Điệp viên đào tẩu của Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng có lực lượng đặc biệt lớn nhất thế giới và cung cấp bí ẩn về việc sử dụng lực lượng này trong chiến tranh.
Theo Insider, vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hàng nghìn khẩu pháo và hàng triệu binh sĩ là cơ sở để Triều Tiên thách thức mọi lời đe dọa từ bên ngoài, song Bình Nhưỡng còn có lợi thế khác khi sở hữu lực lượng đặc biệt hoạt động hùng mạnh.
Được đào tạo tốt nhất
Không có nhiều thông tin về lực lượng này, song những tiết lộ gần đây của một điệp viên cấp cao Triều Tiên đào tẩu đã cung cấp một số thông tin chi tiết về cách lực lượng biệt kích của Bình Nhưỡng được huấn luyện và chiến đấu.
Các binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới, với quân số tại ngũ khoảng 1,3 triệu người. Lực lượng này được phân chia thành các lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và quy mô nhỏ hơn, chuyên dụng hơn.
Đơn vị hoạt động đặc biệt điển hình có từ 3.000 đến 5.000 lính biệt kích, thuộc các chi nhánh khác nhau của quân đội Triều Tiên và thuộc cơ quan tình báo Bình Nhưỡng, Tổng cục Trinh sát. Các đơn vị hoạt động đặc biệt của Triều Tiên có thể được chia theo chuyên ngành.
Các đơn vị trinh sát tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo và chuyển về trụ sở. Lực lượng nhảy dù có thể xâm nhập bằng đường không và chiếm giữ các mục tiêu như sân bay hoặc cầu cảng. Lính hải quân có thể xâm nhập từ tàu ngầm hoặc tàu thủy và tiến hành các cuộc đột kích ven biển. Trong khi đơn vị biệt kích có thể hành động trực tiếp như tiến hành các cuộc đột kích.
Trong các cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên có thể phô diễn các loại khí tài hiện đại. Vì nhiệm vụ đặc biệt, các đơn vị hoạt động đặc biệt của Triều Tiên là lực lượng được trang bị vũ khí và được đào tạo tốt nhất.
Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên tham gia diễn tập. (Ảnh: Getty) |
Theo cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), "lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên được huấn luyện và trang bị tốt hơn so với các đơn vị khác. Lực lượng này có khả năng gây rối, tiến hành các cuộc tấn công ở khu vực hậu phương”.
Dù trang bị rất thô sơ so với các đơn vị đặc nhiệm của các nước khác, song đặc nhiệm của Triều Tiên vẫn được xem là lực lượng nguy hiểm. Lực lượng hoạt động đặc biệt đóng một phần quan trọng trong học thuyết chiến đấu của quân đội Triều Tiên. Đội quân này tìm cách tấn công mục tiêu kẻ thù đồng thời từ nhiều góc độ khác nhau.
Theo quân đội Mỹ, học thuyết hoạt động đội quân đặc biệt của Triều Tiên nhấn mạnh đến tốc độ và tính bất ngờ. Lực lượng này có nhiệm vụ chiến lược: Xâm nhập vào Hàn Quốc, tiến hành chiến tranh bất quy tắc, phá hoại hậu tuyến của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời bảo vệ Triều Tiên trước các đơn vị hoạt động đặc biệt của Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Nếu chiến tranh lớn nổ ra, Triều Tiên sẽ nhanh chóng băng qua Khu phi quân sự trên báo đảo Triều Tiên. Theo kịch bản này, các đơn vị bộ binh hoặc cơ giới hạng nặng của Triều Tiên sẽ tấn công vào tiền tuyến của lực lượng Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi lực lượng hoạt động đặc biệt của Triều Tiên được tổ chức thành các đơn vị biệt kích hoặc bộ binh hạng nhẹ, sẽ tiến hành đột kích vào phía sau hoặc hai bên sườn đối phương, tấn công các tuyến tiếp tế, trung tâm chỉ huy và kiểm soát và các cơ sở chiến lược khác.
"Kẻ thù khốc liệt"
Insider dẫn lời điệp viên đào tẩu của Triều Tiên cho biết, lực lượng biệt kích của Triều Tiên được đào tạo với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, được xem là “kẻ thù khốc liệt" nếu chiến tranh nổ ra.
Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên tác chiến cơ động, linh hoạt trong các điều kiện. (Ảnh: Getty) |
“Chúng tôi có lợi thế về công nghệ, máy bay và tên lửa có thể ném bom nhưng họ sẽ chiến đấu cho đất nước. Kể từ khi sinh ra, người Triều Tiên đã được rèn luyện tinh thần cứng rắn, được huấn luyện để tồn tại và hoạt động trong môi trường lạnh giá vào mùa đông và sẽ chiến đấu đến người cuối cùng”, Insider dẫn lời điệp viên đào tẩu của Triều Tiên cho hay.
Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng các hoạt động quân sự thông thường để đánh lạc hướng các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời có thể bố trí đơn vị đặc nhiệm xâm nhập vào Hàn Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, Kim Kuk-song - một sĩ quan tình báo cấp cao của Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, mô tả cách thực Triều Tiên sử dụng nguồn lực tình báo và quân sự của để tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt, thiết yếu.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Hàn Quốc, các lính biệt kích của Triều Tiên cũng có thể sẽ cố gắng tấn công nhằm vào các nhà lãnh đạo và trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Seoul, tìm cách giết hại lãnh đạo Hàn Quốc và gây hoang mang trong những giờ đầu của cuộc xung đột.
Trong lịch sử, biệt kích Triều Tiên từng làm điều đó vào năm 1969 khi cố gắng thâm nhập vào Hàn Quốc với mục tiêu ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Đội biệt kích di chuyển nhanh và mạnh mẽ và tìm cách tiếp cận nơi ở của ông Park Chung-hee ở Seoul. Tuy nhiên, vụ ám sát bất thành khi lực lượng Triều Tiên không phá được mã từ để vào dinh thự ông Park Chung-hee và phải đối mặt với một cuộc đọ súng cùng quân đội Hàn Quốc.
Nguy cơ đe dọa về sự xâm nhập và thực hiện các cuộc tấn công khác của biệt kích Triều Tiên vẫn còn. Triều Tiên có thể thường xuyên phóng đại khả năng quân sự của nước này song không thể xem thường lực lượng hoạt động đặc biệt của Bình Nhưỡng.