Khi cuộc chiến chống IS lắng xuống, mâu thuẫn giữa hai đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd được đẩy lên đỉnh điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và là đồng minh với Mỹ, mới đây phát động chiến dịch quân sự "Cành Olive", đưa bộ binh, xe tăng, thiết giáp tiến vào lãnh thổ Syria tấn công khu vực Afrin. Đối thủ của họ là dân quân người Kurd, cũng là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và hỗ trợ vũ khí, theo NPR.

Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, đồng thời khiến nhiều người bối rối về tình cảnh tàn sát lẫn nhau giữa các đồng minh, đối tác từng sát cánh với Washington trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chỉ trong 4 ngày tham chiến, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tiêu diệt ít nhất 260 chiến binh người Kurd, trong khi Liên Hợp Quốc ước tính thương vong của dân thường trong cuộc xung đột mới bùng phát này sẽ lên tới 324.000 người. Giới phân tích cho rằng cuộc tương tàn giữa Ankara và người Kurd ở Syria có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử.

Nguồn gốc dân quân người Kurd

Người Kurd là dân tộc thiểu số sống rải rác ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran, nhiều người trong số họ luôn mong ước về một nhà nước người Kurd độc lập, điều khiến chính phủ của cả 4 quốc gia trên phiền lòng. Người Kurd sinh sống ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria đều lập ra các tổ chức vũ trang của mình, nhằm hiện thực hóa giấc mơ độc lập bằng vũ lực.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) thường xuyên đụng độ với lực lượng an ninh nước này và gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu, khiến Ankara xếp nhóm này vào tổ chức khủng bố cần phải tiêu diệt nhằm ngăn chặn nguy cơ đòi ly khai của người Kurd. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng coi PKK là một tổ chức khủng bố.

Người Kurd ở Syria được lãnh đạo bởi Đảng Đoàn kết Dân chủ người Kurd (PYD), với tổ chức vũ trang là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), kiểm soát một khu vực rộng lớn ở phía đông bắc và tây bắc Syria với sự thừa nhận ngầm của chính quyền trung ương tại Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi các chiến binh là YPG, lập luận rằng họ cùng phục tùng sự lãnh đạo của Abdullah Ocalan, người đứng đầu PKK đang bị chính quyền Ankara giam giữ. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu lại không coi dân quân YPG là những kẻ khủng bố.

Khi quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad âm thầm rút khỏi khu vực của người Kurd ở miền bắc vào năm 2012 để lập các tuyến phòng thủ quanh thủ đô trước phe nổi dậy, đảng PYD nhanh chóng tiếp quản quyền kiểm soát và cho lập nên hệ thống quản lý hành chính, giáo dục của riêng mình, dù chính quyền Syria vẫn cấp các loại giấy tờ như giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn cho người Kurd để duy trì ảnh hưởng.

YPG lúc này trên thực tế đã trở thành lực lượng quân đội riêng của người Kurd ở miền bắc Syria. Người Kurd được coi là những chiến binh quả cảm, dày dạn kinh nghiệm, từng chiến đấu trong các đội quân của Đế chế Ottoman và thực dân Pháp.

Khi cuộc chiến chống IS ở Syria bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, Mỹ nhận ra lực lượng nổi dậy được họ hậu thuẫn, huấn luyện và hỗ trợ vũ khí lại tỏ ra kém hiệu quả trên chiến trường, khi nhiều đơn vị tan rã ngay trong những trận đụng độ đầu tiên. Điều đó buộc Mỹ phải hướng sự chú ý tới YPG, lực lượng đã kiên cường bảo vệ thị trấn chiến lược Kobane trước vòng vây của IS trong nhiều tháng.

Mỹ sau đó tăng cường viện trợ vũ khí, trang thiết bị và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho dân quân YPG, lực lượng mà họ tin rằng có đủ kinh nghiệm, độ tin cậy và khả năng giải phóng các khu vực bị IS chiếm đóng và giữ vững chúng.

[WIDGET_VIDEO:::2215]

Dân quân người Kurd phóng tên lửa hạ liên tiếp hai xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ. Video: YouTube.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Mỹ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng Washington không có lý gì lại đi cung cấp vũ khí cho một tổ chức bị đồng minh của mình coi là kẻ thù. Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định số vũ khí Mỹ cấp cho YPG có thể sẽ lọt vào tay nhóm khủng bố PKK để chống lại lực lượng an ninh nước này.

Những cáo buộc này đều bị Mỹ phớt lờ, khi YPG chứng tỏ được năng lực qua các trận chiến với IS. Washington cho rằng họ không thể tiến hành hiệu quả cuộc chiến chống IS ở Syria nếu không có sự hỗ trợ của dân quân YPG.

Nồi da nấu thịt

Khi cuộc chiến chống IS dần đi đến hồi kết, địa vị tương lai của người Kurd ở Syria nổi lên thành một vấn đề bức thiết. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, người Kurd lúc này đã kiểm soát một vùng rộng lớn ở phía bắc Syria, lực lượng vũ trang của họ cũng trở nên mạnh hơn bao giờ hết, tạo điều kiện thuận lợi để họ thúc đẩy giấc mơ giành độc lập trong một "liên bang dân chủ" Syria, theo BBC.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết. Quân đội Syria Tự do (SFA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang hoạt động ở khu vực Al Bab, bị kẹp giữa hai vùng kiểm soát của YPG. Ankara cho rằng nếu YPG xóa sổ được SFA và nối liền vùng kiểm soát ở miền bắc Syria, họ có thể kết hợp với PKK để trở thành một nhà nước người Kurd độc lập, đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

ly do dong minh cua my tan sat lan nhau tren chien truong syria
Khu vực Al Bab do SFA kiểm soát (màu tím) bị kẹp giữa vùng kiểm soát của dân quân người Kurd (màu vàng) ở miền bắc Syria. Đồ họa: AFP.

Với mối lo sợ này, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đưa quân tiến vào Afrin và Manbij, với mục tiêu thành lập một "vùng an toàn" sâu 30 km trong lãnh thổ Syria để ngăn chặn "các phần tử khủng bố" nối liền vùng kiểm soát dọc biên giới phía nam của mình.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy Mỹ vào thế bí, khi cả hai đồng minh, đối tác của họ quay sang tàn sát lẫn nhau trên chiến trường. Mỹ vẫn cần đến các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục chiến dịch quân sự tại Syria, nhưng cũng không thể bỏ rơi dân quân YPG được họ dày công đầu tư, huấn luyện.

Washington đến nay mới chỉ kêu gọi Ankara "kiềm chế" và nhanh chóng chấm dứt chiến dịch "Cành Olive" để tập trung vào cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, lời kêu gọi này không chạm tới cốt lõi của vấn đề, đó là giấc mơ độc lập của người Kurd và nỗi lo sợ về an ninh, chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiến trường bắc Syria, giấc mơ của phe này lại là ác mộng của phe kia, giới quan sát nhận định.

ly do dong minh cua my tan sat lan nhau tren chien truong syria Đức ngồi trên đống lửa vì TNK dùng xe tăng Leopard đánh người Kurd

Chính phủ Đức đang đối mặt với những lời kêu gọi ngưng xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nổi lên những ...

ly do dong minh cua my tan sat lan nhau tren chien truong syria Nga - Mỹ khó xử vì Thổ Nhĩ Kỳ

Giới chức Mỹ vừa bày tỏ lo ngại cũng như kêu gọi sự kiềm chế sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân ...

ly do dong minh cua my tan sat lan nhau tren chien truong syria Syria: Hé lộ thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong hoạt động chống người Kurd

Thổ Nhĩ Kỳ đã có thỏa thuận với Nga về việc triển khai các hoạt động quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở ...

/ https://vnexpress.net