Dân các nước coi việc đi bộ hàng cây số ra trạm buýt là đương nhiên, còn người Việt quen một bước cũng lên xe máy nên tìm đủ lý do thoái thác phương tiện công cộng.

Vâng, chính xác là người Việt Nam chúng ta cực kỳ lười đi bộ, như bài viết được đăng tải hôm qua trên VTC News. Thế nhưng không nhiều người chịu thừa nhận sự thật đó mà luôn tìm lý do để ngụy biện. Điều này thể hiện rõ nhất là khi Nhà nước có các chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Trên mạng xã hội những lúc ấy thường rộ lên các bình luận kêu than, chỉ trích, cho rằng người dân đang bị làm khó, bị “ép” đi xe buýt trong khi nhà họ không ở gần bến. Việc đi bộ hàng cây số ra trạm xe buýt không nằm trong hình dung của họ, vốn đã quen với việc lên xe máy hay gọi taxi khi phải di chuyển chỉ vài trăm mét.

Nhiều năm qua, người ta đưa ra hàng loạt “lý do khách quan” được cho là cản trở việc sử dụng phương tiện công cộng: Xe buýt bẩn thỉu cũ kỹ, trộm cắp móc túi, bến xe không gần nhà… Nay ở Hà Nội, hầu hết xe buýt đều được thay mới, sạch đẹp, an ninh trên xe rất tốt (tôi nhận xét với tư cách một hành khách đi buýt thường xuyên với nhiều tuyến khác nhau) nhưng những người từ chối xe buýt vẫn tiếp tục thoái thác với lý do phải đi bộ xa và điều kiện Việt Nam không phù hợp với việc đi bộ.

Lười đi bộ, người Việt ngụy biện, tìm đủ lý do thoái thác phương tiện công cộng - 1
Đi bộ trong thời gian trước khi lên và xuống xe buýt là cách tập thể dục hiệu quả. (Ảnh: Ecoparker)

Lý do ấy thật lạ lùng. Vì trên khắp thế giới, không nước nào đặt bến xe buýt hay trạm tàu điện ngầm trước cửa mỗi nhà dân cả. Mọi người vẫn phải đi bộ từ vài trăm mét đến vài ba cây số để đến trạm và khi xuống xe lại đi bộ một chặng nữa để tới điểm đến của mình. Nếu phải chuyển tuyến, họ còn đi bộ nhiều hơn. Đi bộ thành thói quen hằng ngày, là chuyện đương nhiên, vừa nâng cao sức khỏe, vừa giảm áp lực giao thông.

Còn ở ta thì khác hẳn, một bước là lên xe máy, thế nên người ta tìm đủ mọi lý do để thoái thác sử dụng phương tiện công cộng. Để biện minh cho việc không thể đi bộ ra trạm xe buýt, tàu điện, họ viện cớ khí hậu Việt Nam nóng bức, không khí Việt Nam nhiều bụi bặm chứ không được trong lành mát mẻ như Tây. Nhưng họ đâu có tránh được nóng và bụi khi ngồi trên xe máy. Hơn nữa, khi dùng phương tiện này, họ sẽ phải chịu đựng nóng và bụi suốt hành trình, thay vì chỉ một đoạn đường.

Khi phải chịu căng thẳng, mệt mỏi vì chôn chân hàng tiếng đồng hồ trong đám tắc đường, hít khí độc từ khói xe máy của mình, rất nhiều người lên mạng than thở, kêu ca rồi chê bai, so sánh Việt Nam với Tây. Dường như họ không nhận ra, chính mình là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống giao thông và sự ô nhiễm không khí đô thị bởi khí thải của xe máy.

Tất nhiên, mỗi phương tiện giao thông đều có vai trò riêng, và một số người do điều kiện cũng như đặc thù công việc nên cần sử dụng xe máy. Nhưng tôi tin chắc rằng nếu có phép màu để tất cả những người lâu nay từ chối xe buýt vì lười đi bộ bỗng nhiên không còn lười nữa, lượng xe máy ở Hà Nội, TP.HCM sẽ giảm ít nhất là một nửa.

Và khi đó, không chỉ áp lực giao thông giảm, đường phố thông thoáng, không khí trong lành hơn mà con người Việt Nam cũng khỏe khoắn, tráng kiện hơn do thói quen đi bộ mỗi ngày.

HOÀNG LONG

Để người dân tự giác bỏ xe máy Để người dân tự giác bỏ xe máy
Đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội: Phải làm tốt phương tiện công cộng trước Đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội: Phải làm tốt phương tiện công cộng trước

/ vtc.vn