Khi một hiện tượng bất thường lại đang diễn ra bình thường thì khó tránh khỏi những hoài nghi, ngay cả khi đó là lớp chọn, lớp chuyên
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nói rằng, 42/43 học sinh giỏi trong một lớp; tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt 90 – 99% nhưng sinh viên ra trường bị thất nghiệp, doanh nghiệp phải đào tạo lại là do không có định hướng rõ ràng và đúng đắn ngay từ đầu, còn nặng tâm lý học theo bằng cấp, học để làm quan.
Tốt nghiệp cao, học sinh giỏi nhiều, sao vẫn không vui?
PV: Dư luận mới đây xôn xao về một lớp học tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi. Nhiều người cho rằng, kết quả trên là bất thường, không thể tin được. Trước phản ứng của dư luận, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đã lập tức yêu cầu nhà trường phải giải trình về việc này. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng trên? Lẽ thường, học sinh yếu kém yêu cầu giải trình đã đành, nhưng tại sao khi có quá nhiều học sinh giỏi cũng khiến người ta hoài nghi, yêu cầu giải trình? Diễn biến tâm lý trên phản ánh vấn đề gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Tôi có theo dõi vụ việc trên và tôi cũng được biết, sau khi dư luận xôn xao thì lãnh đạo Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như Ban giám hiệu nhà trường đã lên tiếng giải thích đây là lớp chọn của trường, học sinh của lớp này có thành tích học tập rất giỏi, kiểm tra đầu vào có 81,4% học sinh đạt loại xuất sắc trở lên. Nếu thông tin đúng như giải thích của những người có trách nhiệm liên quan đã nói thì lớp có 42/43 học sinh giỏi cũng là bình thường.
Nên nhớ, tỉ lệ học sinh giỏi tại các trường chuyên, lớp chọn ở các tỉnh, thành phố khác cũng rất cao, thường từ 90 – 95% là học sinh giỏi. Đây là do yếu tố đặc thù trong quá trình tuyển chọn đầu vào của lớp đã tạo nên con số đó. Nếu nhìn theo hướng này thì không có gì bất thường và những phán xét của dư luận xã hội đang có phần vội vàng, thiếu công bằng đối với trường THCS Nguyễn Thái Bình.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua yếu tố lớp chọn, lớp chuyên, một lớp học bình thường mà có tỉ lệ học sinh giỏi chiếm tới 98% như vậy rõ ràng là bất thường. Câu hỏi cửa miệng xã hội luôn đặt ra là: kết quả đó có đúng không? Chất lượng học sinh có tương xứng với tỉ lệ trên không?
Đứng từ góc độ tâm lý xã hội có thể hiểu việc dư luận hoài nghi, không tin, lãnh đạo ngành giáo dục vội vàng yêu cầu nhà trường phải giải trình, một phần do việc thông tin không đầy đủ, phần khác cũng còn do những hạn chế, yếu kém, do căn bệnh thành tích của ngành giáo dục đang thể hiện trong thời gian qua.
Trên thực tế có những lớp chọn, lớp chuyên được dựng lên nhằm thu tiền cao hơn, đóng góp nhiều hơn. Để thu hút được học sinh, để lôi kéo được phụ huynh cho con theo học, buộc lòng nhà trường và các thầy cô phải tìm cách lấy lòng phụ huynh và học sinh bằng cách nâng điểm số, biến học sinh thường thành học sinh giỏi. Hiện tượng trên xảy ra phổ biến hơn ở các trường có yếu tố quốc tế, ở các trường này tỉ lệ học sinh giỏi, đạt điểm 10 gần như chiếm tuyệt đối. Khi một hiện tượng bất thường lại đang diễn ra bình thường thì khó tránh khỏi những hoài nghi, ngay cả khi đó là lớp chọn, lớp chuyên, thì những câu hỏi trên vẫn có thể được đặt ra và đang xảy ra với chính Trường THCS Nguyễn Thái Bình.
Dư luận xã hội hoài nghi đã đành, bản thân những người trong ngành cũng lúng túng, thiếu tự tin, dẫn tới những chỉ đạo xử lý quan liêu, lệ thuộc vào dư luận, đây mới là nguyên nhân đẩy vụ việc trượt xa hơn.
PV: Hiện tượng này khiến người ta liên tưởng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm, theo đó tỉ lệ tốt nghiệp luôn đạt rất cao, chiếm tới 90% - 99%, khiến dư luận nghi ngại thi cử chỉ là hình thức để loại ra một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ. Liên tưởng trên có đúng không? Nếu đúng như vậy thì hiện tượng trên đang cho thấy biểu hiện của một nền giáo dục như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Như tôi đã nói, khi một hiện tượng bất thường lại đang diễn ra bình thường thì dư luận bất an, thiếu lòng tin là dễ hiểu. Câu chuyện xảy ra tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không đơn thuần chỉ là điểm số, mà ở đây còn có vấn đề về gian lận, tiêu cực.
Vụ gian lận thi cử xảy ra tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình chỉ như “giọt nước làm tràn ly”. Khi sự nhẫn nhịn của dư luận xã hội đã vượt ngưỡng thì lập tức sẽ bùng cháy dữ dội hơn. Đây là lý do các cơ quan điều tra không thể làm ngơ được nữa và phải điều tra, làm rõ ngọn ngành.
Lẽ thường ở một địa phương miền núi lại có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp với khoảng cách về điểm số quá lớn, số học sinh đạt thủ khoa đầu vào các trường đại học cao hơn hẳn so với các trường trực thuộc thành phố có điều kiện và môi trường học tập tốt hơn là một điều khó tin. Vì thế, khi kết quả thi tuyển được công bố lập tức dư luận xã hội đã lên tiếng phản ứng gay gắt.
Cũng phải nói thêm, sự nghi ngờ, phán xét của dư luận là có cơ sở, tâm lý này xuất phát từ thực trạng tiêu cực, chạy điểm, nâng điểm để lấy thành tích đã tồn tại trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có. Vấn nạn này đã ăn sâu, bám rễ từ lâu ở rất nhiều kỳ thi.
Lớp 42/43 học sinh giỏi: Phủ nhận bệnh thành tích Theo báo cáo giải trình của Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu, kết quả lớp có 42/43 em đạt học sinh giỏi là "hoàn toàn phù ... |
Thủ khoa dởm và một lớp 42/43 học sinh giỏi Không nghe thấy những tiếng vỗ tay nồng nhiệt khi một lớp học tại Vũng Tàu có tới 42/43 học sinh giỏi. Thay vào đó ... |