Theo luật sư, việc cắt điện, nước nếu không nộp phạt vi phạm hành chính là tước đi quyền cơ bản của công dân và không đảm bảo tính nhân văn.
Trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo luật lần này bổ sung biện pháp cưỡng chế mới là "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".
Đề xuất này đang nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá của dư luận.
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sự TP Hà Nội) cho biết, việc xử phạt hành chính hiện nay thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đối với từng lĩnh vực.
Trong số các loại hình phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, không có biện pháp nào là cắt điện, cắt nước của người vi phạm hành chính.
"Nếu bổ sung biện pháp này vào luật thành biện pháp khắc phục hậu quả như theo đề nghị của đại diện Bộ Tư pháp thì quan điểm cá nhân tôi cho rằng điều đó không hợp lý", ông Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cương phân tích, việc cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cắt điện, cắt nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được thực hiện nhiều năm nay căn cứ vào các nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Biện pháp này có tác dụng ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Không có điện, không có nước thì công trình vi phạm không thể tiếp tục thi công.
Đồng thời trước khi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng thì cơ quan chức năng cũng phải cắt điện, cắt nước để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại và lãng phí tài nguyên.
"Vậy, có thể nói rằng biện pháp cắt điện, cắt nước là một trong những biện pháp hỗ trợ để phục vụ cho việc tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng và tránh thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân. Đồng thời đây cũng là một biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp tục xảy ra", luật sư Cường nói.
Cắt điện, nước đối với người không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính không có tính khả thi, không đảm bảo tính nhân văn.
Luật sư Đặng Văn Cường
Tuy nhiên, theo ông Cường, hoạt động cắt điện, nước chỉ phù hợp đối với lĩnh vực xây dựng. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác như giao thông, thủy lợi, kinh doanh, thương mại, lao động, giáo dục... mà áp dụng biện pháp cắt điện, nước thì có thể làm cả một doanh nghiệp, một công ty ngưng hoạt động, người lao động mất việc làm, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng, gây hệ lụy lớn cho xã hội.
Còn nếu cắt điện, nước của hộ gia đình, cá nhân khi một thành viên trong gia đình vi phạm hành chính thì sẽ làm đảo lộn đời sống sinh hoạt, ảnh hưởng đến nhiều người, trong đó có cả những người không vi phạm hành chính.
Trong xã hội hiện đại ngày nay thì điện, nước sinh hoạt là những yêu cầu tối thiểu, thiết yếu trong cuộc sống đối với mỗi con người.
Quyền được sử dụng điện, nước là quyền cơ bản của công dân, cao hơn đó là quyền con người. Không chỉ vì một người vi phạm hành chính mà những người xung quanh không được hưởng cái quyền cơ bản này.
Chính vì vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, ý tưởng bổ sung biện pháp hành chính là “cắt điện, cắt nước đối với người không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính” trong tất cả các lĩnh vực là không có tính khả thi, không đảm bảo tính nhân văn đối với hoạt động xử lý vi phạm hành chính.
"Không phải tổ chức, cá nhân nào sau khi bị xử phạt hành chính cũng tự nguyện chấp hành. Bởi vậy pháp luật đã quy định các biện pháp cưỡng chế hành chính, theo đó cơ quan chức năng có quyền phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản, kê biên, phát mãi tài sản của người vi phạm để thu hồi tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.
Còn đối với các nước phát triển, khi người dân ít sử dụng tiền mặt thì biện pháp cưỡng chế hành chính hết sức đơn giản. Chính quyền chỉ cần vài thao tác trên máy tính là có thể khấu trừ tiền trong tài khoản của người vi phạm và chỉ cần thông báo cho họ biết", ông Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để giảm thiểu các biện pháp cưỡng chế hành chính thì giải pháp hiện đại, văn minh và tất yếu nhất là hướng đến ít sử dụng tiền mặt, mỗi công dân đều có tài khoản riêng.
Việc quản lý tài chính thông qua tài khoản ngân hàng, thanh toán trong các giao dịch dân sự phải kinh tế cũng bằng tài khoản thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí của Nhà nước và công dân đối với lĩnh vực tiền tệ, tài chính.
Đồng thời, ít sử dụng tiền mặt sẽ bớt được hành vi tham nhũng, việc quản lý xã hội cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Khi đó người vi phạm hành chính bị xử lý vi phạm, bị phạt tiền thì cơ quan chức năng chỉ việc trừ tiền trong tài khoản như các nước phát triển đang áp dụng hiện nay.
"Đó là quy luật tất yếu trong quản lý xã hội. Nếu chúng ta không vận dụng các biện pháp quản lý khoa học, hiện đại mà lại quy định các hình thức xử lý có tính chất lỗi thời, lạc hậu, không đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì sẽ làm cho xã hội rối ren, phức tạp chứ không giải quyết được các bế tắc trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính hiện nay", luật sư Đặng Văn Cường nói.