Tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Cuối tháng 12.2016, để phục vụ thí điểm tuyến buýt nhanh BRT, Hà Nội đã thực hiện cấm một số loại xe giờ cao điểm. Trong đó, xe máy bị cấm lên hai cầu vượt Láng Hạ (quận Ba Đình) và Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) trong 2 khung giờ hàng ngày: Từ 6h – 9h và từ 16h30 – 19h30.
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, từ lâu, biển cấm tại 2 cây cầu này gần như vô tác dụng. Hàng ngày, vào 2 khung giờ trên, xe máy vẫn nườm nượp vượt cầu mà không gặp bất cứ điều chỉnh, xử phạt nào từ phía cơ quan chức năng.
Xe máy vô tư vượt cầu vượt Lê Văn Lương vào 17h30 ngày 17.7 (biển cấm xe máy khoanh vàng).
Chia sẻ với PV, anh Lê Trung Thành (38 tuổi, Cầu Giấy) cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi vào 2 khung giờ cao điểm trên, khu vực phía dưới chân cầu thường xuyên ùn tắc, phải chen lấn trong khi đó trên cầu lại rộng thênh thang.
“Để di chuyển nhanh hơn, tránh bị ùn tắc khi đi qua đây, tôi cũng thường xuyên vượt cầu. Thời gian đầu, có công an đứng phân làn, nhắc nhở thậm chí xử phạt nhưng sau dần không thấy ai nữa nên người dân cũng thoải mái vượt cầu hơn”, nam kỹ sư này cho biết.
Lê Thu Thảo (23 tuổi, Đống Đa), cũng thường xuyên di chuyển qua khu vực 2 cây cầu vượt này cho biết: “Tôi thấy mọi người vượt thì cũng vượt theo, vì không thấy ai bị xử phạt nên nghĩ là không vi phạm gì. Thú thật, tôi còn chưa biết ở 2 khu vực này đã có thêm biển cấm xe máy vào khung giờ đó”.
Trong khi đó, Nguyễn Dương Hưng (28 tuổi, Bắc Từ Liêm) lại cho rằng lý do dù biết có biển cấm vẫn thường xuyên vượt cầu là để “đổi gió”. “Cả một đoạn dài di chuyển dưới đường, thấy cầu là chỉ muốn vượt bởi đi trên cầu thoáng mát hơn và cũng đỡ bị ùn tắc hơn”, nam thanh niên lý giải.
Tình trạng tương tự tại cầu vượt Láng Hạ vào 18h ngày 18.7 (biển cấm xe máy khoanh vàng).
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), cho biết, nguyên nhân của sự việc này là do việc phân làn đường bất hợp lý trên đường Láng Hạ: Làn đường BRT chiếm quá nhiều diện tích so với các loại phương tiện khác vì vậy vào giờ cao điểm, lượng xe máy không còn cách nào khác phải di chuyển lên phía cầu vượt để tránh ùn tắc.
“Hiện tại, do lượng người vi phạm quá đông, thậm chí nhiều người phản ứng cho rằng biển cấm rất bất hợp lý nên chúng tôi đã dừng việc kiểm tra, xử phạt thay vào đó là hình thức vận động, tuyên truyền người tham gia giao thông”, đại tá Lê Tú cho biết và khẳng định việc gỡ biển thuộc về thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Hải Phòng đề xuất chi 7.000 tỷ xây thêm cầu vượt biển Lãnh đạo Hải Phòng kiến nghị Chính phủ cho phép xây thêm cầu vượt biển thứ 2 song song với cầu Tân Vũ - Lạch ... |
Bất ngờ nguyên nhân cầu trăm tỷ vừa khai trương đã lún Chủ đầu tư cầu vượt Mỹ Thủy thừa nhận, đoạn đường xảy ra sự cố này mới chỉ làm tạm để thông xe. |
Cầu vượt phải \'cấp cứu\', chi 29 tỷ để giảm người Vừa mới thông xe chưa được 48 tiếng, cầu vượt qua nút giao thông Mỹ Thủy đã phải rào đường để sửa hiện tượng sụt ... |