Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, giá đất ở bất ngờ tăng phi mã, kéo theo nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự. Trong đó, đã có không ít địa phương mất cán bộ, tình người ở các làng quê cũng xuống thấp khi giá đất lên cao.

Cán bộ dính chàm vì đất lên giá

Tháng 8-2021, khi dự án Cao tốc Bắc Nam chạy qua địa bàn bắt đầu rục rịch thi công, người dân xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cũng nháo nhào việc mua bán, tách thửa các lô đất để chuyển nhượng khi có nhiều người ở các địa phương khác tìm đến để mua đất. Bà Nguyễn Thị Hằng được bố mẹ tặng cho một mảnh đất rộng hơn 1.200m2 từ năm 2007, để hoang hóa từ nhiều năm qua. Khi bão giá đất tràn qua địa phương, bà Hằng quyết định tách mảnh vườn này thành 3 thửa để bán, lấy tiền xây dựng nhà mới.

Khi đến UBND xã Quỳnh Lâm làm hồ sơ, bà Hằng được cán bộ phụ trách địa chính Lê Minh Tâm (sinh năm 1984), trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu hướng dẫn thủ tục hồ sơ. Tuy nhiên, sau nửa tháng trời kể từ khi tiếp nhận, hồ sơ của bà này vẫn nằm trên bàn giấy của xã. Sốt ruột, bà Hằng liên tục thúc giục thì được Tâm “gợi ý” muốn nhanh thì phải “bôi trơn” 20 triệu đồng.

Vì muốn xong hồ sơ để giao đất cho người mua, bà Hằng đã đồng ý đưa cho Lê Minh Tâm số tiền nói trên. Song, đã nhiều tháng trôi qua, hồ sơ cấp đổi, tách thửa vẫn chưa hoàn tất, dù chủ nhân đã nhiều lần thúc giục. Trong một lần tình cờ, bà Hằng biết được có hàng chục người trên địa bàn xã cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi đã mất một khoản tiền nhưng vẫn không hoàn tất được hồ sơ, đổi lại chỉ là những lời hứa hão của cán bộ địa chính. Đầu tháng 3-2022, bà Hằng và những người khác đồng cảnh ngộ, đã tố cáo sự việc đến cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu.

Mất cán bộ, mất tình thân vì… sốt đất -0
Cơ quan chức năng khởi tố cán bộ địa chính xã Quỳnh Lâm Lê Minh Tâm.

Vào cuộc điều tra, ngày 12-3, Công an huyện Quỳnh Lưu đã có đủ căn cứ xác định cán bộ địa chính xã Quỳnh Lâm Lê Minh Tâm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của người dân trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây bức xúc trong nhân dân.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vị cán bộ này để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 1, Điều 355, Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra cũng khởi tố đối với Phạm Thị Thanh Thủy (sinh năm 1982), trú tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, là công chức địa chính xã Quỳnh Hồng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Tiến hành khám xét nơi làm việc của 2 bị can, cơ quan chức năng đã thu giữ 80 bộ hồ sơ làm thủ tục cấp đất, sổ sách, tài liệu liên quan. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, lợi dụng nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và hiểu biết pháp luật còn hạn chế của người dân, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của mỗi bị hại đến làm thủ tục đăng ký đất đai từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Nhưng đây không phải vụ án duy nhất, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, là thời điểm giao dịch thị trường bất động sản có chiều hướng tăng phi mã, bất thường, tỉnh Nghệ An đã liên tục “mất” cán bộ xã vì đất, đặc biệt là trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Tháng 10-2021, tại xã Quỳnh Châu, cán bộ địa chính Lê Thị Hương Giang (sinh năm 1981), sau khi bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác”, đã kéo theo Chủ tịch và Phó bí thư Đảng ủy xã này vào vòng lao lý. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra còn khởi tố thêm 2 bị can khác là những người dân trên địa bàn về tội “Đưa hối lộ”. Nhóm cán bộ này được xác định là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “phù phép”, chiếm dụng đất của người dân để hợp thức hóa cho người khác.

Mất cán bộ, mất tình thân vì… sốt đất -0
Một “bộ sậu” cùng nhau ra trước vành móng ngựa vì… “ăn đất”!.

Cũng tại huyện Quỳnh Lưu, tháng 10-2021, tại xã Quỳnh Giang, bà Chu Thị Ngọc (sinh năm 1983) cũng bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác”. Cùng dính lao lý trong vụ án này còn có Nguyễn Bá Thái (sinh năm 1979) nguyên Trưởng Công an xã Quỳnh Giang và Nguyễn Ngọc Đức (sinh năm 1981) Phó Chủ tịch Hội Nông dân, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Quỳnh Giang cũng về tội danh nói trên.

Trước đó, vào tháng 7-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Lợi dụng chính sách “dồn điền đổi thửa”, tại xã này đã để xảy ra tình trạng bán nhiều diện tích đất trái thẩm quyền, gây thiệt hại cho Nhà nước. Số liệu từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 24 cán bộ bị khởi tố vì liên quan đến đất đai. Trong số này, có 6 người là chủ tịch xã, 2 người là bí thư Đảng ủy, 3 cán bộ đất đai cấp huyện, 4 người thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, số còn lại là cán bộ địa chính, xóm trưởng.

Mất cán bộ, mất tình thân vì… sốt đất -0
Cơ quan Công an khám xét nơi làm việc của một cán bộ địa chính bị khởi tố.

Nhiều thủ đoạn “ăn đất”

Cũng theo số liệu thống kê, sai phạm về đất đai xảy ra ở cấp xã, ngoài thủ đoạn của hai cán bộ địa chính xã Quỳnh Hồng và Quỳnh Lâm như đã đề cập ở trên khi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, còn có các hành vi như bán đất trái thẩm quyền; sai phạm trong lập hồ sơ, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; lập khống hồ sơ để nhận bồi thường sai quy định hay cố tình làm sai lệch các thông tin trong quá trình cấp đổi bìa đất cho người dân, sau đó chiếm đoạt…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Nghệ An, hằng năm địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, sử dụng đất đai; qua đó nhằm hạn chế những thiếu sót, sai phạm trong quản lý đất, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ biến chất vẫn cố tình làm sai, dẫn đến vướng vòng lao lý.

Mất cán bộ, mất tình thân vì… sốt đất -0
Chuyên gia nhận định, đất nông thôn sốt giá bất thường là do “cò” thổi giá.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, giai đoạn hiện nay Nghệ An đang chịu tác động mạnh mẽ từ cơn sốt đất, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, nơi có các dự án đang chuẩn bị được xem xét đầu tư. Theo một số chuyên gia, thực chất của giá đất tăng phi mã là do giới đầu cơ bắt tay nhau để tạo ra những “cơn sóng ảo” làm giá đất chao đảo.

Chính mánh khóe “thổi phồng” so với giá phổ biến trên thị trường của giới đầu cơ đã tạo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và gây khó khăn cho người có nhu cầu mua đất thực. Thực tế, giá đất được “thổi” trên trời đã kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống văn hóa mà số vụ tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương cũng liên tục xảy ra, chủ yếu liên quan đến đất đai.

Thậm chí, vì đất đã xảy ra các trường hợp anh em ruột thị quay lưng lại với nhau. Đau lòng hơn, cũng vì đất mà sát hại lẫn nhau như trường hợp của Lê Minh Hải (sinh năm 1983), trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vì mâu thuẫn với gia đình vợ cũ trong việc phân chia tiền đền bù mảnh đất khi dự án mở đường đi qua, ngày 28-9-2020, Hải đã mua 1 con dao tìm đến nhà mẹ vợ cũ là bà Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1949), trú tại thành phố Hà Tĩnh, đâm bà này trọng thương và sát hại hai người chị vợ lúc này đang có mặt tại đây. Mặc dù bản án tử hình đã được tuyên, nhưng nỗi đau cho những người ở lại, vẫn luôn là bài học không bao giờ cũ.

Tại nhiều địa phương, chính quyền cấp xã cũng “đau đầu” khi có những vụ việc kiện tụng, tranh chấp đất đai kéo dài do anh em nội tộc, thậm chí anh em ruột thịt trong một gia đình tranh chấp lẫn nhau. Một số trường hợp, con đi xuất khẩu lao động nhiều năm ở nước ngoài, trở về dù tiền không thiếu nhưng thấy đất tăng giá nên đã gây áp lực yêu cầu cha mẹ bán đất để chia tài sản. Còn chuyện hàng xóm láng giềng bỗng dưng kiện tụng, tranh giành nhau vì lấn lối đi riêng, xê dịch hàng rào… thì nhiều vô kể, hầu như địa phương nào cũng có, và trùng hợp ngẫu nhiên là chỉ mới xảy ra rầm rộ trong thời gian gần đây, khi đất nông thôn bất ngờ tăng giá.

Thống kê cho thấy, qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì đất đai là khởi nguồn của nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp kéo dài, chiếm đến 70 - 80% các vụ khiếu kiện hàng năm. Còn nguyên nhân dẫn đến cán bộ sai phạm, ngoài một số yếu tố khách quan thì quan trọng nhất vẫn là sự thiếu tu dưỡng, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ, công chức, dẫn đến sai phạm và bị khởi tố.

https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/mat-can-bo-mat-tinh-than-vi-sot-dat-i651052/

Thiên Thành / cand.com.vn