Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng mưa bão kéo dài, khiến nhiều nơi trên thế giới rơi vào cảnh lụt lội nghiêm trọng. Một lần nữa, chống biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu.

Một khu vực bị ngập ở thành phố Porto Alegre bang Rio Grande do Sul - Brazil

Một khu vực bị ngập ở thành phố Porto Alegre bang Rio Grande do Sul - Brazil

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt

Theo Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, Brazil, mưa bão hoành hành tại bang này từ ngày 29-4 đến nay khiến hơn 260 thành phố của bang chịu thiệt hại, hơn 70 người bị thương và khoảng 25.000 người phải sơ tán, số người thiệt mạng đã tăng lên con số 39 và có thể cao hơn do nhiều trường hợp chưa được thống kê. Tại Porto Alegre, thủ phủ của bang Rio Grande do Sul, sông Guaiba bị vỡ bờ, gây ngập lụt nghiêm trọng và cô lập các khu dân cư ở trung tâm thành phố này. Một số thành phố và thị trấn trong bang cũng bị cô lập hoàn toàn, người dân không tiếp cận được nước sạch, không có dịch vụ điện thoại và Internet. Các trường học trên toàn bang phải tạm thời ngừng hoạt động. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm hàng chục người bị cho là mất tích.

Theo cảnh báo của các nhà khí tượng học, lượng mưa có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới, gây khó khăn cho nỗ lực cứu hộ. Tình hình nguy cấp buộc Thống đốc Eduardo Leite phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau chuyến thị sát các khu vực bị ảnh hưởng, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cam kết các cơ quan liên bang sẽ hỗ trợ chính quyền tiểu bang và các thành phố bị ảnh hưởng vượt qua thời điểm khó khăn.

 

Trong khi đó, tại Mỹ, bang Texas cũng ghi nhận tình trạng lũ lụt gia tăng do ảnh hưởng của bão và mưa lớn kể từ đầu tháng 4. Theo CNN, hàng chục cơn lốc xoáy đã càn quét từ vùng Panhandle đến bờ biển vùng Vịnh. Một số khu vực ở Texas hứng chịu mưa đá nghiêm trọng, trong khi lượng mưa lớn ở phía Đông bang này khiến mực nước sông dâng cao đến mức kỷ lục kể từ trận lụt tàn khốc do bão Harvey năm 2017. Một số cộng đồng dân cư ở phía Bắc hạt Houston ghi nhận lượng mưa tương đương gần 2 tháng, khiến các con đường chìm trong nước và gây tràn bờ nhiều dòng sông. Tình hình nguy cấp buộc nhà chức trách phải tiến hành hoạt động sơ tán và cứu hộ.

Những nguy cơ do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt buộc Thống đốc Greg Abbott tuyên bố tình trạng thảm họa tại 88 hạt ở bang Texas. Người dân ở những khu vực nguy cơ cao được khuyến cáo nắm rõ thông tin thời tiết, tuân thủ hướng dẫn và hạn chế di chuyển trong điều kiện nguy hiểm. Tại hạt Walker, cách Houston khoảng 112km về phía Tây Bắc, chính quyền địa phương đã phải thực hiện ít nhất 42 cuộc giải cứu trong những ngày gần đây.

Tại Indonesia, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) ngày 4-5 thông báo, ít nhất 15 người thiệt mạng trong các trận lũ lụt và lở đất xảy ra tại miền Trung nước này. Theo BNPB, các vụ lở đất xảy ra tại tỉnh Nam Sulawesi khiến hơn 100 ngôi nhà hư hỏng nặng và 42 ngôi nhà bị cuốn trôi, bốn tuyến đường và một cây cầu bị tàn phá; ít nhất 1.300 gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai; may mắn có hơn 110 người được sơ tán đến nơi an toàn.

Còn tại Trung Quốc, Trung tâm khí tượng quốc gia (NMC) đã phải gia hạn cảnh báo màu vàng do mưa bão, trong bối cảnh mưa lớn được dự báo trút xuống nhiều khu vực của nước này. NMC dự báo, mưa bão sẽ ảnh hưởng các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Một số khu vực tại tỉnh Quảng Ðông và Giang Tây sẽ có mưa lớn với lượng mưa từ 100 đến 180 mm.

Lũ lụt cũng hoành hành ở hàng loạt quốc gia Đông Phi như Burundi, Kenya, Somalia, Tanzania và Rwanda khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây ảnh hưởng trên diện rộng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc và các đối tác đang phối hợp chặt chẽ với giới chức các địa phương để hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho những vùng chịu ảnh hưởng.

Cần hành động khẩn trương và quyết liệt hơn

 Hình thái thời tiết El Nino đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có lũ lụt. Trong khi đó, các nhà khí tượng học dự báo rằng có 60% đến 80% khả năng hiện tượng La Nina sẽ diễn ra vào cuối năm nay, mang lại nhiều mưa hơn cho một số vùng và hạn hán cho những vùng khác trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năng lượng dư thừa bị giữ lại trong khí quyển và đại dương do khí nhà kính do con người gây ra mới là yếu tố gây ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ cực cao. Phát biểu tại phiên họp lần thứ 80 của Diễn đàn Kinh tế và Môi trường (WMO), Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống”.

Thời tiết có tác động mạnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới một lần nữa nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của xã hội trước các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu cũng như sự cần thiết phải có cảnh báo sớm cho tất cả mọi người. Liên hợp quốc đã nhiều lần cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng. Theo bà Beth Bechdol, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực cho 72 triệu người ở 18 quốc gia. Bà nói: “Những tác động của El Nino này đang ngày càng sâu sắc trên khắp thế giới”.

Còn theo bà Reena Ghelani - điều phối viên khủng hoảng khí hậu mới của Cơ quan ứng phó El Nino/La Nina, những thay đổi do biến đổi khí hậu sẽ rất nghiêm trọng và các quốc gia có thể không thể phục hồi và hấp thụ điều này. Vì thế, bà cho rằng nếu chúng ta hành động ngay bây giờ và hành động nhanh chóng, thế giới sẽ không gặp phải một cuộc khủng hoảng lớn nào nữa.

Theo các nhà khoa học, điều trước tiên mà thế giới cần làm là giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, mục tiêu vô cùng quan trọng để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C - giới hạn giúp tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu, dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, bão gây lũ, lụt. Theo ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), khoảng thời gian hai năm tới có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu Trái đất trước các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Các nước vẫn còn cơ hội giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch quốc gia mới, song cần thực hiện những kế hoạch đó ngay lập tức và mạnh mẽ hơn.

Ông Simon Stiell kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu, phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn. Ông đồng thời nhấn mạnh cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó biến đổi khí hậu, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, cũng như các nguồn tài chính quốc tế mới, như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…

https://www.anninhthudo.vn/lu-lut-hoanh-hanh-nhieu-noi-tren-the-gioi-post575369.antd

Hoàng Sơn / ANTD