Kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, câu chuyện "Bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh đôi" lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Facebook lấy đi nước mắt của nhiều người là giả.

Được biết, nhóm của "bác sĩ Khoa" có nick Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra.

Hình ảnh đại diện trên Facebook của “bác sĩ Khoa” được lấy từ hình ảnh của một bác sỹ ở Singapore. Sau khi sự việc được làm rõ, một số thành viên đăng bài, tag các Facebook liên quan đến sự việc này đã… "lặn" mất tăm.

Luật sư nói gì về vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”? ảnh 1
Những thông tin giả về "bác sỹ Khoa" xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân nhận định, sở dĩ vụ việc này lan tỏa với tốc độ chóng mặt được hàng triệu người biết đến chỉ trong thời gian ngắn là do từ ban đầu nó được những người có uy tín, có ảnh hưởng trong xã hội chia sẻ, đăng tải trên mạng xã hội.

Nếu cơ quan chức năng không kịp thời điều tra, làm rõ và kết luận đây là tin giả, thì sẽ có không ít người bị lừa, chuyển tiền từ thiện.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành với sự nỗ lực, hi sinh quên mình của các “chiến sỹ áo trắng” ở tuyến đầu chống dịch đang cần được động viên, giúp đỡ, chia sẻ, việc xuất hiện tin giả trên đã gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của không ít người.

Theo cơ quan chức năng, nhóm đối tượng tạo dựng, phát tán tin giả về “bác sỹ Khoa” có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản. Do đó, vụ việc có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 174 BLHS 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh… thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo.

Đó là việc các đối tượng đưa thông tin gian dối về người đang gặp hoạn nạn, về sự việc hoạn nạn để đánh vào lòng thương, sự trắc ẩn trong mỗi con người, để họ chuyển tiền, tài sản cho nhóm đối tượng này và lầm tưởng rằng mình đang làm thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.

Hành vi trên ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tử tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các y - bác sỹ nói riêng và ngành Y nói chung.

Do đó, việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

TP.HCM đang xác minh hành vi của nhóm "bác sĩ Khoa" TP.HCM đang xác minh hành vi của nhóm "bác sĩ Khoa"
Công an vào cuộc xác minh thông tin vụ “bác sĩ Trần Khoa” Công an vào cuộc xác minh thông tin vụ “bác sĩ Trần Khoa”
Sự thật chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ mắc COVID-19 nặng cứu sản phụ sắp sinh Sự thật chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ mắc COVID-19 nặng cứu sản phụ sắp sinh

/ anninhthudo.vn