Người phát ngôn điện Kremlin cho rằng không có gì bảo đảm Ukraine sẽ không sử dụng các tên lửa Mỹ sắp viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.
- Ukraine hối thúc Mỹ gửi pháo phản lực, cam kết không bắn qua biên giới Nga
- Mỹ tiếp tục "bơm" 700 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine
- Tổng thống Zelensky: Mỗi ngày Ukraine mất 600 binh sĩ, tình hình rất khó khăn
TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên điện Kremlin nói rằng, Moskva không tin lời hứa của tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc không sử dụng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) sắp được Mỹ viện trợ tấn công Nga.
Theo như lời hứa của Tổng thống Zelensky, Ukraine sẽ không tấn công vào lãnh thổ Nga nếu Mỹ đồng ý viện trợ các hệ thống MLRS cho nước này.
Ông Peskov còn nhận định: "Để tin tưởng, bạn cần phải có cảm nhận nhất định về những lần đối phương giữ đúng lời hứa trước đó. Thật không may, chúng tôi chưa từng cảm nhận được điều nào như vậy từ phía Ukraine.”
Tổng thống Zelensky cam kết Ukraine sẽ không tấn công vào lãnh thổ Nga nếu Mỹ đồng ý viện trợ các hệ thống MLRS cho nước này. (Ảnh: Newsweek)
“Lời hứa khi ra tranh cử của ông Zelensky là sẽ chấm dứt giao tranh tại miền Đông Nam một lần và mãi mãi đã không được thực hiện. Thỏa thuận Minsk cũng không được thực thi và nó bị chìm vào lãng quên, do lỗi của Ukraine”, ông Peskov khẳng định.
“Do đó chúng tôi thật sự không còn chút niềm tin nào cho phía Ukraine”, ông Peskov nhấn mạnh.'Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với kênh Newsmax, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng Ukraine không có kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga sau khi nhận được các hệ thống pháo phản lực từ Mỹ.
Trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Nga khi Mỹ chuyển giao MLRS tầm xa cho Ukraine, ông Peskov cho biết Moskva đang thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp này.
Cũng theo phát ngôn viên điện Kremlin, việc Mỹ cung cấp MLRS cho quân đội Ukraine đang “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến này.
"Không có gì mới ở đây, chúng tôi tin rằng Mỹ có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng khi viện trợ MLRS cho Ukraine. Mỹ một lần nữa thể hiện chiến lược chống Nga đến người Ukraine cuối cùng”, ông Peskov nói.
Theo người phát ngôn điện Kremlin, các đợt viện trợ vũ khí bổ sung ngày một lớn và mở rộng về khả năng tấn công từ Mỹ cũng như đồng minh của họ đang góp phần chặn đứng mong muốn nối lại các cuộc đàm phán hòa bình của giới lãnh đạo Ukraine.
Hệ thống pháo phản lực cơ động HIMARS của quân đội Mỹ. (Ảnh: The Drive)
Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin lại không tiết lộ cách Moskva sẽ phản ứng nếu Ukraine sử dụng MLRS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.
Trước đó, ngày 1/6, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ với báo giới rằng Washington đang thúc tiến gói viện trợ quân sự thứ 11 cho Ukraine, bao gồm việc chuyển giao các hệ thống pháo phản lực cơ động HIMARS.
Vị quan chức này cho biết thêm rằng các hệ thống HIMARS được viện trợ cho Ukraine chỉ sẽ sử dụng đạn rocket có tầm bắn không quá 80 km. Phía Mỹ muốn đảm bảo rằng hệ thống vũ khí này sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Cũng trong ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nước này sẽ viện trợ cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270, có tầm bắn vào khoảng 80 km. M270 và HIMARS đều là các hệ thống MLRS do Mỹ chế tạo.