Luận án tiến sĩ ngành giáo dục học với đề tài phát triển môn cầu lông cho công chức thành phố Sơn La đang gây xôn xao dư luận.
- Yêu cầu xử lý người dùng bằng giả của ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ
- Bị chê \'thừa giấy vẽ voi\', tác giả luận án tiến sĩ nghệ thuật chữ trên bìa sách phản bác
Trên các diễn đàn học thuật, mạng xã hội những ngày qua lan truyền hình ảnh trang bìa luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh. Luận án được bảo vệ thành công năm 2022. Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học, dân mạng rất bất ngờ và bức xúc vì nghiên cứu "không giúp ích gì cho cuộc sống".
Trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT đăng tải đầy đủ thông tin lưu trữ toàn văn luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh. Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Chuyên trang Luận văn - Luận án tóm tắt kết quả nghiên cứu: "Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.
Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Quá trình nghiên cứu, đề tài lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, gồm: tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu cầu lông; phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào cầu lông cho công chức, viên chức; hoàn thiện hệ thống thi đấu cầu lông cho công chức, viên chức; mở rộng các hình thức tập luyện cầu lông cho công chức, viên chức; khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào cầu lông của công chức, viên chức.
Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15,38% đến 133,33%). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết".
Tìm kiếm theo từ khoá tại chuyên trang này thì có tới 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực phát triển môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó một số luận án có tiêu đề gần giống luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao hiện không truy cập được.
Thông tin luận án đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đề tài trên quy mô nghiên cứu ở phạm vi hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, đề tài trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La là quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học.
"Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Một chuyên gia về giáo dục cũng cho rằng, đề tài trên quá nhỏ để mang ra thực hiện một đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ. "Có thể thấy khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang có vấn đề. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, coppy, paste cần được loại bỏ ngay lật tức".
Một nhà khoa học khác nhận định: "Đọc tóm tắt những cái gọi 'mới' của luận án thì chẳng có gì mới và không chút hàm lượng khoa học nào, nên chẳng thể coi là kết quả nghiên cứu. Nó giống với báo cáo tổng kết năm của Sở Văn hóa thể thao du lịch nhiều hơn. Chẳng biết hội đồng chấm luận án có những ai và đánh giá thế nào?