình tăng lên 24.

Để nuôi được 24 lồng cá, vợ chồng chị phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng, gia đình chỉ có 2 tỷ, còn lại là tiền vay anh em và ngân hàng.

"Giờ thì nợ ngập đầu rồi, chẳng biết bấu víu vào đâu nữa bởi sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng, anh em họ hàng thì tôi cũng mượn hết rồi", chị Mến buồn bã nói.

Hàng tấn cá chép giòn sắp đến ngày thu hoạch của gia đình anh Dũng trôi theo cơn bão số 3, số còn lại cũng bị chết đáng kể.

Hàng tấn cá chép giòn sắp đến ngày thu hoạch của gia đình anh Dũng trôi theo cơn bão số 3, số còn lại cũng bị chết đáng kể.

Trong số hơn 20 lồng cá của gia đình anh Nguyễn Đức Dũng (xã Trung Kênh) có 10 lồng chép giòn dự kiến đến tháng 11 tới sẽ cho thu hoạch. Anh nhẩm tính vụ cá này cho thu khoảng 5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí và trả ngân hàng, anh thu về 300 triệu đồng tiền lãi.

"Mọi dự tính của tôi đã tan tành sau cơn bão số 3, gia đình tôi mất cả gốc lẫn lãi. Tài sản tích góp cả đời gần như bị mất sạch chỉ sau vài giờ bão quét qua", anh Dũng chua xót nói.

Trước khi bão đến, gia đình anh Dũng đã có sự chuẩn bị, gia cố lồng nuôi. Tuy nhiên, sức tàn phá của cơn bão quá lớn khiến anh Dũng cũng như các hộ nuôi khác không kịp trở tay. Nước lên cao khiến nhiều bè bị trôi, số còn lại bị lũ cuốn rách lưới. 

 

"Mặc dù được cảnh báo trước và có sự chuẩn bị như gia cố lồng bè, các cầu song vẫn không thấm tháp vào đâu. Khi bão vào, sức tàn phá của nó quá khủng khiếp khiến những cơn gió, ngọn sóng ụp xuống như muốn xé nát, nhấn chìm toàn bộ gia sản của gia đình tôi xuống dòng sông", anh Dũng bàng hoàng cho biết.

Sau bão, nguồn nước ô nhiễm khiến cá chết ngạt, nổi trắng lồng.

Sau bão, nguồn nước ô nhiễm khiến cá chết ngạt, nổi trắng lồng.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Dũng, chị Mến, hàng chục tỷ đồng đầu tư nuôi cá lồng của chị Phạm Thị Hiền (ở xã Minh Tân) cũng bị cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm cuốn phăng.

Gia đình chị có 30 lồng cá, dự kiến cuối năm nay cho thu hoạch 5 - 6 tấn/lồng, với giá bán từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 15 - 17 tỷ đồng. 

"Cả cơ nghiệp đều trông vào 30 lồng cá. Tất cả vốn liếng, vốn vay ngân hàng đều nằm dưới sông và trôi hết theo cơn lũ dữ rồi", chị Hiền bất lực nói.

Chung cảnh ngộ, anh Lê Doãn Tuyển (xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành) ngậm ngùi chia sẻ: "Còn gì nữa đâu, chỉ qua một trận bão chúng tôi đã trắng tay, ước tính thiệt hại của 45 lồng cá khoảng trên 14 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào".

Anh Tuyển, anh Dũng, chị Mến, chị Hiền chỉ là 4 hộ trong hàng trăm hộ nông dân ở Bắc Ninh bị thiệt hại do bão lũ vừa qua. Toàn tỉnh có 157 hộ nuôi cá lồng với 2.793 lồng nuôi cá trên sông, tập trung chủ yếu trên sông Đuống, sông Thái Bình. Sau bão lũ, huyện Gia Bình là địa phương có số thiệt hại lớn nhất với 300 lồng, 1.100 tấn cá; huyện Lương Tài với 159 lồng, 86 tấn cá; thị xã Thuận Thành với 68 lồng, 301 tấn cá và thị xã Quế Võ 1 hộ, 5 tấn cá. 

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Vượt qua những khó khăn, mất mát, các hộ nuôi cá đã bắt tay vào thu dọn, vệ sinh lồng bè, tận dụng trang thiết bị, thu gom con giống sót lại để hồi phục. Nhờ vậy, một số lồng bè đã tái hoạt động.

"Vì sinh nghề tử nghiệp, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với nghề nuôi cá lồng để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng điều chúng tôi cần lúc này là ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ và tiếp tục cho vay mới để giúp những người dân chúng tôi sớm khắc phục những thiệt hại sau bão, để gây dựng lại cuộc sống và có cơ hội trả nợ", chị Mến bày tỏ.

"Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 đến 3 năm thôi, chúng tôi có thể có tiền trả nợ ngân hàng. Tôi quyết không buông xuôi, bỏ nghề vì cũng vẫn còn một số lồng bè, cá sót có thể tái sản xuất", anh Dũng chia sẻ.

Người dân thu dọn cá chết để vệ sinh lồng cá cho việc tái sản xuất sau này.

Người dân thu dọn cá chết để vệ sinh lồng cá cho việc tái sản xuất sau này.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay chính sách bồi thường thiệt hại do thiên tai dịch bệnh được quy định trong Nghị định số 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quá thấp so với chi phí đầu tư sản xuất.

"Việc đề xuất nâng mức hỗ trợ và cho áp dụng các chính sách hỗ trợ ngoài chính sách có trong Nghị định số 02 trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra là cần thiết và cấp bách. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có những nghị quyết riêng để hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra", ông Quang nói.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng có hướng hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu, xem xét, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tính chất, mức độ tàn phá của bão số 3 trong thực tiễn, kịp thời giúp Nhân dân khôi phục, ổn định sản xuất.

Theo thống kê, bão số 3 và lũ lụt khiến tỉnh Bắc Ninh bị thiệt hại rất lớn, tổng giá trị thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp khoảng 220 tỷ đồng; về cơ sở hạ tầng khoảng 600 tỷ đồng; về đê điều, thủy lợi khoảng 180 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có 35.414 cây xanh, cây bóng mát bị đổ, gãy; 82.441 con gia cầm bị chết; 7.500m2 chuồng trại bị tốc mái; mất 3.400,21 tấn thủy sản và nhiều công trình, phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, phá hủy hoàn toàn; 9.743,1 ha lúa bị đổ và ngập nước; 971,1 ha rau màu, 939,6 ha cây ăn quả, 11 ha hoa, cây cảnh và 25,98 ha diện tích nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng, tốc mái.