Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng tăng lương hưu, lương cơ sở thêm 7% từ tháng 7 năm sau.
Chiều 22/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách năm 2018, dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Theo ông Dũng, Chính phủ trình Quốc hội dự toán thu ngân sách năm 2019 hơn 1,41 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động 23% GDP, trong đó khoảng 20% GDP thu từ thuế, phí.
Dự toán chi ngân sách hơn 1,63 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 429.300 tỷ đồng, bằng 26,3% tổng chi ngân sách. Số này bằng mức kế hoạch trung hạn 3 năm (2018 – 2020).
Ngoài các khoản cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên..., Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng cho tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng từ 1/7/2019. Theo đó lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng một tháng, tương đương tăng 7%. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.
| |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 22/10. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội |
Cách đây 3 tháng, lương cơ sở của công chức, viên chức cũng chính thức tăng thêm 90.000 đồng, từ 1,3 triệu lên 1,39 triệu đồng một người một tháng.
Tiếp xúc với cử tri Hà Tĩnh trước thềm kỳ họp thứ 6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ bảo đảm mỗi năm mức lương cơ bản sẽ tăng 7% từ nay tới năm 2020. Mức lương của công chức thấp nhất hệ thống (hệ số 1,8) sẽ ngang bằng tiền lương của khu vực doanh nghiệp sau 3 năm nữa. "Giảm được biên chế thì chi thường xuyên sẽ giảm đi", ông Huệ nói.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi với người có công đã bảo đảm mức tăng bình quân khoảng 7% một năm.
Tuy nhiên cơ quan thẩm tra nhận xét, việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. "Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách bền vững và chắc chắn", ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 về “cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, bội chi năm 2019 dự kiến là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Đến cuối năm 2019, nợ công là 61,3% GDP, nợ Chính phủ 52,2% GDP; nợ nước ngoài quốc gia 49,9% GDP.
Xét về tỷ lệ, bội chi ngân sách 2019 giảm, nhưng xét về số tuyệt đối lại tăng 18.000 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ nước ngoài quốc gia sát ngưỡng 50% GDP, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đòi hỏi sự quản lý chặt vay vốn nước ngoài khu vực doanh nghiệp, cũng như thực hiện nghiêm không bảo lãnh vay vốn và không vay về cho vay lại.
Trong khi đó, Uỷ ban Tài chính - ngân sách thì đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong tổ chức, xây dựng định mức chi phí, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ công; cũng như siết chặt hơn kỷ cương quản lý chi tiêu ngân sách.
Tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH... |