Ukraine khẳng định không tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga nếu nhận pháo phản lực phóng loạt của Mỹ, nhưng Điện Kremlin không tin lời cam kết này.
- Mỹ tiếp tục "bơm" 700 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine
- Tổng thống Mỹ từ chối gửi các tên lửa tấn công tầm xa cho Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn hôm 31/5 với tờ Newsmax, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa hối thúc Mỹ gửi pháo phản lực phóng loạt để chống đỡ các đợt tấn công của Nga, song cam kết không sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Nga có tin tưởng cam kết nay hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 1/6 trả lời: "Không". "Để tin tưởng, bạn cần phải từng chứng kiến việc đối phương giữ lời hứa. Thật không may, không có tiền lệ nào như vậy cả", ông Peskov nói.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, lực lượng của Kiev từng nhiều lần pháo kích, thậm chí triển khai máy bay trực thăng tấn công mục tiêu bên kia biên giới Nga, gây một số thiệt hại và kéo theo các đợt tấn công trả đũa quyết liệt từ Moscow.
Phát ngôn trên được ông Peskov đưa ra ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 tuyên bố Washington sẽ cung cấp các loại pháo tầm trung tiên tiến cho Ukraine để nhắm vào các "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường.
Một số quan chức Mỹ tiết lộ đó là hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, mẫu vũ khí có thể khai hỏa vào các mục tiêu ở khoảng cách 70km với đạn tiêu chuẩn. Các hệ thống M142 được cho là nằm trong gói hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trị giá 700 triệu USD mà Mỹ sắp công bố.
Theo lời ông Peskov, Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro từ các hệ thống pháo Mỹ, dường như bao gồm việc truy tìm và phá hủy mọi khẩu đội pháo nào được chuyển vào lãnh thổ Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã chỉ trích quyết định của Washington, cảnh báo "bất kỳ hoạt động cung cấp vũ khí nào, vốn đang tiếp diễn và gia tăng, đều làm leo thang nguy cơ" xảy ra đối đầu trực diện.