Nhiều chuyên gia pháp luật và giao thông cho rằng nếu mất bằng lái phải thi lại sẽ là quy định không công bằng với số đông người dân
Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng trường hợp mất bằng lái xe phải thi lại trong phiên họp Quốc hội vào ngày 6-3, dư luận xã hội đã "dậy sóng".
Mỗi ngành quản mỗi kiểu
Phóng viên Báo Người Lao Động đã cố gắng liên hệ với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong ngày 7-3 để hỏi về lời phát biểu trên nhưng bất thành. Trong khi đó, nhiều chuyên gia pháp luật và giao thông cho rằng nếu mất bằng lái phải thi lại sẽ là quy định không công bằng với số đông người dân.
Người dân nhận giấy phép lái xe tại phòng sát hạch ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại diện Vụ Quản lý Phương tiện người lái - Tổng cục Đường bộ nhìn nhận đề xuất của Bộ trưởng GTVT là mong muốn hạn chế đối tượng giả vờ mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất, có thể bộ trưởng sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định.
Theo Thông tư liên lịch số 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT của Bộ Công an - Bộ GTVT, việc phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, CSGT sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang Tổng cục Đường bộ để cập nhật. Tuy nhiên, hiện tại CSGT mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Nhiều trường hợp tạm giữ bằng lái xe do vi phạm có thời hạn 1 - 2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng mà giả vờ bị mất bằng lái rồi đến xin cấp lại. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để CSGT cập nhật các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin 2 ngành để thuận tiện quản lý.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh - Hà Nội), nói thẳng: "Bít lỗ hổng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tôi không đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT. Nếu những người dân bị mất bằng lái với lý do chính đáng và vẫn còn hồ sơ gốc mà bị buộc thi lại sẽ dẫn đến những phiền hà, tốn kém tiền bạc, công sức không cần thiết. Chưa kể, việc này sẽ dễ tạo thêm cơ hội cho các đối tượng xấu vòi vĩnh để yêu cầu tiền chuộc đối với người dân bị mất bằng. Việc không quản lý được, tạo lỗ hổng những người vi phạm lách luật để có bằng thứ 2, thứ 3 là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải của người dân".
Bất hợp lý
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói ông rất băn khoăn về đề xuất trên của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Với các trường hợp gian dối, lách luật để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 nếu phát hiện được, ngoài tịch thu bằng lái thì việc yêu cầu phải học lại, thi lại mới cho cấp bằng thì hoàn toàn phù hợp. Còn việc chỉ lấy một bộ phận người nào đó, để rồi đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người là bất hợp lý.
Hiện nay, các cơ quan chức năng có đầy đủ phương tiện, nhân lực để có thể xác minh, làm rõ được người này mất bằng lái xe thực sự hay khai gian dối để được cấp bằng. Trong quy định của việc cấp lại bằng lái cũng nêu rõ, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại bằng lái xe. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể rà soát được lỗ hổng, còn việc không rà soát kỹ là do cơ quan chức năng nhà nước chưa làm hết trách nhiệm.
Về khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận định: "Tất cả chính sách pháp luật phải có đạo lý. Một người luôn chấp hành pháp luật giao thông tốt nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó như bị mất ví, trong đó có bằng lái xe thì việc cấp lại cho họ là bình thường. Việc đưa ra quy định người bị mất bằng lái xe phải thi lại là không nên, khi bằng đó vẫn còn có giá trị. Và người dân so sánh nếu mất bằng tốt nghiệp đại học, trung học… mà cũng yêu cầu học lại thì sẽ là chuyện phi thực tế".
Tốn kém tiền bạc, thời gian Nhiều tài xế xe tải đường dài cho rằng nếu áp dụng quy định trên sẽ gây phiền phức và tốn kém cho người dân. Với cánh lái xe đường dài, giấy phép lái xe như chứng chỉ nghề. Thật phi lý chỉ vì mất chứng chỉ nhưng phải thi lại, trong khi điều này không hề ảnh hưởng trình độ của người lái xe. Chi phí thi và cấp bằng không thấp, thời gian thi cũng kéo dài nên cứ quy định mất bằng thì phải thi sẽ gây tốn kém và mất thời gian của người dân rất vô lý. Siết chặt sát hạch, cấp giấy phép lái xe Ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Bộ trưởng GTVT cho biết theo kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với Ủy ban Tư pháp Quốc hội và phản ánh của người dân liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) về triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước. Văn bản của Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX; hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ cần phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các tài xế vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm. "Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX" - ông Thể yêu cầu. Trước đó, Bộ GTVT cũng vừa ban hành quyết định thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại 13 địa phương, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1-1-2018 đến thời điểm thanh tra. Việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ GTVT. |
Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: Không quản được, đẩy khó cho dân ! Đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về việc những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ đang tạo ra ... |
Đề xuất mất bằng phải thi lại: Bộ trưởng GTVT không nắm rõ quy trình? Cán bộ CSGT cho biết tất cả các trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe, CSGT sẽ có văn bản gửi sang ... |