Giờ đây mỗi rạng đông của những người dân Hạ Đình và các khu lân cận đều đến trong u ám, bởi những lo ngại về an toàn cho mình, và lớn hơn, về những lo ngại dai dẳng và bất an, khi không biết mình nên tin vào ai, tin vào đâu, giữa rừng thông tin nhiễu loạn...
8h30 sáng ngày 29/8, sau khi ngọn lửa tại kho chứa nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông được khống chế, người dân nhanh chóng dọn dẹp, trở về nhà... |
Buổi sáng đầu tiên sau đám cháy ở kho chứa của nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, những người dân Hạ Đình trở về nhà, những gì họ thấy mới chỉ là những bức tường loang lổ, những mái nhà xạm đen, những con đường lõng bõng nước chữa cháy đêm qua, và những khuôn mặt hàng xóm mệt mỏi hệt như họ.
Lúc ấy họ chưa biết rằng, các công chức ở UBND Phường đang ngồi trước máy tính, để viết một văn bản mà sau đó khiến các công chức ở Quận Thanh Xuân nổi giận vì “không đúng thẩm quyền”. Nhưng văn bản của UBND Phường sáng hôm ấy cũng là văn bản duy nhất của cơ quan công quyền các cấp của thành phố, cảnh báo về những nguy cơ môi trường từ vụ cháy.
Văn bản của Uỷ ban nhân dân phường bị rút lại, cán bộ phường bị phê bình, nhưng người dân thì ngơ ngác, rồi ngần ngừ, và bắt đầu “di tản”, đi tìm nhà thuê, và không biết nhà mình có còn an toàn để sống không.
Một hộ dân 'sát vách' khu vực kho bị cháy chia sẻ về những tài sản bị sức nóng ngọn lửa thiêu rụi. |
Mười ngày sau, thành phố mới có một cuộc họp đầu tiên để bàn xem, đám cháy ấy có gì độc hay không, rồi mới có văn bản để “nhờ mời chuyên gia nước ngoài” đánh giá tác động đến môi trường từ đám cháy.
Cũng mười ngày sau, Bộ tài nguyên và môi trường mới để “rò rỉ” thông tin là có vài chục kilogram thuỷ ngân đã đốt hoá hơi trong đám cháy ấy, và cũng không thể trả lời, có hay không có, mức độ nguy hại môi trường thế nào.
Và “các cơ quan chức năng” lại tiếp tục đi lấy mẫu đất, mẫu nước,…để thử nghiệm.
Thậm chí, còn “phát hiện” ra, công ty Rạng đông ấy đã khai man về chuyện thuỷ ngân, hoá ra có mấy chục kilogram thuỷ ngân lỏng đã hoá hơi trong đám cháy, không phải thuỷ ngân rắn mà là thuỷ ngân lỏng.
Và vẫn không có cảnh báo nào, không ai nghĩ là mình có trách nhiệm để nói với người dân trong khu vực có thể bị tác động, vệ việc liệu nhà của họ có an toàn để sống không.
Thuỷ ngân là hoá chất độc hại, Luật môi trường có những quy định rất khắt khe về việc nhập khẩu, sử dụng, lưu trữ hoá chất ấy, và nếu theo các quy định của Luật, không khó khăn gì để sáng ngày xảy ra vụ cháy, cơ quan môi trường xác định ngay được, kho chứa của Rạng Đông có thuỷ ngân lỏng và có thể cảnh báo ngay về những nguy cơ môi trường.
Có lẽ người ta e ngại sự bất ổn, tâm lý hoảng loạn nếu cảnh báo về tác động môi trường sau khi đám cháy, nhưng với cách hành xử như hiện nay, kể cả nếu thật sự không có ảnh hưởng nào đáng kể về môi trường, thật khó để làm người dân tin vào lời khẳng định.
Thay vì chỉ có vài ngày, giờ đây mỗi rạng đông của những người dân Hạ Đình và các khu lân cận đều đến trong u ám, bởi những lo ngại về an toàn cho mình, và lớn hơn, về những lo ngại dai dẳng và bất an, khi không biết mình nên tin vào ai, tin vào đâu, giữa rừng thông tin nhiễu loạn, và những bất an về những nguy cơ môi trường dường như đã đến.
Và u ám hơn, khi chẳng công chức hay cơ quan công quyền nào thấy mình có lỗi cả.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho dân quanh kho Rạng Đông Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội và Bộ Tài nguyên Môi trường cần đảm bảo an toàn cho người dân, khắc phục môi trường, điều ... |
Sau vụ cháy Rạng Đông: Hơn 300 học sinh nghỉ học, muốn chuyển trường Phòng GD-ĐT Thanh Xuân cho biết, tại trường TH Hạ Đình có tổng số 320/1313 học sinh xin nghỉ học, Quận cũng sẽ tổ chức ... |
Dân sống trong bán kính 500m từ Công ty Rạng Đông cần đi khám sức khỏe Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sống trong bán kính từ 200m – 500m tính từ hàng rào Công ty Rạng Đông, cần ... |